• :
  • :

Vì sao văn bản hỏi, xin ý kiến nhiều thế?

Một vấn đề được dư luận quan tâm đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc, chỉ riêng năm 2022 TP Hồ Chí Minh đã gửi 584 văn bản hỏi ý kiến Bộ trong khi theo Bộ trưởng, nhiều vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP Hồ Chí Minh vừa qua.

Việc cấp dưới hỏi, hoặc xin ý kiến hướng dẫn của cấp trên; địa phương hỏi, xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương vốn là rất bình thường và cần thiết để cùng làm đúng việc công quyền. Tuy vậy, trên cả nước, từ thực trạng hiện có quá nhiều văn bản hỏi, xin ý kiến từ cấp dưới lên cấp trên, hay yêu cầu từ cấp trên xuống cấp dưới phải lấy ý kiến của các cơ quan khác gây ra khó khăn không nhỏ trong quá trình thực hiện.

Một góc thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN 

Quy định phải gửi hay tự gửi văn bản hỏi, xin ý kiến cũng đã bộc lộ khoảng trống khi áp dụng văn bản luật trong các tình huống. Nếu cơ quan đi hỏi không đủ năng lực để diễn giải và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại cố tình làm thì rất có thể dẫn đến sai phạm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ cơ quan công quyền ngại, sợ trách nhiệm nên đã đùn đẩy trách nhiệm. Nhưng mặt khác cũng cho thấy, tình trạng văn bản quy phạm pháp luật đang có nhiều cách hiểu chưa thống nhất khi thực thi không biết áp dụng thế nào, đành phải hỏi là thực tế; hay những vấn đề phát sinh từ thực tiễn mà pháp luật chưa quy định. Điều này đặt ra bài toán về chất lượng, năng lực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như văn bản áp dụng pháp luật của chúng ta. Làm sao để các văn bản luật không bị chồng chéo, không bị nhiều cách hiểu khác nhau cũng như ít bị lạc hậu với thực tiễn?

Trên thực tế, tình trạng văn bản hỏi, văn bản xin ý kiến, văn bản yêu cầu cho ý kiến quá nhiều là gánh nặng đối với cả nơi đi hỏi và nơi trả lời. Nơi đi hỏi cũng được yêu cầu phải có đủ ý kiến của các cơ quan có liên quan khiến họ rất vất vả và phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính. Nơi trả lời thì vướng bận bởi số lượng văn bản phải trả lời hiện nay là quá nhiều. Bởi thế đã có tình trạng, khi được đề nghị hướng dẫn, cho ý kiến vào văn bản, nơi trả lời đã trả lời một cách rất chung chung là “cơ bản đồng ý với dự thảo”, “nhất trí với dự thảo”, “xem lại điều luật”, “xem lại quy định tại văn bản...”, “thực hiện đúng quy định pháp luật”... Phần góp ý thêm chỉ là thể thức văn bản, câu từ, chính tả... Nơi hỏi nhận được trả lời mà vẫn không biết làm thế nào là đúng. 

Hỏi và trả lời, hướng dẫn, góp ý văn bản là rất cần thiết nhằm tạo ra một cách hiểu, cách làm thống nhất, có trí tuệ tập thể. Dù vậy, nếu quá lạm dụng, dễ dãi sẽ dẫn đến tình trạng nơi hỏi, người hỏi lười suy nghĩ, lười nghiên cứu văn bản, áp dụng văn bản từ đó sợ trách nhiệm, thiếu chủ động, sáng tạo, chờ đợi và đẩy việc lên cấp trên. Trong khi đó, nơi trả lời cũng chưa chắc đã toàn tâm toàn ý cho phần hướng dẫn, góp ý, giải đáp.

Theo nhiều ý kiến, “chìa khóa” để giúp việc hỏi, xin ý kiến cũng như hướng dẫn, trả lời có hiệu quả, thực chất giữa cấp dưới và cấp trên, giữa địa phương và Trung ương đó là phải tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính và quyết liệt, quy trách nhiệm trong phân cấp, phân quyền. Nếu làm tốt hai vấn đề này, dù ai có muốn đùn đẩy, hay thoái thác trách nhiệm đều không thể.

NGUYỄN TUẤN

Tags: văn bản
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...