Mâm cỗ tri ân
Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, gia đình thương binh hạng 4/4 Phùng Minh Út ở xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đông hơn thường ngày, bởi các cựu chiến binh trong xã tập trung về để cùng nhau tổ chức “Mâm cơm đồng đội”.
Đây là mô hình được thương binh hạng 4/4 Phùng Minh Út tổ chức hằng năm nhân dịp lễ 30-4, 27-7, 2-9... để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh vì nhiệm vụ thiêng liêng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mâm cơm tuy đơn giản nhưng được chế biến bằng những sản vật địa phương đủ nói lên sâu nặng nghĩa tình quân dân, thủy chung, ấm áp tình đồng đội.
Tương tự, vào các dịp lễ, Tết, ngoài thăm hỏi, tặng quà, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang còn tổ chức mâm cơm để cùng ăn, cùng nói chuyện truyền thống cũng như báo cáo tình hình phát triển kinh tế địa phương với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách; hay ở tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu mỗi dịp 19-5, 2-9 hay 27-7, cựu chiến binh các cấp cùng nhau tổ chức mâm cơm tại nhà để tri ân Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ... Cứ như thế những “Mâm cỗ tri ân” đã không ngừng lan tỏa và trở thành nghĩa cử, truyền thống cao đẹp, thể hiện đậm nét đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.
Chăm lo người có công một cách thiết thực. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề án thể hiện sự trân trọng, biết ơn và chăm lo người có công một cách thiết thực. Khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Ngày 29-8-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay gọi là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng). Pháp lệnh trên được thể chế hóa bằng nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: Nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng trọn đời; nhận đỡ đầu hỗ trợ con liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tiền của, công sức xây dựng nhà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho thương binh, thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nạn nhân chất độc da cam/dioxin...
Tri ân, đền ơn đáp nghĩa vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi giai đoạn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội, hoạt động tri ân có sự thay đổi về hình thức, quy mô, cách làm... nhưng tất cả đều chung một ý nghĩa: Tỏ lòng hiếu nghĩa dành cho thương binh, liệt sĩ và người có công những tình cảm trân quý nhất theo tấm gương và lời dạy của Bác Hồ. Vì thế, vun đắp cho ý nghĩa nhân văn, nhân đạo ấy càng ngày càng đầy bằng những chương trình, hành động cụ thể chính là góp phần vun đắp gốc rễ văn hóa tri ân của dân tộc, soi rọi tư tưởng, hành động cho thế hệ hôm nay và mai sau, để đạo lý tri ân, đền ơn đáp nghĩa thêm sâu sắc, trường tồn cùng bản sắc văn hóa đạo đức của dân tộc...
THÚY AN