• :
  • :

Vốn cổ dân tộc - điểm tựa cho nghệ thuật phát triển

“Dân tộc hóa” là một trong 3 nguyên tắc được xác định trong "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943. Đây là nguyên tắc còn nguyên giá trị và có ý nghĩa lâu dài trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ góc nhìn liên văn hóa, xin làm rõ trong văn hóa Việt có những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc sánh ngang với thế giới. Đó là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc ta.

Quan niệm coi trọng con người đã tạo ra ở văn hóa Việt những bài học đạo lý làm người, thương yêu con người, căm ghét cái ác, tinh thần hướng thiện được kết tinh rồi tỏa sáng ở những hình tượng nghệ thuật thẩm mỹ đặc sắc. Không phải ngẫu nhiên Chử Đồng Tử được phong là “Tứ bất tử” (bốn vị thánh không chết). Truyền thuyết này trước hết là sự minh họa sinh động, cụ thể, rất mực cảm động và chân thực cho chữ “hiếu”. Trước khi chết, người cha dặn con cứ táng trần cho bố, còn khố giữ lại để con mặc. Người con không nỡ vậy. Đây không chỉ là chữ “hiếu” mà còn là phong tục tang ma ngày xưa với quan niệm “trần sao âm vậy” và “nghĩa tử là nghĩa tận”, dành cho người đi xa mãi mãi những điều kính trọng, mến thương, nhung nhớ. Muốn cha xuống âm phủ còn có cái khố che thân, Đồng Tử đã không chỉ tròn chữ “hiếu” mà còn tròn với phong tục, tập quán dân tộc.

Nhân vật Thị Kính (ngoài cùng, bên trái) trong vở chèo cổ "Quan Âm Thị Kính" do Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn. Ảnh: TÂN SƠN 

Truyện còn là bài ca ca ngợi tình yêu hôn nhân tự do như là một mối tình đẹp nhất, chung thủy, bình đẳng và cực kỳ dân chủ. Một truyện cổ về tình yêu hay hiếm hoi không chỉ ở nước ta mà còn so với cả thế giới. Đồng Tử là chàng trai nghèo nhất, nghèo đến mức không thể nghèo hơn, thế mà được Tiên Dung là công chúa, con gái Vua Hùng cành vàng lá ngọc, cao sang, quý phái, vương giả chấp nhận lấy làm chồng. Tiên Dung đã vượt quyền cha mẹ để nghe theo tiếng gọi trái tim mình. Nàng vượt qua bao tín điều, quy tắc, nguyên tắc thành văn và bất thành văn của một triều đình. Nàng đích thực là một “nghịch tử”: Con vua mà lấy chồng không hề tương xứng, không hề “môn đăng hộ đối”. Nàng phải vượt qua bao thành kiến và định kiến là lấy chồng “hoang” (Đồng Tử là kẻ tứ cố vô thân, không nghề nghiệp, không quần không áo, lại sống chui rúc ở bãi lau bờ sậy...). Không có một sức mạnh nhân văn cao cả, một tình thương yêu lớn lao với những con người "dưới đáy" thì không thể sáng tạo ra được những chi tiết, hình tượng đầy nghịch cảnh mà tuyệt vời trong sáng như vậy. Truyện đã cách xa hàng ngàn năm, mà ở ngày hôm nay, chỉ một cô gái bình thường thôi, gia cảnh bình thường, nghề nghiệp, nhan sắc, học vấn bình thường, liệu có ai dũng cảm dám lấy chồng có thân phận như Chử Đồng Tử? Thế nên, không phải ngẫu nhiên dân gian không chỉ thờ Đồng Tử mà còn thờ cả Tiên Dung!

Nơi Quan Thế Âm Bồ Tát sinh ra (Ấn Độ cổ đại) thì hầu hết là đàn ông nhưng sang Việt Nam thì đều trở thành Phật Bà. Điều này có thể hiểu bản sắc “thiên tính nữ” đã tạo ra độ khúc xạ để thay đổi cho phù hợp. Vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” tỏa sáng vào bầu trời văn hóa Việt Nam đã hàng mấy thế kỷ, làm mê đắm, thổn thức hàng triệu trái tim bao thế hệ bởi được thu nhận những ý nghĩa nhân văn tận thiện, tận mỹ. Bởi được xây cất bằng vật liệu tư tưởng về con người của văn hóa dân gian, văn hóa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo nên đa dạng, nhiều vẻ về cấu trúc hình tượng. Bởi được khúc xạ và tích hợp từ nhiều nguồn mỹ học nên đa nghĩa và phát ra những ánh sáng văn hóa lạ, độc đáo.  

Tại sao Thị Kính tốt, hiền lành, cam chịu như thế mà bị oan, mà oan thảm, oan hai, ba lần? Hạt nhân hợp lý ở đâu? Cái ý bật thoát ra thật sâu sắc: Trong cái xã hội đầy tai ương, mâu thuẫn, phi lý như thế thì người tốt, cái tốt không tồn tại được. Mà muốn cho cái tốt, người tốt tồn tại thì phải thay đổi cả cái xã hội ấy. Đó là việc không thể. Dân gian biết rõ thế. Mà người tốt, cái tốt thì rất cần được bênh vực nên dân gian đã làm một cuộc hoán vị thân phận mà đổi ngôi cho họ. Đó cũng là một cách trốn tránh cái phi lý ở đời. Cuối cùng, nhân vật được đổi thành kiếp Phật. Đây vừa là quan niệm nhà Phật “Đời là bể khổ!” nhưng cũng là quan niệm “hóa kiếp” nhân ái của tín ngưỡng tình thương trong dân gian. Đời người khổ quá nên “hóa kiếp” cho nhân vật được sống sung sướng hơn. Quan niệm con người ta phải có chữ “nhẫn” làm đầu và “ở hiền gặp lành” trong văn hóa Việt đã gặp gỡ tinh thần “cứu độ” Phật giáo để cùng đưa Thị Kính hóa thân thành Quan Âm trong vòng hào quang thánh thiện của tình người.

Trên sân khấu tuồng cổ, ông cha ta đã để lại một viên ngọc vô giá, đó là vở tuồng “Trương Ngáo” mang đậm cảm quan dân gian về Phật giáo gần gũi, đời thường, bình đẳng với con người. Hành trình của Trương Ngáo đến Tây phương đòi nợ Phật hay là hành trình của con người kiếm tìm sự thật? Đó là những triết lý lớn chỉ có ở những tác phẩm lớn. Trên mọi cuộc hành trình, cuộc đời cũng như khoa học, nghệ thuật cũng như tôn giáo, lao động cũng như tình yêu thì cái đáng quý là quá trình khám phá, tìm hiểu chứ không ở mục đích. “Đi là sống, đến là chết”. Ngạn ngữ phương Tây đã nói vậy. Tính hiện đại của vở tuồng chính là ở sự phân tích quá trình biến đổi nhân vật Trương Ngáo từ chưa biết đến biết, từ ngờ nghệch, ngốc nghếch đến minh triết, sáng láng. Vở tuồng rất ít nhân vật, nhân vật chính chiếm gần trọn không gian, thời gian của tác phẩm. Kết cấu tình tiết, cảnh vật, hình ảnh của vở tuồng đi theo bước hành trình của nhân vật chính. Ý nghĩa cơ bản của tác phẩm như muốn đưa ra một bài học: Muốn thay đổi, làm mới mình thì phải “lên đường”, tức phải bước vào quá trình học hỏi, dù có trải qua bao khó khăn. Điều quan trọng nhất là người ta phải có đủ ý chí, trí tuệ và niềm tin mới có thể tìm được chân lý của đời mình. Cái lõi thẳm sâu bên trong của vở tuồng là những khao khát nhân văn thánh thiện luôn muốn cựa quậy, muốn bung phá, muốn vươn lên thế giới của cái đẹp, cái hạnh phúc!

Những dẫn chứng như trên cũng đủ rút ra kết luận, cây nhân cách người có tươi tốt là nhờ được trồng vào mảnh đất truyền thống để hút chất dinh dưỡng văn hóa, đạo lý và vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng lý tưởng của thời đại.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Lượt xem: 11
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết