Điện ảnh “chắp cánh” du lịch: Tại sao không?
Sau nhiều năm, việc kết nối nhằm thúc đẩy phát triển điện ảnh và du lịch đang được nhiều địa phương tích cực, chủ động “nhập cuộc”. Nhiều sự kiện điện ảnh đang dần được xây dựng thành “thương hiệu” riêng của địa phương, trở thành cơ hội để quảng bá du lịch. Tuy nhiên, đến nay, việc quảng bá du lịch qua điện ảnh, thu hút nhà sản xuất, người làm phim vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở của không riêng địa phương nào.
Chia sẻ tại họp báo diễn ra sáng 16/9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới” mong muốn đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với khán giả quốc tế, đặc biệt là khán giả tại Hoa Kỳ - một trong những thị trường văn hóa lớn và đa dạng. Chương trình dự kiến diễn ra từ ngày 23 - 25/9, tại các thành phố San Francisco và Los Angeles, bang California, gồm nhiều hoạt động: hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch và điện ảnh Việt Nam, không gian giới thiệu đất nước, con người văn hóa của Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật…
Sau nhiều năm, việc kết nối nhằm thúc đẩy phát triển điện ảnh và du lịch đang được nhiều địa phương tích cực, chủ động “nhập cuộc”. Nhiều sự kiện điện ảnh đang dần được xây dựng thành “thương hiệu” riêng của địa phương, trở thành cơ hội để quảng bá du lịch. Tuy nhiên, đến nay, việc quảng bá du lịch qua điện ảnh, thu hút nhà sản xuất, người làm phim vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở của không riêng địa phương nào.
Hành trình bắt đầu từ màn ảnh
Điện ảnh không chỉ là một ngành công nghiệp giải trí mà còn là công cụ mạnh mẽ, qua đó các nhà làm phim có thể kể những câu chuyện hấp dẫn cho khán giả trên toàn cầu thấy được cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa và các giá trị phong phú của một dân tộc. Những thước phim như những “cánh cửa” đưa khán giả đến những vùng đất mới, thôi thúc họ lựa chọn điểm đến du lịch của mình.
Nhận thức sâu sắc về sức mạnh của điện ảnh trong quảng bá du lịch, chia sẻ tại họp báo diễn ra sáng 16/9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới” mong muốn đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với khán giả quốc tế, đặc biệt là khán giả tại Hoa Kỳ - một trong những thị trường văn hóa lớn và đa dạng. Chương trình dự kiến diễn ra từ ngày 23 - 25/9, tại các thành phố San Francisco và Los Angeles, bang California, gồm nhiều hoạt động: hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch và điện ảnh Việt Nam, không gian giới thiệu đất nước, con người văn hóa của Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật…
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, sự kiện cũng là một biểu hiện của công nghiệp văn hóa, hợp tác điện ảnh và du lịch. Qua chương trình khẳng định Việt Nam có những địa điểm có thể trở thành phim trường nổi tiếng cả về cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa đa dạng. Từ những thước phim quay tại Việt Nam, khán giả quốc tế không chỉ có cơ hội trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam một cách sống động và gần gũi nhất mà còn thúc đẩy nhu cầu đến tham quan, du lịch. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các nhà làm phim và doanh nghiệp du lịch, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của hai lĩnh vực này”.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Hoa Kỳ có mức tăng trưởng khách và chi tiêu cho du lịch hàng đầu thế giới. Liên tục những năm qua, kể cả trước và sau dịch Covid-19, thị trường khách từ Hoa Kỳ trong top 5 đến Việt Nam, tăng trưởng khoảng 11,5%/năm. 8 tháng năm 2024, Việt Nam đón được 529.000 lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ 2023.
Ngoài chương trình chung, lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết sẽ ký kết biên bản ghi nhớ với Giám đốc của Liên hoan phim châu Á thế giới (tổ chức thường niên tại Hoa Kỳ) để đưa các bộ phim đoạt giải Cánh diều hàng năm, phim đầu tay hoặc phim xuất sắc của tác giả trẻ Việt Nam tham gia; từ đó góp phần quảng bá điện ảnh Việt Nam, tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để những người làm điện ảnh Việt Nam được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ sĩ điện ảnh ở Hoa Kỳ.
“Quan trọng nhất, chúng tôi mong muốn nhiều đoàn làm phim của Hoa Kỳ đến Việt Nam và nhiều đoàn làm phim Việt Nam đến Hoa Kỳ. Các khung cảnh, bối cảnh thiên nhiên đặc thù của mỗi nước sẽ là những hình ảnh rất hấp dẫn trong các bộ phim và cũng sẽ là những điểm nhấn để cho khách du lịch sau khi xem những bộ phim nổi tiếng muốn đến trải nghiệm tại những địa điểm đã được quay phim”, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú kỳ vọng.
Cho rằng điện ảnh là “quyền lực mềm” và giao lưu văn hóa mạnh mẽ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper mong muốn khuyến khích nhiều hơn nữa các nhà làm phim của Hoa Kỳ đến Việt Nam và chọn Việt Nam là điểm đến cho các bộ phim của mình và từ đó giúp các thế hệ người Hoa Kỳ hiểu hơn và trân trọng hơn vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước Việt Nam. “Hy vọng các nhà làm phim của Hoa Kỳ sẽ ngày càng phát hiện ra những địa điểm quay phim có thể trở thành những địa danh mang tính biểu tượng và nơi đây sẽ trở thành địa điểm được khách du lịch săn đón, có thể tạo ra doanh thu cho các doanh nghiệp địa phương, tăng cường sự hiện diện và sức hấp dẫn của nhiều địa phương có vẻ đẹp tuyệt vời ở Việt Nam…” - Đại sứ Marc Evans Knapper nói.
Làm sao “mang chuông đi đánh xứ người” hiệu quả?
Theo các nhà quản lý, cơ chế chính sách đã cởi mở hơn cho sự hợp tác giữa du lịch và điện ảnh. Nhưng để xúc tiến du lịch Việt thông qua điện ảnh thành công ở “xứ người” lại là câu chuyện cần phải bàn. Việt Nam học được gì từ những láng giềng Thái Lan, Philippines... trong việc dùng điện ảnh thúc đẩy du lịch và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh?
Du lịch văn hóa được xác định trong “Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa. Vì thế, muốn tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, chúng ta cũng cần có nhiều cơ chế, chính sách rộng mở hơn nữa. Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Đỗ Quốc Việt cho biết: “Chúng tôi đã tạo cơ chế phát triển du lịch thông qua lĩnh vực điện ảnh bằng cải cách thủ tục hành chính như cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục để từng bước xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích cho lĩnh vực điện ảnh. Từ 11 thủ tục hành chính trong giai đoạn 2006-2009 đến giờ còn 5 thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh".
“Trước đây yêu cầu kịch bản toàn phần để thực hiện hồ sơ cấp phép, giờ chỉ còn kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung đối với bối cảnh quay phim tại Việt Nam. Hay như giảm thời gian tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục còn 20 ngày, bằng 2/3 thời gian so với trước đây”- ông Đỗ Quốc Việt thông tin.
Bên cạnh đó, Cục Điện ảnh cũng đã tiến hành chuyển đổi số trong công tác hành chính, nâng cấp cấp độ 3 lên cấp độ 4; có giải pháp tạo điều kiện cho tất cả các bên, đặc biệt cho các nhà làm phim nước ngoài tại Việt Nam; xây dựng các khung liên quan đến ưu đãi, thuế, nguồn lực…
Đặc biệt, theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, thời gian qua, liên quan đến cấp phép Cục này đã có nhìn nhận, đánh giá về những khác biệt với các quốc gia, cũng như tiếp nhận để có cái nhìn cởi mở hơn, sao cho hòa nhập nhưng không hòa tan. “Những gì cần điều chỉnh được chúng tôi đã điều chỉnh” ông Đỗ Quốc Việt khẳng định. “Khi xây dựng Luật Điện ảnh, chúng tôi đều có đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm các quốc gia phát triển ở khu vực và thế giới như Pháp, Singapore… Trên cơ sở đó, chúng tôi tổng hợp và đưa ra các khung pháp lý để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất, đồng thời xây dựng một số phương án để tham mưu, đề xuất khi xây dựng các chính sách liên quan về phát triển du lịch” Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh.
Cần quy chế phối hợp đa chiều
Có thể nói những thay đổi trong cơ chế, chính sách nêu trên nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà sản xuất tới Việt Nam quay phim, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến quốc gia mới chỉ là những “bước đi chập chững” như các chuyên gia nhận định.
Vẫn cần phải có một chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững giữa du lịch và điện ảnh trong thời gian tới, đặc biệt là việc tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp du lịch - nhà hoạt động điện ảnh - địa phương - cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với điện ảnh để thu hút các nhà làm phim thế giới và du khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, chiến lược phát triển từng ngành đã có, hành lang pháp lý đã xây dựng, tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các ngành để tham mưu xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045.
“Chúng tôi thấy nhiều vấn đề cần tháo gỡ như chính sách về thuế, chính sách về các luật pháp liên quan nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Cùng với đó, cần có những quy chế phối hợp đa chiều, phù hợp giữa cơ quan Nhà nước với các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các hiệp hội điện ảnh, hiệp hội du lịch, các ngành với các địa phương nhằm tạo ra mối liên kết lâu dài, bền vững. Mặt khác, phải có lộ trình mang tính chiến lược bài bản, kết hợp từ xây dựng sản phẩm đến quảng bá xúc tiến đến các chính sách rất cần thiết”- Thứ trưởng nói.
Lãnh đạo ngành du lịch cũng cho rằng xúc tiến không chỉ là đi đến các trung tâm điện ảnh quốc tế để quảng bá mà có thể tổ chức các cuộc xúc tiến điện ảnh kết hợp du lịch ở ngay Việt Nam, mời các đạo diễn, đoàn làm phim từ các nước đến nghe “chủ nhà” chia sẻ để hiểu nhau muốn gì, làm thế nào cho phù hợp...
“Tôi nghĩ rằng mỗi bộ phim “bom tấn” họ đầu tư từ 10 triệu đến 30 triệu USD, quay ở địa phương nào sẽ góp phần phát triển vùng đất đó. Bởi kinh phí đầu tư sẽ đổ vào các doanh nghiệp, trong nhân dân, thuế và chúng ta hưởng lợi rất nhiều từ dự án phim quốc tế, trong đó vô giá nhất là mặt truyền thông, thương hiệu, giới thiệu điểm đến...” Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Khánh An