• :
  • :

Bước lùi của điện ảnh Việt

Việc chỉ có 4 bộ phim dự tuyển chọn tham gia tranh Giải Oscar lần thứ 95, năm 2023 và Hội đồng quốc gia tuyển chọn bộ phim “578-Phát đạn của kẻ điên” (đạo diễn Lương Đình Dũng) gửi đi dự giải, đã phản ánh bức tranh không mấy tươi sáng của điện ảnh Việt trong hai năm vừa qua.

Phim truyện điện ảnh thiếu và yếu

Theo nhà báo Việt Văn, thành viên Hội đồng quốc gia tuyển chọn phim tham dự vòng sơ tuyển Giải thưởng Phim truyện quốc tế Oscar (2022-2023) gồm 15 thành viên, đã cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng và đồng thuận chọn phim “578-Phát đạn của kẻ điên” (tên tiếng Anh: 578 Magnum). Đánh giá của Hội đồng quốc gia tuyển chọn với bộ phim này như sau: Yếu tố thuần Việt, đề cập đến vấn đề xâm hại trẻ em-một vấn đề “nóng”, quảng bá được phần nào vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam (ở đây là cảnh hùng vĩ, hoang sơ và bí ẩn của rừng núi Tây Bắc).

Tuy nhiên, xét lại “578-Phát đạn của kẻ điên” chưa phải là một phim hoàn toàn thuyết phục được công chúng khi ra mắt hồi tháng 5-2022 và cũng thất bại về doanh thu (hơn 3,4 tỷ đồng là một con số khá thấp so với kỳ vọng).

       Hình ảnh trong phim “Cô gái từ quá khứ” hứa hẹn hút khán giả. Ảnh do đoàn phim cung cấp. 

Được biết, Hội đồng quốc gia tuyển chọn phim cũng chờ đợi “Đêm tối rực rỡ” của đạo diễn Aaron Toronto vừa thắng rực rỡ với 6 Cánh diều Vàng tại Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam được trao vào tháng 9-2022, nhưng đơn vị sản xuất không gửi tham dự. Trong 4 phim gửi đến, có phim không đạt tiêu chí quan trọng của phim dự thi Oscar-phải được công chiếu thương mại ít nhất 7 ngày liên tiếp. Đây cũng là vấn đề của nhiều phim Việt bấy lâu nay không thể gửi dự thi. Một trong những phim có doanh thu phòng vé là “Em và Trịnh” lại vướng quá nhiều lùm xùm, kiện cáo về chuyện phim lẫn nhân vật... càng không đủ tiêu chí để dự giải quốc tế.

So với những nền điện ảnh trong khu vực, dù luôn được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng các nhà làm phim cũng thẳng thắn nhìn nhận, điện ảnh Việt luôn thiếu và yếu. Trước đại dịch Covid-19, điện ảnh Việt có gam màu sáng, nổi bật là “Bố già” với 420 tỷ doanh thu tại thị trường Việt Nam và 1,08 triệu USD tại thị trường nước ngoài. Nhưng ngay cả những phim có doanh thu “trăm tỷ” như “Bố già”, “Mắt biếc”, “Hai Phượng”, “Cô Ba Sài Gòn”... từng được chọn đi tham dự Oscar và bị loại ngay từ vòng ngoài đã thể hiện điện ảnh Việt thực sự không có nhiều phim để lựa chọn đi dự những liên hoan phim danh giá hoặc có uy tín. Tác phẩm khi được chọn gửi đi hầu hết đều xác định trong tâm thế: Thi cho vui, để góp mặt giới thiệu điện ảnh Việt, chứ hoàn toàn không có cửa thắng.

Phim Việt... “Bao giờ cho đến tháng mười”?

Giới làm điện ảnh hay lấy tên phim của đạo diễn gạo cội-Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh-người đã làm bộ phim kinh điển cho điện ảnh Việt Nam và trở thành một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại do CNN bình chọn (năm 2008), để mong ước cho phim Việt ngày nay. Cũng từ dấu ấn 1984, năm “Bao giờ cho đến tháng mười” ra mắt khán giả và được quốc tế đón nhận thì tới nay, điện ảnh Việt chưa có phim nào vượt qua tên tuổi tác phẩm của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh.

Rất nhiều trăn trở của người làm điện ảnh Việt thể hiện trong các cuộc hội thảo, tọa đàm, các liên hoan phim lẫn những cuộc ra mắt công chiếu phim mới. Điện ảnh cũng đã được xác định là nền công nghiệp mũi nhọn trong phát triển các ngành văn hóa và được các cấp, các ngành xác định từ sớm, từ xa. Năm 2017, doanh thu ngành điện ảnh đạt 3.228 tỷ đồng, tương đương 140 triệu USD; năm 2018, doanh thu ngành điện ảnh đạt 3.353 tỷ đồng, tương đương khoảng 145 triệu USD; năm 2019, doanh thu chiếu phim thương mại đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương gần 174 triệu USD (theo thống kê của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam). Nghĩa là đến năm 2019, hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc đã đạt mức doanh thu vượt 16% mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ là đến năm 2020, ngành điện ảnh có thể có doanh thu trên 150 triệu USD.

Tuy nhiên, cơ quan tiến hành khảo sát cho biết, nhiều mục tiêu của chiến lược chưa đạt, thậm chí có mục tiêu chưa được thực hiện. Đơn cử, về sản xuất, phát hành phim: 5 năm gần đây (2015-2019), trung bình mỗi năm sản xuất 39,8 phim, gần đạt chỉ tiêu đề ra (đến năm 2020 sản xuất 40-45 phim truyện/năm). Tỷ lệ phim truyện do Nhà nước đặt hàng sản xuất đạt rất thấp (so với chỉ tiêu 25% tổng số phim truyện một năm), trong cả giai đoạn 2015-2019, chỉ có 7 phim truyện do Nhà nước đặt hàng (đạt 3,5%); phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do Nhà nước đặt hàng sản xuất chưa đạt chỉ tiêu 36-48 phim/năm cho mỗi thể loại. Tỷ lệ phim Việt Nam phát hành tại rạp chưa đạt chỉ tiêu từ 30% đến 35% tổng số phim phát hành trên hệ thống rạp.

Nhìn những con số như vậy cũng có nghĩa, thị trường điện ảnh tiềm năng của Việt Nam đang mang doanh thu béo bở về cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đã có rất nhiều nhà sản xuất phim Việt, thậm chí có cả những giọt nước mắt của nhà làm phim Việt trước truyền thông và công chúng bày tỏ sự bất lực khi phim của họ bị ngăn cản hoặc phân chia lợi nhuận không công bằng, bị chèn ép khi phát hành và công chiếu ngoài rạp...

Tháng 10 luôn được nhận định là mùa phim đua nhau ra rạp, để đón đầu những dịp lễ lớn như Halloween, Noel, Tết... mùa thu hoạch của những phòng vé. Nhìn vào danh sách phim Việt ra rạp thấy thiếu vắng làm sao và nhìn từ số lượng 3 phim: “Cô gái từ quá khứ”, “Đất”, “Đảo độc đắc” sẽ phải cạnh tranh với hàng dài cả chục phim ngoại nhập, trong đó có những phim được cho là “bom tấn” đến từ Hàn Quốc, Mỹ... đã thấy cuộc đua không cân sức của phim Việt ngoài phòng vé.

Nhiều người làm phim Việt, người yêu điện ảnh Việt đang hào hứng chờ đợi những thay đổi và bứt phá của điện ảnh, khi Luật Điện ảnh năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023.

HÀ VƯƠNG

Lượt xem: 166
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết