Khoảng trống thông tin ở cơ sở - mối nguy của Đảng -- Bài 1: Tiếp nhận thông tin theo kiểu “mạng nói thế”
LTS: Chưa kịp thời, thiếu hấp dẫn từ những kênh thông tin, tuyên truyền chính thống đã tạo khoảng trống thông tin ở cơ sở. Đây là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng lừa đảo nhân dân; xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước...
Hệ quả trước mắt là gây nhiễu loạn lòng dân, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, dần dần chuyển hóa, làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, gây ra mối nguy đối với Đảng và chế độ từ cơ sở nếu không kịp thời điều chỉnh.
Bài 1: Tiếp nhận thông tin theo kiểu “mạng nói thế”
Khảo sát việc tiếp nhận thông tin trong công nhân, nông dân, sinh viên, đồng bào công giáo và đồng bào dân tộc thiểu số tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước... giúp chúng tôi phần nào thấy rõ thực trạng về những khoảng trống thông tin, tuyên truyền của Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở.
Không xem thời sự, chẳng nghe radio
Vào khoảng 17 giờ 30 phút, trên trục đường chính từ thị trấn Bút Sơn tỏa về các xã vùng biển của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), rất đông công nhân đi làm về. Như thường lệ, 18 giờ, chị Lê Thị Tình ở thôn Khang Đoài, xã Hoằng Yến về đến nhà. Chị bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Thời điểm này cũng là lúc Đài Truyền thanh xã Hoằng Yến tiếp sóng Chương trình "Thời sự" của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chị Tình cho biết: “Đài Truyền thanh xã vẫn phát đều đặn vào buổi sáng và buổi tối, nhưng thực lòng vì bận quá nên tôi cũng không để ý có những thông tin gì. Gia đình thường ăn cơm sớm, đến 7 giờ tối là xong, sau đó để con học bài nên không xem chương trình thời sự trên truyền hình. Hết việc thì tôi xem mạng xã hội. Vì thế, nhiều thông tin tôi biết được đều qua mạng xã hội".
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân khảo sát việc tiếp nhận thông tin của người dân bản Chuối, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). |
Tình trạng trên không chỉ diễn ra phổ biến trong các gia đình trẻ ở nông thôn mà ở các vùng đô thị của tỉnh Thanh Hóa cũng không hiếm gặp. Tại Khu công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa, có hơn 3.000 công nhân thuê trọ. 19 giờ, đi vào các khu nhà trọ, hầu hết công nhân sau giờ tan ca đều tất bật chuẩn bị bữa tối khá sơ sài, thời gian còn lại họ “làm bạn” với chiếc điện thoại để xem phim, lướt Zalo, Facebook, TikTok...
Thực tế này cho thấy, phương tiện duy nhất của công nhân trẻ, độc thân là chiếc điện thoại di động, giúp họ kết nối với thế giới bên ngoài. Chị Nguyễn Thị Hạnh (20 tuổi) quê ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bộc bạch: “Sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi, ăn uống qua loa, chúng tôi chỉ ở nhà vừa nghỉ ngơi, vừa giải trí qua điện thoại... Tất cả thông tin chúng tôi tiếp nhận được từ bên ngoài chỉ duy nhất qua chiếc điện thoại di động”.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, khi màn đêm buông xuống, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Văn Trí, Bí thư Chi bộ xóm Trung Thành, xã Diễn Hồng (Diễn Châu) chở đi một vòng quanh xóm bằng xe máy. Đây là xóm có tới 95% đồng bào công giáo sinh sống. Khi đồng hồ chỉ 19 giờ 15 phút, phần lớn các gia đình trong xóm đóng cửa, chỉ bật điện sáng, không gian rất tĩnh. Đồng chí Nguyễn Văn Trí giải thích: “Thời điểm này, bà con công giáo đi nhà thờ hành lễ nên chẳng mấy nhà mở xem Chương trình "Thời sự" lúc 19 giờ của Đài Truyền hình Việt Nam. Thời gian đến nhà thờ của bà con thường ngày, buổi sáng từ 4 giờ 30 phút đến 5 giờ 30 phút; tối từ 19 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút".
Sáng hôm sau, chúng tôi đến gặp gia đình giáo dân Nguyễn Văn Thành ở xóm Trung Thành. Đi dọc tuyến đường liên xóm, nhiều hình thức tuyên truyền trực quan qua hệ thống bảng hiệu được chính quyền lắp đặt, thiết kế rõ ràng các khẩu hiệu cùng các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Anh Thành cho biết: “Cả ngày tôi đi làm, sáng và tối đi lễ, lúc nào rảnh thì lên mạng xem thông tin, có việc gì ở thôn thì cán bộ thông báo trên loa”.
Từ Nghệ An, chúng tôi vượt quãng đường 150km lên bản Chuối, xã vùng cao Lâm Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Bản Chuối có 65 hộ dân với 262 nhân khẩu, hầu hết là người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt. Đồng chí Cao Văn Thế, Bí thư Chi bộ bản Chuối chia sẻ: “Bản Chuối có điện lưới, có sóng truyền hình nên đời sống của người dân Mã Liềng cũng dần thay đổi. Bà con được tiếp cận nhiều hơn với các kênh thông tin hữu ích”.
Thế nhưng, tiếp xúc với nhiều người dân trong bản mới thấy được sự “nghèo nàn” trong việc tiếp cận thông tin của bà con nơi đây. Trong ngôi nhà sàn, bà Phạm Thị Lượng cho biết: “Cả nhà có một chiếc ti vi nhưng đã bị hỏng từ hơn hai năm trước; loa truyền thanh của xã thì lâu rồi không thấy phát. Ở cụm dân cư hơn 10 hộ này, không nhà nào có ti vi, bà con còn nghèo lắm! Thanh niên ở đây cũng sử dụng điện thoại thông minh nhưng chúng chỉ vào mạng xem phim, nghe ca nhạc... Giờ mọi thông tin liên quan đến bản, đến xã, tôi chỉ biết được khi có cán bộ thông báo".
Quá trình khảo sát ở cơ sở, chúng tôi nhận thấy: Các loại hình thông tin, tuyên truyền ở cơ sở gồm: Đài truyền thanh-truyền hình; cổng/trang thông tin điện tử, bản tin của cơ quan, đơn vị cơ sở; điểm bưu điện-văn hóa xã; tủ sách pháp luật xã (phường, thị trấn), cơ quan, đơn vị cơ sở; nhà văn hóa, trung tâm văn hóa-học tập cộng đồng; thư viện; hoạt động cổ động trực quan; hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên... cơ bản được triển khai, vận hành khá đều đặn, nền nếp, nhưng xem ra tính hiệu quả thì vẫn là điều rất đáng bàn, thậm chí là băn khoăn, lo ngại.
Không thể phủ nhận, hệ thống thông tin, tuyên truyền cơ sở đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở; đồng thời thông qua đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở nắm được tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có giải pháp phù hợp với thực tiễn cơ sở.
Tuy nhiên, từ khảo sát thực tế ở các địa phương cho thấy: Tỷ lệ người dân ở vùng đồng bằng, đô thị và vùng biên giới trong độ tuổi từ 18 đến 55 tiếp nhận thông tin chủ yếu trên mạng xã hội thông qua điện thoại di động; còn người già, cán bộ hưu trí thường tiếp nhận thông tin qua đài phát thanh và chương trình truyền hình, sách, báo. Điều này đang tạo ra sự mất cân đối cả về nội dung, phương thức, con người trên “trận địa thông tin, tuyên truyền” của Đảng với những thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Đây thực sự là lỗ hổng lớn trong việc cung cấp thông tin chính thống cho người dân ở cơ sở.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân khảo sát việc tiếp nhận thông tin của người dân thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh: THÀNH AN |
Khó phân biệt thông tin thật - giả
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số trong thế giới thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, người dân khó lòng phân biệt được đâu là thông tin chính thống, đâu là tin giả.
Chị Nguyễn Thị Duyên (sinh năm 1978) ở xóm Kim Liên, thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc, Nghệ An) hằng ngày đi chợ bán hàng rong, thời gian rảnh chị thường sử dụng điện thoại lướt các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok. Tiếp nhận nhiều thông tin, đặc biệt là các trang mua-bán hàng online, việc làm online; quảng cáo các loại thuốc cùng đủ các loại dịch vụ khác và có những nội dung nói về cán bộ, các cấp chính quyền... chị Duyên thừa nhận, bản thân không thể phân biệt được đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, đâu là của cơ quan nhà nước, đâu là của các tổ chức, cá nhân có ý đồ xấu, lừa đảo hay nói xấu cán bộ.
Quả thực khi đến các xã, chúng tôi nhận thấy địa phương nào cũng tận dụng mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền cho nhân dân. Các xã cơ bản đều có trang fanpage, nhóm Zalo của chính quyền và một số đoàn thể như: Công an xã, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... Tuy nhiên, nhân dân chưa mặn mà với những thông tin trên các trang, nhóm của địa phương. Mặt khác, một số trang fanpage hay tài khoản cá nhân của lãnh đạo các địa phương còn bị các thế lực lợi dụng sử dụng hình ảnh để tung tin thất thiệt, khiến nhân dân không biết đâu là thật, đâu là giả.
Chúng tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn với anh Trương Văn Nghĩa (45 tuổi, là công nhân) ở thôn Thượng Nam, xã Hải Nhân (Nghi Sơn, Thanh Hóa).
- Anh tiếp nhận thông tin chủ yếu qua kênh nào?
- Chủ yếu qua mạng xã hội Facebook.
- Anh có hay thích, chia sẻ, bình luận trên các trang, hội, nhóm không?
- Thỉnh thoảng.
- Các thông tin liên quan đến cán bộ của Đảng, đến chế độ ta mà một số trang mạng xã hội hay đề cập đến, anh có nghe không?
- Có chứ.
- Anh thấy đúng hay sai?
- Cũng không biết nữa. Rất khó để biết là đúng hay sai?
Đồng chí Nguyễn Thị Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chia sẻ câu chuyện: “Có nhiều hôm đi làm về, trò chuyện với bà con trong thôn, nhiều người hỏi tôi: Thông tin ông X sắp bị kỷ luật mà mấy hôm nay các trang mạng xã hội đưa có thật không đồng chí? Ông Y bị bắt vì lý do gì? Hay do đấu đá nội bộ? Đồng chí có biết không? Tìm hiểu mới rõ, đó là những thông tin mà các tài khoản mạng xã hội phản động tung tin, xuyên tạc, phỏng đoán về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang tiến hành. Tuy nhiên, từ sự quan tâm của người dân, phần nào nói lên một thực trạng: Nhân dân khó lòng phân biệt được thật-giả trên không gian mạng”.
Với lợi thế lan truyền nhanh, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng vào “khoảng trống thông tin” khi các nguồn tin chính thống chưa kịp đăng tải để tung thông tin chiếm lĩnh trên các nền tảng mạng xuyên biên giới. Họ lợi dụng sự tò mò, hiếu kỳ của người dân với những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật về các vấn đề dư luận đang quan tâm. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng logo, hình ảnh của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và cả cán bộ các cấp đưa lên làm ảnh đại diện, từ đó, đưa những thông tin thất thiệt, xuyên tạc, gây sự hiểu nhầm có chủ đích cho công chúng.
Tranh của QUANG CƯỜNG |
Đồng chí Cao Xuân Tín, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho rằng: “Thông thường, tin giả được tạo ra với mục đích vụ lợi nhằm thu hút người xem để cộng đồng mạng like, chia sẻ, comment, tạo ra nguồn thu cho chủ tài khoản. Tuy nhiên, nhiều tin giả được tạo ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Nhiều tin giả mang nội dung riêng tư, bịa đặt, xuyên tạc hoặc thật-giả lẫn lộn nhằm khủng bố tinh thần và tạo dư luận xã hội trên cộng đồng mạng, phục vụ những ý đồ đen tối, gây phương hại đến ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội”.
Đó là mối nguy cần được cảnh báo sớm. Việc các phần tử xấu lợi dụng “khoảng trống thông tin”, sự hiểu biết hạn chế của người dân để tung tin sai lệch, xuyên tạc trước là làm nhiễu loạn lòng dân, sau là nói xấu các tổ chức đảng, chính quyền các cấp, hòng làm mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Hệ lụy từ việc tiếp nhận thông tin sai lệch ra sao chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết tiếp theo.
Theo thống kê, đến tháng 4-2022, Việt Nam có 93,5 triệu thuê bao sử dụng smartphone (điện thoại thông minh), tỷ lệ người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 73,5%. Đến tháng 2-2022, có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam vào đầu năm 2022 tương đương 78,1% dân số. |
(còn nữa)
KHÁNH TRÌNH - MINH TÚ - DUY THÀNH