Nhìn thẳng - Nói thật: Khi người ta mê... bói!
Năm nào cũng vậy, vào dịp diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống, dịp nghỉ lễ, tết, các hoạt động bói toán, hầu đồng, cúng giải hạn... lại diễn ra rầm rộ. Bên cạnh những hình thức truyền thống, thời gian gần đây xuất hiện thêm nhiều kiểu bói toán ứng dụng công nghệ số, thuật toán, trí tuệ nhân tạo... du nhập từ nước ngoài, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Không quá ngạc nhiên khi tại một số không gian hội sách, hội chợ... nhiều người bị hút vào những quầy xem bói bài. Dù ở nước ngoài, đây chỉ là những hình thức giải trí, nhưng khi du nhập vào Việt Nam, nó trở thành sự cuồng tín của không ít người, nhất là một bộ phận giới trẻ.
Có lần chúng tôi đi tham quan một hội sách tổ chức ở quận 1 (TP Hồ Chí Minh). Vừa vào cổng, thấy các bạn trẻ đứng chen chúc, chợt vui vì nghĩ rằng nhu cầu bạn trẻ tìm đến sách như thế này thật đáng trân trọng. Nhưng rồi niềm vui "ngắn chẳng tày gang". Hóa ra, nơi các nam thanh nữ tú tập trung đông đúc ấy không phải là quầy sách mà là điểm xem bói bài tarot. Còn các quầy sách đối diện thì... vắng hoe.
Ảnh minh họa: Internet |
Lại nhớ câu chuyện của Giáo sư Trần Quốc Vượng. Ấy là có lần ông đến nói chuyện tại một trường đại học. Khi Giáo sư nêu những vấn đề đang đặt ra với quốc gia, dân tộc thì không ai có ý kiến gì. Vậy nhưng khi ông nói tôi biết xem bói, ai muốn xem thì giơ tay. Thế là cả “rừng” cánh tay giơ lên với thái độ rất hào hứng. Đợi mọi người bỏ tay xuống, ông mới ôn tồn nói: Tại sao những vấn đề liên quan đến đất nước thì các em bàng quan, còn chuyện bói toán thì các em lại hào hứng đến vậy?
Những câu chuyện trên là vài góc nhìn cận cảnh của một vấn đề lớn tồn tại dai dẳng trong đời sống xã hội. Mỗi lần diễn ra các lễ hội văn hóa, hình ảnh dòng người chen chúc, xô đẩy, tranh nhau cướp ấn, giành lộc... đã phần nào nói lên điều ấy. Người ta đi chùa, vào đền, tìm đến các địa chỉ tâm linh, phần nhiều để cầu xin tài lộc cho cá nhân.
Sinh thời, cụ Phan Chu Trinh trong “10 điều bi ai của dân tộc Việt”, ở điều thứ 9, cụ viết: “Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời, khấn Phật”. Hàng trăm năm rồi, điều cụ Phan Chu Trinh đúc kết, đến nay vẫn nguyên tính thời sự.
Và cũng cả trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm rồi, vấn đề hệ trọng ấy vẫn chưa giải quyết được, dù Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược quan trọng.
Thời đại mới, khát vọng dân tộc trở thành xu thế không thể đảo ngược của quy luật phát triển. Ở tầm vĩ mô, các nghị quyết, các hội nghị (mới đây là Hội nghị văn hóa toàn quốc, năm 2021) của Đảng đã đề cập rõ thực trạng, nguyên nhân, đề ra những giải pháp chiến lược để văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Nhưng để những điều ấy thấm vào đời sống, soi đường cho tư duy, nếp nghĩ và hành động của mỗi người dân, nhất là lớp trẻ, thì con đường từ nghị quyết đến đời sống vẫn còn xa.
Khi người ta tìm đến sách nhiều hơn đi xem bói, đi giành ấn, xin lộc; khi những vấn đề tương tự như câu hỏi của Giáo sư Trần Quốc Vượng nhận được nhiều cánh tay giơ lên ở mệnh đề thứ nhất, lúc đó khát vọng dân tộc thực sự bùng nổ. Ngược lại thì đường lên khát vọng vẫn còn lắm gian nan, gập ghềnh...
PHAN TÙNG SƠN