• :
  • :

Mỹ tục xin chữ ngày xuân

Bàn về thú chơi tao nhã ngày xuân, người xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”. Không hẳn nhiên mà chữ được xếp ở vị trí hàng đầu như vậy. Có lẽ đẹp về hội họa, mỹ thuật không phải là tiêu chí để ông cha ta xét, mà dựa vào những ẩn nghĩa trong chữ. Từ xa xưa, chữ đã được người Việt trân trọng gọi là “chữ thánh hiền”.

Nhà nghèo đến mấy cũng cố cho con học dăm ba chữ thánh hiền để có cơ hội “mở mày mở mặt”. Trải qua bao biến động lịch sử, truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị và được xã hội hiện đại đúc kết thành “Học để làm người”.

Vì lẽ đó, dù ai đi ngược về xuôi, quanh năm bươn chải bao nhiêu cũng muốn xin đôi câu chữ như một việc tốt đẹp khởi đầu năm mới. Với tâm niệm chữ chứa đựng bao ước vọng, sự mới mẻ, đổi thay trong mỗi người, năm nào Hội chữ Xuân tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cũng thu hút hàng vạn du khách nô nức xin chữ đầu năm. Bên cạnh thư pháp chữ Hán-Nôm, thư pháp chữ Quốc ngữ cũng góp phần kéo nhiều người đến với nét văn hóa dân tộc hơn bởi dễ tiếp cận với đa dạng lứa tuổi, đối tượng. Những ông đồ với thư pháp sáng tạo, mang đến cho người dân những bức thư pháp đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm hay một ý niệm nhất định chọn cho mình một chữ tâm đắc nhất. Người xin chữ "Thọ" tặng ông bà. Bố mẹ xin chữ "Học", "Minh", "Trí" tặng con cái với mong muốn con mình lớn lên là những công dân có ích cho xã hội. Người lại lấy chữ để răn mình luôn sống hiếu kính với ông bà, cha mẹ... Bởi “Ở đâu có chữ, ở đó có nghĩa/ Chữ thấy người đọc, nghĩa nhận người xem/ Chữ nhiệm thì thiêng, nghĩa ngộ thì đắc/ Chữ chơi được nhắc, ngộ đắc hằng ngày/ Nếu mà chơi ngay, ngộ thay thích thật”, nên ai cũng mong chữ giúp hoàn thiện bản thân.

Người dân xin chữ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: TTXVN

Qua những nét thư pháp tài hoa của các ông đồ, “hồn dân tộc lại sáng bừng trên giấy điệp”. Chẳng vậy mà tục xin chữ không chỉ hướng người chơi tới chân-thiện-mỹ, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc. Càng nhiều người yêu chữ, chơi chữ càng thấy nhiều người yêu tri thức, yêu văn hóa, yêu nét đẹp văn hóa của ông cha ta để lại.  

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng tục xin chữ hiện cũng ít nhiều bị biến tướng, làm vơi đi vẻ đẹp thiêng liêng của nó. Nếu như trước kia người xin và người cho chữ đến với nhau bằng một tâm thế an nhiên, thì nay, người xin trả tiền để mua chữ. Việc viết chữ như “cần câu cơm”. Thậm chí, có thầy đồ sử dụng một chút “tiểu xảo” mang tính phong thủy để hút khách. Điều đó hoàn toàn không phải là bản chất của thư pháp, làm mất đi vẻ đẹp thiêng liêng của nó. Về phía người xin, không ít người coi đó là giải pháp mang tính tâm linh, giải quyết những bế tắc trong cuộc sống mà tự thân không có những vận động, cố gắng...

Thiết nghĩ, tục xin chữ đầu năm chỉ thực sự đẹp khi người đến xin và người cho chữ thuần túy là một hoạt động văn hóa, tôn sùng trí tuệ, nhân cách. Mọi việc cảm ơn nên tùy tâm. Điều đó không chỉ góp phần lan tỏa “làn sóng” yêu cái đẹp, yêu nét văn hóa dân tộc, mà còn gián tiếp đưa người thầy lên một vị trí cao, quay về với giá trị nguyên thủy vốn có của mỹ tục này.  

THU HÀ

Tags: xin chữ
Lượt xem: 13
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...