• :
  • :

Lên đường mùa xuân

“Xuân đến dịu ngọt như bờ môi thiếu nữ”. Tôi nhớ đến ý thơ của thi sĩ Xuân Diệu chứ nào đã biết đến bàn tay con gái khi mới rời ghế nhà trường THPT. Ngày đó, tuổi trẻ trong sáng và thánh thiện. Sức xuân căng tràn trong vồng ngực vạm vỡ. Xuân năm ấy, tôi lên đường nhập ngũ.

Trời tháng Giêng se lạnh. Sương lẫn trong mưa như người rắc bụi phấn. Hội làng rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng. Tôi sắm lễ theo mẹ ra đình làng. Trong cung thờ, nhang đăng lấp lánh, mẹ chắp tay khấn lễ Đức thánh Thành hoàng, nguyện cầu cho tôi ra đi vạn sự tốt lành, thuận buồm xuôi gió. Lời mẹ rì rầm lẫn trong hương trầm ngan ngát, linh thiêng, xúc động. Năm nào cũng vậy, thanh niên trong làng tòng quân đều ra lễ thánh. Ngài là võ tướng có công dẹp giặc, giúp dân khai khẩn đất hoang, lập làng, dựng xóm. Ngài chở che cho dân an tâm sản xuất, vững bước ra đi. Ngoài sân, trống đã giục rộn rã. Hội kéo co, đẩy gậy, đập niêu cứ thế náo nức cả lên. Những gương mặt thân quen rạng ngời, tươi tắn. Những con người tôi đã gắn bó cả tuổi thơ. Góc sân đình này, mảnh ao làng kia và cả tiếng hát chèo í a mỗi dịp hội xuân nữa... Chỉ nay mai thôi, tôi sẽ chia tay tất cả. Vấn vương quá!

Ảnh minh họa: Dân trí. 

Đêm trước khi lên đường, mưa xuân vẫn bay bay. Xen trong hơi lạnh là hương bưởi dìu dịu. Hương hoa cũng muốn len vào phòng nhỏ ấm hơi người. Bà ngồi trên trường kỷ, miệng quết trầu thắm. Bà là một kho thơ ca hò vè, nói đến đâu là ví von đến đấy. Bà bảo, con ra đi chân cứng đá mềm, đi tươi về tốt, đi một về mười... Tôi thì cứ ngồi lặng mà nghe. Thương bà, thương mẹ lắm mà chẳng biết nói sao. Những người phụ nữ trong nhà tôi cả một đời cơ cực, nhọc nhằn. Mấy chục xuân trước, bà tôi cũng tiễn con lên đường chiến đấu để rồi mỏi mắt chờ trông. Hai người con đã nằm lại chiến trường làm nước mắt mẹ già cạn khô. Đến lượt tôi nhập ngũ, mẹ ngồi một mình dưới bếp nhen ngọn lửa hồng. Mẹ giấu ánh mắt buồn trong lửa bập bùng. Lặng im, nín nhịn, xót thương. Mẹ lo tôi khi ra sương gió cuộc đời, sợ không theo kịp anh em đồng đội. Bà thì điềm nhiên nhai trầu nhìn tôi rồi đọc câu ca dao như lời khích lệ: “Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên”.

Hôm sau, cả nhà trở dậy sớm hơn. Mẹ lụi cụi đồ xôi nếp. Mùi thơm ngào ngạt bay lên. Bữa sáng bên gia đình giản dị mà ấm áp. Đứa cháu nhỏ còn ngái ngủ cứ rúc đầu vào người tôi, miệng lắp bắp gọi: “Cậu ơi!”. Khi mở mắt, thằng cháu lạ lẫm ngắm bộ quân phục thơm mùi hồ mới. Tay nó mân mê những chiếc cúc nhỏ xinh rồi cứ thế ôm riết lấy tôi. Trên đường quê đã vang lên những khúc ca rộn rã: “Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn/ Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi/ Luyện cho tinh thần mà chỉ tiến không lui...”.

Ôi chao, phấn khởi quá! Dẫu không có gậy trong tay nhưng tôi cảm nhận được khí thế hào hùng của lớp lớp thế hệ đi trước. Ngày lên đường trên quê hương đúng là ngày hội tòng quân. Địa phương tổ chức tiếp đón chu đáo, bà con xóm làng cẩn thận tiễn đưa. Những gương mặt trai trẻ vời vợi tuổi xuân, dạt dào sức sống. Tôi và các bạn đồng niên háo hức hòa vào dòng người vui hội tòng quân. Đường quê rộn bước chân người. Hai bên mạ non bén rễ xanh mát đồng làng. Rặng xoan già đã trổ những chùm hoa bé xíu. Mưa thôi bay, nắng trải nhẹ như dát phấn vàng. Tôi bước đi mà lòng lâng lâng. Dẫu chặng đường phía trước còn nhiều thử thách. Thì có đây sức trai trẻ và bầu nhiệt huyết. Tuổi trẻ là phải hỏi: “Ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?”. Tôi đã nghĩ vậy để lòng thêm vững, chân thêm mạnh. Sau cái vẫy tay của mọi người, xe dần chuyển bánh, xóm làng rời xa, tôi gửi lại hậu phương lời chúc: “Tạm biệt quê hương, chúng tôi lên đường”.

Tản văn của ĐỨC NAM

Tags: mùa xuân
Lượt xem: 13
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết