• :
  • :

Nỗi lo “được mời” tiệc tùng đầu năm

Buổi tối một ngày đầu năm Quý Mão, tôi trở về nhà trong hơi men ngà ngà từ đám mừng thọ bố của một người bạn ở quê. Qua ánh mắt của vợ tôi biết cô ấy không hài lòng, vì đã gần một tháng nay, gần như ngày nào tôi cũng trong trạng thái “mùi hồng xiêm chín”.

Công việc thì trì trệ, sức khỏe thì hao tổn. Nhưng biết làm sao được khi mà toàn người thân quen mời uống rượu với vô vàn lý do khác nhau, nhất là dịp Tết Nguyên đán và trong tháng Giêng.

Chuyện tiệc tùng ngày nay diễn ra hầu như quanh năm, nhưng phổ biến nhất là vào dịp cuối năm và đầu năm. Dịp cuối năm thì nào là cưới, hỏi, dạm ngõ, về nhà mới, bốc mộ, tổng kết, tất niên... Không chỉ các cơ quan, đoàn thể, đơn vị hành chính nhà nước mới tổ chức tổng kết mà các gia đình, hộ kinh doanh cũng ăn tất niên hoành tráng như thể là bữa tổng kết năm của gia đình. Nếu như trước đây bữa tất niên thường được các gia đình làm cỗ vào ngày 30 Tết, các thành viên tụ họp quây quần ăn bữa cuối cùng của năm ấm áp tình thân, thì ngày nay bị biến tướng thành những bữa tất niên hoành tráng. Đến ăn tất niên có người còn mang cả lẵng hoa cao ngang đầu người và quà để tặng gia chủ. Cỗ liên hoan khu dân cư, tổ liên gia thì dù có bận bịu đến mấy cũng phải cố thu xếp để tham dự. Người xây nhà từ đầu năm, cuối năm hoàn thành cũng phải về nhà mới, người ít thì dăm bảy mâm, người nhiều làm đến vài chục mâm cho thêm phần long trọng, có nhà còn làm rạp ăn cỗ chặn cả đường giao thông, coi đó như việc đương nhiên, như sân của nhà mình.

Ảnh minh họa: Báo Phụ nữ 

Ở nhiều làng quê theo truyền thống chỉ ăn Tết trong 4 ngày, từ 30 đến mồng 3 âm lịch. Trong 4 ngày này trên bàn thờ lúc nào cũng có mâm cỗ đã thắp hương. Nếu người đến chúc Tết mà thân cận, gần gũi, gia chủ yêu mến thì chắc chắn sẽ “bị” mời ăn cỗ. Ngoài ra những ngày đầu năm đến anh em họ mạc chúc Tết nếu gặp cỗ dứt khoát phải tham dự ít nhiều, bằng không cũng phải uống vài chén rượu hoặc cốc bia “lấy may” thì gia chủ mới tỏ ra vui vẻ. Nếu không uống rượu thì sẽ coi như “mất dông” nên nhiều người dù không muốn vẫn phải uống cạn chén. Thông thường các gia đình đều làm cỗ cúng tạ (hết Tết, tiễn các cụ) vào ngày mồng 3. Nhưng vài năm gầy đây kinh tế khá giả có gia đình mồng 5 thậm chí mồng 6 vẫn chưa cúng tạ được. Một gia đình có 6 anh chị em, họ phân chia, lên kế hoạch làm cỗ cúng tạ từng nhà từ ngày mồng 3 Tết và tất cả tập trung ăn uống. Ngày mồng 3 anh trưởng làm trước sau đó lần lượt đến từng nhà trưa ăn cỗ, tối lại liên hoan, đủ 6 gia đình anh em.

Chuyện ăn cỗ ngày Tết chưa xong đã đến khai mạc tiệc làng đầu năm và cỗ mừng thọ. Rồi các hội, đoàn thể cũng đua nhau gặp mặt đầu năm. Nào là cỗ họp lớp, đồng niên, hội đồng hương, hội đồng ngũ... Cỗ bàn, tiệc tùng triền miên không những gây lãng phí thời gian, tiền bạc mà còn không tốt cho sức khỏe và nguy cơ gây tai nạn giao thông khi uống bia, rượu. Có những bàn tiệc ngồi ăn uống, chúc tụng từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối mới kết thúc. Nhiều bàn tiệc ăn không hết 30% lượng thức ăn được bày ra, nhưng lượng bia, rượu thì lại gọi thêm nhiều lần, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người mỗi khi phải đi ăn cỗ.

Việc ăn cỗ, uống bia, rượu xong vẫn lái xe không phải là chuyện hiếm. Thực tế đã có nhiều người bị xử phạt, bị tai nạn dẫn đến thương tích, thậm chí phải bỏ mạng vì uống nhiều rượu, bia khi liên hoan, tiệc tùng, cho dù tham gia giao thông trong đường làng với cự ly ngắn.

Đầu năm, mong rằng mỗi nhà, mỗi người nên hạn chế tối đa việc mở tiệc tùng, nhất là với những việc không cần thiết. Mỗi người tham gia tiệc tùng cũng nên tiết kiệm thời gian, không nên quá sa đà, lạm dụng rượu, bia để góp phần xây dựng xã hội an toàn, văn minh.

ĐÀO DUY TUẤN

Tags: đầu năm
Lượt xem: 18
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết