• :
  • :

Đưa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới bằng sự tự tin

Qua sự kết nối, đồng hành với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đạo diễn Lê Quý Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới (ITI) đã dàn dựng và đưa tiết mục “Mơ rồng” của Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn tại lễ khai mạc Đại hội lần thứ 36 của ITI (diễn ra từ ngày 19 đến 25-2-2023) tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Đại hội có sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu, nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lê Quý Dương về hành trình đưa nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Phóng viên (PV): Trong nhiều năm vừa qua, ông được biết đến là cầu nối trong việc đưa nghệ sĩ, vở diễn và các chương trình nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là sân khấu truyền thống của Việt Nam ra quốc tế. Ông có thể chia sẻ về công việc này?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Trong nhiều năm làm việc tại nước ngoài, tôi rất may mắn khi được gặp và làm việc với GS Trần Văn Khê, người được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ như một “đại sứ” văn hóa, âm nhạc truyền thống của Việt Nam trên thế giới. Tôi luôn coi ông như một người thầy lớn của mình, vì vậy tôi muốn đi theo con đường của ông khi đưa nghệ thuật biểu diễn đến với thế giới, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống. Có thời gian tôi trở về Việt Nam và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, tôi đã được ông khích lệ, dìu dắt, hướng dẫn kinh nghiệm làm việc với quốc tế như thế nào là đúng nhất.

Đạo diễn Lê Quý Dương

PV: Kinh nghiệm đó là gì, thưa ông?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Đó là việc đưa văn hóa, nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam như thế nào để họ đón nhận một cách chân thực nhất, chạm đến khán giả quốc tế. Chúng ta không đưa ra một cách vỗ ngực khoe khoang hay một cách khiêm nhường, mà đưa ra bằng sự tự tin, dung dị.

Tôi được dự nhiều chương trình của GS Trần Văn Khê giới thiệu tại nước ngoài. Công lao lớn nhất của giáo sư không chỉ là dừng ở việc đưa những tiết mục, chương trình biểu diễn mà giá trị lớn nhất chính là những bài giảng của ông tại các trường đại học của châu Âu, Mỹ... và công trình nghiên cứu, tham luận tại các hội thảo quốc tế. Những bài giảng đó mang tính trọn vẹn và tổng thể, từ góc nhìn, đánh giá của UNESCO. Đôi khi ở những chuyến đi chỉ đơn lẻ tiết mục, hoặc nhóm nghệ sĩ rất nhỏ, như một nghệ sĩ với một cây đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tranh... Như thế đưa đến cảm giác người làm công việc này rất âm thầm, đôi khi cô đơn trên con đường của mình. Vì lẽ đó mà tôi nói rất khâm phục GS Trần Văn Khê. Bởi sự bền bỉ, tâm huyết của giáo sư đã giúp cho quốc tế, đặc biệt là những nhà nghiên cứu nước ngoài hiểu một cách toàn diện âm nhạc truyền thống và hình thức nghệ thuật truyền thống các cộng đồng cư dân, dân tộc Việt Nam.

Trong lĩnh vực của tôi thấy thuận lợi hơn. Ví dụ lần này tôi đưa “Mơ rồng” đến Đại hội lần thứ 36 của ITI, tiết mục được diễn trên sân khấu lớn, cao cấp với cả nghìn người xem. Đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài có rất nhiều cách, nhưng chúng ta phải tìm ra cách đưa, giới thiệu, hội nhập bài bản. Một là xuất hiện ở góc độ học thuật, hội thảo, dự án nghiên cứu; hai là đưa trong sự kiện lớn, cơ hội lớn để có thể quảng bá rộng rãi.

 Hình ảnh trong tiết mục "Mơ rồng" tham dự Đại hội lần thứ 36 của ITI. Ảnh: CHÂU XUYÊN 

PV: Có bao giờ ông nghĩ rằng nghệ thuật biểu diễn, tiết mục, vở diễn sân khấu truyền thống của chúng ta đã có thể xuất khẩu, có lợi nhuận?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Đó là điều khát khao của bất cứ người làm nghệ thuật nào. Nhưng để chương trình, vở diễn có thể đi biểu diễn và thu được lợi nhuận từ bán vé ở nước ngoài là điều không dễ làm. Với các nhà hát, đoàn nghệ thuật của các quốc gia trên thế giới làm được việc này cũng không nhiều. Nếu đoàn nào làm được thì họ có một ê kíp sản xuất vô cùng chuyên nghiệp. Điều này Việt Nam hiện mới đang tìm những phương cách để học tập.

PVKhi nhìn thấy sức lan tỏa của nghệ thuật, văn hóa truyền thống Việt Nam ra quốc tế, ông nhận thấy cảm xúc của khán giả như thế nào?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Thế giới là các nước cộng lại, các nền văn hóa cộng lại nên cánh cửa rất rộng mở. Và con người ta thì luôn thích cái mới, thích cái khác lạ, bởi vậy mà nghệ thuật sân khấu truyền thống của chúng ta luôn hấp dẫn, lôi cuốn khán giả, đặc biệt là múa rối nước. Chẳng hạn diễn múa rối, con rối thể hiện tâm hồn con người, con người thể hiện hình thể con rối, những cái gì con rối không làm được thì con người làm, những gì mang tính sắc thái, biểu tượng, khái quát mà con người không nói ra được thì con rối thể hiện. Chính những cái đó tương tác với nhau và tạo nên sân khấu truyền thống của chúng ta mang tính sáng tạo, độc đáo.

Ở hầu hết các sự kiện, hoạt động mỗi khi giới thiệu đoàn Việt Nam, đại biểu và khán giả quốc tế rất hào hứng đón chào và cổ vũ nồng nhiệt. Tôi cho rằng đây chính là “lợi nhuận” lớn của những người làm nghệ thuật nếu có điều kiện ra nước ngoài biểu diễn và cả những người làm công tác kết nối như tôi. Như vấn đề “lợi nhuận” lần này đưa đoàn múa rối đến đại hội rất lớn, chúng ta đưa tiết mục nghệ thuật chạm tới khán giả, chúng ta nhìn thấy nụ cười, sự ngưỡng mộ của họ, sự trân trọng của họ, tất cả những cái đó tạo cho chúng ta niềm cảm hứng, năng lượng để thấy rằng việc chúng ta đang làm rất có ý nghĩa, giá trị văn hóa, nghệ thuật của chúng ta được lan tỏa, thế giới biết đến. Như vậy chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội cho lần sau và làm được nhiều việc khác trong tương lai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 “Mơ rồng” kể câu chuyện của các cô thôn nữ Việt Nam xinh đẹp, duyên dáng, cần cù, chịu khó trên những cánh đồng lúa nước của Việt Nam. Rồi chiến tranh bất ngờ ập đến. Nhân vật rối chú Tễu được giới thiệu như một biểu tượng sinh động của văn hóa dân gian Việt Nam, thể hiện tâm hồn và tình cảm của người dân Việt Nam dù bị dập vùi trong lửa đạn chiến tranh nhưng với sức sống mạnh mẽ đã hồi sinh và gióng lên nhịp trống chèo lúc khoan lúc nhặt, lúc réo rắt, lúc hân hoan trong hình ảnh rồng bay lên. “Màn trình diễn phát triển từ chi tiết cụ thể để khái quát thành thông điệp mang tính biểu tượng của nhân loại hôm nay: Chiến tranh có thể vẫn đang diễn ra đâu đó trên trái đất, có thể hủy diệt tất cả, nhưng sự sống, tình yêu và khát vọng hòa bình, hạnh phúc của nhân loại sẽ mãi mãi trường tồn”, đạo diễn Lê Quý Dương cho hay.

VƯƠNG HÀ (thực hiện)