• :
  • :

“Gieo chữ” hội xuân

“Chữ trao dạ những bồi hồi/ Giá như ngày ấy thành đôi Tấn-Tần/ Gặp nhau trao chữ duyên xuân/ Đường xa mấy nẻo hóa gần tày gang”. Đó là mấy vần thơ cảm tác của nhà thư pháp Vũ Chí Quang (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) khi ông ngược về Bắc Ninh dự hội xuân quan họ.

Trong tiếng hát ới a, ông ngồi lặng lẽ thảo những nét chữ như “phượng múa rồng bay” trên vuông giấy hồng điều. Màu mực ánh lên trong nắng xuân thơm dìu dịu. Người vui hội đứng lại ngắm nghía trầm trồ trước những bức thư pháp còn tươi mực mới. Mỗi chữ được viết ra từ đôi bàn tay tài hoa đã rèn giũa qua mấy mươi xuân. Khi viết xong, ông ân cần tặng lại bạn chơi quan họ như trao đi cái nghĩa, cái tình hiển hiện trên mảnh giấy xuyến chỉ.

Đến với thư pháp, ông Quang coi đó là mối duyên lớn theo suốt cuộc đời. Cha ông vốn là thầy đồ. Ngày thơ ấu, cậu bé Quang đã bao lần mài mực Tàu, rửa bút lông, ngắm nhìn cha viết chữ. Từng nét chữ ấy đã thấm sâu vào tâm hồn thơ bé. Rồi cả những kinh sách nữa, cậu cũng được học để hiểu thế nào là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... Những lời cha giảng, những chuyện cha đàm đạo với bạn hiền đều ngấm vào cậu một cách tự nhiên.

Nhà thư pháp Vũ Chí Quang tặng chữ trong hội xuân. 

Sau này, niềm đam mê với thư pháp càng cháy bỏng. Ông Quang đã miệt mài tự học, thục luyện từng nét chữ tạo ra phong cách viết riêng của mình. Thế nên, thư pháp đâu chỉ là cách viết chữ đẹp mà còn chất chứa trong đó tính cách, tâm hồn con người. Trên thanh chặn giấy bằng đồng, ông tự viết rồi đưa thợ kim khí khắc vào đó câu đối với tựa đề: “Thư sơn hữu lộ cần vi kính/ Học hải vô nhai chí tác chu” (Nghĩa là: Núi sách có đường lấy cần cù dẫn lối, biển học vô bờ lấy ý chí làm con thuyền). Nguồn tri thức về Hán Nôm, thư pháp đồ sộ như biển rộng núi cao nên ông đã lấy chuyên cần để tự học, tự rèn, thâu nạp kiến thức.

Ông Quang chia sẻ: “Viết thư pháp đâu chỉ là sự sao chép chữ đơn thuần mà còn phải hiểu được các tầng nghĩa ẩn sâu trong đó, biết được các điển tích, điển cố để mở mang tri thức cho bản thân và truyền được cái hay, cái đẹp của chữ nghĩa tới mọi người”. Mỗi bức thư pháp được ví như một bức họa chất chứa tâm, ý và thông điệp của người viết. Chẳng hạn, khi viết chữ “cha mẹ” trong một bức thư pháp, ông đã cách điệu chữ “cha” sừng sững như ngọn núi vững chãi, còn chữ “mẹ” mềm mại như dòng suối nguồn. Cha mẹ chở che, bao bọc, nuôi dưỡng con khôn lớn, trưởng thành.

Quá trình thục luyện, nhà thư pháp Vũ Chí Quang đã tự rèn để có thể đạt được “Nhu cương tề như ý” (mạnh, yếu như ý mình). Chỉ với một chiếc bút lông nhưng ông có thể viết được cả đại tự và thượng khoản, hạ khoản. Muốn vậy, cách cầm bút phải hết sức uyển chuyển, linh hoạt, khi thanh khi đậm, lúc to lúc nhỏ đều có thể viết được. Cảm hứng trong viết thư pháp rất quan trọng. Tâm tĩnh thì tuệ sinh, khi đó, từng nét chữ như được thăng hoa trở nên bay bổng, diệu kỳ.

Trong khuôn viên gia đình, ông dành một nơi để chuyên tâm viết chữ, thi thoảng bạn thi phú đến đàm đạo chữ nghĩa, thưởng thức nét đẹp trong từng bức thư pháp. Có dịp, ông mang túi xách bút nghiên rong ruổi các hội xuân ở nhiều nơi. Mỗi khi có người xin chữ, tùy vào nguyện vọng cũng như điều kiện thực tế, ông sẽ tặng chữ phù hợp. Người già ông chúc “thọ”, học trò chúc “đăng khoa”,  thương gia chúc “tấn tài tấn lộc”... Nhà thư pháp Vũ Chí Quang tâm niệm: “Mỗi bức thư pháp trao đi đều gửi gắm theo đó là chữ nhân duyên để người với người xích lại gần nhau, thêm trân quý nghĩa tình”.

Bài và ảnh: DANH DUY

Tags: hội xuân
Lượt xem: 11
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết