• :
  • :

Phát triển thương hiệu phim hoạt hình Việt Nam

Sáng ngày 18-10, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phim hoạt hình Việt Nam - Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế”.

Tọa đàm có sự tham gia của các nhà quản lý, đại diện các cơ quan ban ngành, các nhà làm phim hoạt hình, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực hoạt hình.

Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam được thành lập ngày 9-11-1959 tại Hà Nội và ngày này được coi là ngày thành lập của ngành hoạt hình Việt Nam. 63 năm đồng hành với lịch sử dân tộc qua các giai đoạn chiến tranh, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập, phim hoạt hình là một bộ phận không thể thiếu được của điện ảnh nước nhà. Những năm qua, gần 100 bộ phim hoạt hình được trao giải thưởng Bông sen vàng, Bông sen bạc, Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và các giải quốc tế.

Quang cảnh buổi Tọa đàm “Phim hoạt hình Việt Nam – Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế”.

Trong bối cảnh điện ảnh chuyển đổi hoàn toàn sang kỹ thuật số và thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành phim hoạt hình Việt Nam đã có những sự thay đổi lớn, nhất là ở khu vực tư nhân, tuy nhiên chưa có cuộc hội thảo nào để trao đổi và đánh giá.

Bên cạnh Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, có rất nhiều công ty có hoạt động sản xuất với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, phương thức kinh doanh linh hoạt, thị trường không ngừng mở rộng, có sự trao đổi hợp tác thường xuyên với nước ngoài. Có thể thấy năng lực sản xuất phim hoạt hình và các sản phẩm liên quan hoạt hình ở Việt Nam là rất lớn. Thế nhưng, kết quả hoạt động của các công ty này chưa được tính vào các thống kê số liệu chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trong báo cáo tổng kết hàng năm hay tổng kết 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam).

Đã đến lúc cần thay đổi cách đánh giá năng lực và cách thức sản xuất phim hoạt hình để tập hợp sức mạnh, từ đó mở ra hướng hợp tác quốc tế tạo sự phát triển bền vững cho phim hoạt hình Việt Nam thành một ngành công nghiệp thực sự trong công nghiệp văn hóa Việt Nam, đó chính là mục đích của Tọa đàm.

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam chia sẻ: “Tọa đàm nhằm đánh giá thực lực đội ngũ làm phim hoạt hình, năng lực sản xuất, khả năng và phương thức phổ biến phim hoạt hình Việt Nam ở trong và ngoài nước. Mục tiêu của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam là xác định xu hướng hợp tác quốc tế của hoạt hình Việt Nam nhằm từng bước đưa hoạt hình và các sản phẩm liên quan ra thị trường quốc tế một cách bài bản vừa góp phần xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam vừa bảo vệ bản sắc văn hóa Việt trong phim hoạt hình”.

Tọa đàm là bước khởi đầu cho chuỗi các hoạt động nhằm xúc tiến, phát triển thương hiệu phim hoạt hình Việt Nam của Hiệp Hội trong tương lai.

KHÁNH HUYỀN

 

Lượt xem: 121
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết