• :
  • :

Bay bổng cùng đu

Tiết xuân đang vào độ chín, luống mạ cuối cùng đã dọn hết. Cánh đồng rộng mải miết một màu xanh tươi mơn mởn. Ngọn lúa non gặp gió xuân cứ vậy mà uốn mình ngả nghiêng chạm cả vào mặt nước trên ruộng. Cảnh nông nhàn đến cũng là lúc người dân thôn Đại rộn ràng mở hội.

Đình làng sớm xuân, các cụ cao niên trải chiếu giữa đình bàn việc lễ Thánh. Công việc sắp đặt xong xuôi thì cũng gần trưa. Từ xa phía cổng đình, đám thanh niên lễ mễ khuân những thanh tre ngà lớn đã về đến nơi. Khuôn mặt trai tráng tươi vui vì chọn được tre tốt, thẳng đều. Bước ra từ đám đông đang rì rầm trò chuyện, con trai bác phó cả Khang tiến về phía cửa đình báo cáo với cụ đồ Vỹ: “Thưa cụ, anh em chúng con đã chặt tre về rồi đây ạ! Chúng con đã xuống các làng ven sông Đuống tìm mua những cây tre tốt nhất theo đúng ý cụ”. Cụ đồ vuốt chòm râu bạc, gật gù tỏ vẻ ưng ý: “Việc tìm tre giao cho con trai bác phó cả Khang là yên tâm rồi. Cái tay, con mắt của người thợ không sai dù chỉ một li”...

Sau khi nghỉ trưa, đám thanh niên bắt tay vào dựng đu. Đất dựng đu ngay cạnh sới vật, nhìn ra thủy đình. Quãng đất rộng, cỏ mọc ken dày đẫm mưa xuân. Trụ giàn đu là 6 cây tre loại lớn buộc chụm thân, chéo ngọn. Níu giữ giàn đu là một thân tre làm đà ngang chắc chắn để có thể chịu tải trọng của tay đu. Cụ đồ Vỹ đến tận nơi quan sát đám thanh niên làm việc. Cụ vừa cẩn thận thử lại từng khớp nối của giàn đu vừa giảng giải cho đám trẻ nghe về ý nghĩa của tay đu quê mình. Đó là ý nghĩa từ xưa khi các cụ sắp xếp những tầng khớp nối theo quy tắc. Có nghĩa là từ thành bàn đạp qua hai tay đu và đến tầng nối cuối cùng với 5 ống tre nối thì cũng vừa đúng năm tầng hợp lại thành “ngũ phúc”. Ngày xuân, “ngũ phúc” hợp hòa mang đến ước mong của dân làng về cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc, đủ đầy.

Ảnh minh họa: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật 

Sáng ngày chính hội, sau khi lễ Thánh, con trai bác phó cả Khang cắm lên ngọn đu lá cờ ngũ sắc đuôi nheo. Khi đu, người chơi phải nhún và điều khiển đu lên cao, cho đến lúc với tay chạm vào cờ mới là được giải. Cụ đồ Vỹ là người đầu tiên bước lên bàn đu, chân cụ nhún đủ ba lần trong tiếng hô của người xem hội. Ba hồi trống được gióng lên rộn ràng chính thức khai trò đu tre.

Trò đu tre được chia thành nhiều giải tùy theo sắp xếp của làng và những mạnh thường quân ủng hộ. Nhưng có hai giải quan trọng nhất do chính tay cụ đồ Vỹ trao tặng là giải cúng mở đầu và giải phá kết thúc cuộc thi khi người chơi đu phải giật được lá cờ xuống mới được coi là thắng cuộc. Giải thưởng hội quê phần nhiều mang tính động viên với những vật dụng sinh hoạt như phích, thau, mâm. Vậy nhưng nhiều thanh niên, trai tráng trong làng và khách thập phương đến xem hội đều nô nức đăng ký. Với người chơi, có lẽ việc được thử sức mình trong thanh âm đu đang lao vào không gian vun vút, tiếng vỗ tay trầm trồ của người xem hội mới là phần thưởng lớn nhất với họ.

Trời về chiều, hội thi đu đã kết thúc từ lâu nhường lại sự ồn ào, náo nhiệt cho các trò chơi khác. Chiếc đu lúc này trở thành vật để người chơi hội tâm giao, trò chuyện. Bên cạnh tiếng trống thùng thình của sới vật, chị Ba, chị Tư hát quan họ trên thuyền phục vụ bà con rủ nhau chơi đu xuân. Chân các chị nhún nhẹ trên bàn đu, vạt áo tứ thân phất phơ trong trời mưa bụi trắng. Các chị nói với nhau điều gì mà nở nụ cười duyên, má hồng ngây ngất, cây đu tung lên mang cả niềm vui thanh nữ lên cao...

NGUYÊN ĐỨC

 

Tags: Bay bổng
Lượt xem: 11
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết