• :
  • :

Nhìn thẳng-Nói thật: Giọt nước mắt cay đắng

“Làm người có miệng có môi/ Khi buồn thì khóc, khi vui thì cười” (ca dao). Thực ra con người đâu phải lúc buồn mới rơi lệ, mà nhiều khi sung sướng, hạnh phúc quá cũng òa khóc. Khóc là một trong những cách giải tỏa tâm trạng, góp phần cân bằng tiết chế cảm xúc, tâm lý cá nhân.

Con người có bao nhiêu tâm trạng thường có bấy nhiêu những giọt nước mắt tương ứng với tâm trạng ấy. Buồn khóc. Vui khóc. Cay đắng khóc. Ân hận khóc. Theo luân lý của công giáo, trong số hơn 10 “cung bậc khóc”, những kẻ ân hận khóc do 3 điều: Vì làm việc xấu ảnh hưởng đến người thân; vì những đam mê dục vọng bất chính gây ra; vì hạnh phúc đáng lẽ ta được hưởng thì lại để cho quỷ dữ lấy mất.

Thời nay, có những người bao năm tháng đứng trên đỉnh cao quyền lực, “nói có người nghe, đe có người sợ”, thậm chí một lời phát ra của họ cũng có thể khiến hàng trăm, hàng nghìn cán bộ, nhân viên, người lao động cấp dưới của họ phải “nín thở” lắng nghe; thì bỗng dưng tâm can yếu đuối, chí khí lẩy bẩy khi họ trực tiếp đối diện với sự phán xét nghiêm minh của công lý và... khóc!

Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo 

Trong nhiều vụ án tham nhũng, nhận hối lộ đưa ra xét xử gần đây, công đường, công chúng, công luận đã khá quen với hình ảnh nhiều bị cáo là quan chức khi được nói lời sau cùng thường bật khóc, rơi lệ ngay chốn xét xử uy nghiêm. Sự băn khoăn, day dứt về cảm giác tội lỗi; nỗi đau tinh thần quá lớn; nỗi lo bị trừng trị bằng bản án nghiêm khắc và cả sự giày vò, cắn rứt lương tâm khiến nhiều bị cáo ứa ra những giọt lệ cay đắng và bật ra những lời xót xa, ân hận.

Một trong số những lời đau đớn nhất có lẽ là lời của bị cáo, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khi thừa nhận là lãnh đạo cao cấp mà nhận hối lộ số tiền lớn làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của Đảng, mang đến vết nhơ cho đảng bộ địa phương. Sau khi tỏ ra vô cùng hối hận, đau xót, bị cáo này thốt lên những lời buốt nhói tâm can: “Hoạt động trong thời kinh tế thị trường đầy những điều quái ác, nhiều cạm bẫy. Nếu không thường xuyên tự rèn luyện về phẩm cách, đạo đức của người đảng viên, tự lơi lỏng, tự thỏa mãn thì đây sẽ là mảnh đất rất tốt cho chủ nghĩa cá nhân vị kỷ nảy sinh, phát triển. Đến lúc nào đó nó sẽ xô đẩy chúng ta vào con đường tha hóa, tội lỗi, không trừ ai, kể cả người đã có quá trình rèn luyện cũng có thể sa vào vũng bùn tội lỗi, đánh mất tất cả những điều cao quý mà cả đời mình gây dựng”.

Xin lỗi Đảng, xin lỗi cấp trên, xin lỗi nhân dân, xin lỗi những người đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp từng một thời sát cánh, đồng cam cộng khổ với mình; xin lỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị từng một thời nuôi dưỡng, đùm bọc, dìu dắt, nâng đỡ mình tiến bộ, trưởng thành... là những câu cửa miệng của các bị cáo “quan tham” nơi pháp đình.

Nghe những lời xin lỗi như vậy, lúc đầu dân ta còn phần nào cảm thông, chia sẻ. Nhưng những lời xin lỗi kiểu này nghe nhiều quá thành quen, thành nhàm, thành ra “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”! Tất nhiên, chẳng ai eo hẹp, ky bo trước những lời ăn năn hối cải của quan chức phạm tội trước pháp đình, nhưng nói thẳng ra, lời xin lỗi và giọt nước mắt của họ khác chi dấu vết làm ô danh những trang sử vàng của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương nơi họ từng công tác!

Muốn không phải nói những lời xin lỗi nơi pháp đình, hơn ai hết, những người mang trọng trách “gánh vác việc dân, lo toan việc nước” ở các cấp, các ngành không bao giờ được phép quên lời cảnh tỉnh của Bác Hồ cách nay đã 55 năm: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Khi cán bộ, đảng viên, nhất là các quan chức luôn sống trong “hào quang” quyền lực, ảo tưởng quyền lực hay để cho lòng dạ của mình bị chi phối, thao túng bởi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thì sớm muộn họ cũng sẽ giẫm vào “vết chân” của những quan tham nơi vành móng ngựa trước đó. 

CHÍNH NGÔN

Lượt xem: 11
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết