• :
  • :

Nhìn thẳng - Nói thật: Thiếu nhất là dũng khí

Giải thưởng Văn học năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam để trống hạng mục lý luận phê bình (LLPB) không phải là dấu hiệu để từ đó vội vã kết luận lĩnh vực này mất mùa.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và đa phần giải thưởng văn nghệ thường trao cho các tác phẩm xuất bản trong một năm. Không có công trình LLPB có chất lượng nổi trội được xuất bản nên không trao giải là điều bình thường.

Đến ngay như hạng mục thơ, mỗi năm số lượng tập thơ in ra chắc chắn gấp hàng chục lần công trình LLPB nhưng vẫn có vài mùa giải để trống hạng mục thơ. Điều cần quan tâm trong đời sống LLPB văn học là xem xét chất lượng đội ngũ, tình hình phát triển của lĩnh vực này ra sao.

Khi đó mới có thể kết luận lĩnh vực này được mùa hay mất mùa. Nếu chỉ nhìn vào giải thưởng hằng năm để kết luận thì chẳng khác nào “thấy cây mà chẳng thấy rừng”.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải thưởng văn học năm 2022.

Nhìn xa hơn và bao quát hơn, sự tích cực, những tín hiệu lạc quan trong đời sống LLPB là chủ đạo. Nhờ truyền thống đào tạo bài bản nên lực lượng làm nghề LLPB văn học đông đảo nhất so với các chuyên ngành văn nghệ khác, có sự kế thừa đáng quý.

LLPB văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung hiện nay rất được quan tâm. Điển hình là Hội đồng LLPB văn học-nghệ thuật Trung ương định kỳ hằng năm tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, cập nhật kiến thức mới; xét hỗ trợ và trao giải cho công trình LLPB văn nghệ xuất sắc...

Tuy nhiên, điều này không bảo đảm chất lượng LLPB, đặc biệt trên báo chí truyền thông, được nâng cao nếu không lựa chọn nhân sự hoặc xây dựng đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia lành nghề. Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu thì cần tập trung nguồn lực đầu tư cho đội ngũ LLPB ở các viện nghiên cứu, trường đại học để tiếp tục lĩnh xướng nền LLPB nước nhà.

Một khi phê bình hàn lâm phát triển sẽ có tác động lớn đến khuynh hướng thẩm mỹ, phong cách sáng tác của nhà văn. Như vậy, LLPB mới thực sự làm tròn nhiệm vụ đồng hành, định hướng, chia sẻ với giới sáng tác văn chương.

Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của LLPB văn học là hiện tượng phê bình cánh hẩu, phê bình đao búa, phê bình quy chụp... vẫn diễn ra thường xuyên. Hạn chế điều này không có giải pháp nào khác mà chính là ý thức của những người tham gia LLPB. Họ cần phải hiểu rằng mình là “siêu độc giả” (những người có hiểu biết văn chương) thì phải có đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm phát ngôn khi nhận định về tác giả, tác phẩm cụ thể.

Sự cả nể, duy tình, tùy tiện của những người mang danh nhà LLPB dẫn đến ứng xử tiêu cực như: Ca ngợi “bốc trời” những tác phẩm thường thường bậc trung; những sáng tác không có gì đặc sắc, thậm chí kém chất lượng thì im lặng (bởi im lặng cũng là... cách chê).

Tâm lý chung là không ai dại dột chê bai sáng tác của các nhà văn để rồi mang cái tiếng “học phiệt”, bị “lườm nguýt” theo kiểu “không sáng tác mà cứ phán xét”. Chính sự thiếu dũng khí, thiếu thẳng thắn, không dám lao mình vào đời sống văn chương của các nhà LLPB dẫn đến hậu quả là độc giả không có hiểu biết văn chương vô cùng lúng túng để lựa chọn tác phẩm nào đáng đọc.

Về bản chất, LLPB văn chương không phải là khen-chê, xếp hạng cao-thấp mà là trình bày cách đọc hiểu văn bản văn chương. Khi nhà LLPB đặt mình vào vị trí là người đọc và trình bày cách đọc dựa trên các nguyên lý khoa học thì sức thuyết phục của tính khách quan sẽ không gây mất lòng giới sáng tác.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Tags: dũng khí
Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết