• :
  • :

Tháo gỡ điểm nghẽn cho phim lịch sử, chiến tranh cách mạng

Phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng thường được làm từ nguồn ngân sách nhà nước. Điều ấy là hiển nhiên, bởi cho đến nay chưa nhiều hãng phim tư nhân nào muốn đầu tư cho một dự án vừa chi phí cao, vừa đòi hỏi chuyên môn cao, khó có khả năng thu hồi vốn. Tuy nhiên, việc sản xuất, phổ biến và phát hành dòng phim này cũng đang còn nhiều điều đáng bàn để tháo gỡ.

1. Điểm danh một số bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh ăn khách trên thế giới, dễ thấy có nhiều bộ phim Mỹ, Hàn Quốc... ăn khách với số vé bán ra đạt kỷ lục doanh thu. Theo thống kê, Hollywood là “mảnh đất màu mỡ” với nhiều dự án phim lịch sử, chiến tranh nổi tiếng có doanh thu cao, như: “Giải cứu binh nhì Ryan”, kinh phí sản xuất 70 triệu USD, thu về 481,8 triệu USD; “Cuộc di tản Dunkirk”, kinh phí 100 triệu USD, thu về 526,9 triệu USD. Tại Hàn Quốc, bộ phim “Cờ thái cực giương cao” (Taegukgi) sản xuất năm 2004 với vốn đầu tư 12,8 triệu USD, đã thu về gần 70 triệu USD; “Đại thủy chiến” là bộ phim lịch sử “bom tấn” tái hiện trận hải chiến Hàn Quốc-Nhật Bản năm 1597, được đầu tư 18,6 triệu USD, ra mắt vào năm 2014 đã thu hút 17 triệu lượt khán giả và thu về gần 112 triệu USD...

Dẫu biết mọi so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên vẫn muốn trông người để hiểu rõ thêm ta.

2. Tại Việt Nam, những tác phẩm điện ảnh đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng thường được đầu tư sản xuất vào năm chẵn nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Phương thức đầu tư của Nhà nước về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng được thực hiện theo quy trình chặt chẽ từ tuyển chọn, xét duyệt kịch bản đến thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí làm phim. Đến nay, nhờ sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước, khá nhiều phim tài liệu, phim truyện điện ảnh, phim truyền hình đã được sản xuất về đề tài này. Nhưng, nhiều bộ phim đều có rất ít khán giả, có phim chỉ sau vài suất chiếu thương mại đã phải nhanh chóng rút khỏi rạp; phần lớn được chiếu lại, miễn phí vào các đợt, tuần phim những dịp kỷ niệm.

Hình ảnh trong phim “Đào, phở và piano” tái hiện 60 ngày đêm lịch sử Hà Nội vùng đứng lên chống thực dân Pháp. Ảnh do đoàn phim cung cấp 

Có thể coi “Đào, phở và piano” (Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất năm 2023, Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn biên kịch và đạo diễn) là sự bất ngờ hiếm có khi bộ phim về đề tài chiến tranh do Nhà nước tài trợ, tái hiện 60 ngày đêm lịch sử Hà Nội vùng đứng lên chống thực dân Pháp trụ vững tại rạp chiếu thương mại từ Tết Nguyên đán 2024 đến nay và trở thành câu chuyện “hot” truyền thông cho phim Nhà nước đặt hàng. "Nóng” nhất có lẽ là khi thông tin trang web của Trung tâm Chiếu phim quốc gia bị sập do quá tải lượng truy cập. Từ đây, bộ phim được khán giả đặc biệt chú ý. Rất nhanh chóng, từ 3 suất chiếu cố định hằng ngày, đơn vị rạp đã tăng cho phim tới gần 20 suất chiếu mỗi ngày với tỷ lệ lấp đầy khán phòng rất cao. Trên mạng xã hội, truyền thông bắt đầu đua nhau “ăn theo” phim. Các bài bình phim, thông tin đủ dạng xung quanh bộ phim xuất hiện hằng ngày dày đặc trên các trang mạng khiến khán giả càng thêm tò mò, háo hức vào rạp xem phim. Doanh thu của bộ phim tăng lên từng ngày, đem tới nhiều bất ngờ cho chính người trong cuộc. Đến nay, doanh thu của “Đào, phở và piano” đạt trên 20 tỷ đồng-một con số ấn tượng với phim Nhà nước đặt hàng.

Từ hiện tượng phim “Đào, phở và piano” cho thấy cần nhanh chóng thay đổi về cơ bản phương thức đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh để chấm dứt tình trạng phim sử dụng ngân sách sản xuất, nhưng chỉ chiếu vài buổi ra mắt hoặc vào các dịp kỷ niệm, rồi cất kho.

Trước hết, cần kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn” trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý tài sản công, theo đó quy định tất cả doanh thu từ khai thác sản phẩm có đầu tư công đều nộp ngân sách. Nếu không thay đổi quy định này, các rạp chiếu tư nhân sẽ chẳng mặn mà phát hành phim Nhà nước vì không thu được lợi lộc gì. Trong khi đó, hệ thống rạp chiếu quốc doanh trước đây đảm nhiệm tốt vai trò đưa phim Nhà nước đến khán giả, nay đã gần như hoàn toàn tan rã (cả nước chỉ còn cụm rạp Trung tâm Chiếu phim quốc gia tại Hà Nội đang hoạt động).

Trường hợp phát hành bộ phim “Đào, phở và piano” chỉ là hiện tượng đơn lẻ, bộc phát, nhưng cho thấy vai trò của quảng bá, tiếp thị phim ảnh quan trọng như thế nào. Việc tạo dựng hiệu ứng truyền thông cho mỗi bộ phim phải bắt đầu từ khi dự án được khởi động. Cùng với các chuyên mục talk show, giới thiệu phim, phỏng vấn tại các kênh trên sóng truyền hình truyền thống, báo điện tử, báo in... vốn có như lâu nay, cần tận dụng triệt để sức chia sẻ, hiệu quả lan truyền thông tin trên các nền tảng số như: Tiktok, zalo, facebook, viber, instagram, livestream... để quảng bá về bộ phim đang làm, sắp chiếu. Trên thực tế, khán giả vẫn đang ủng hộ, yêu thích phim Việt; nhiều chuyên gia đánh giá đây đang là thời điểm “vàng” cho phim Việt. Đối tượng khán giả đến rạp hiện ngày càng phong phú với trình độ, thị hiếu khác nhau, trong đó giới trẻ chiếm đến 85-90%. Cần ghi nhận đóng góp của các nhà truyền thông, những người điểm phim (review) có tâm trên mạng xã hội đã chủ động hướng giới trẻ đến với các bộ phim có nội dụng và nghệ thuật tốt.

3. Làm sao để tối ưu hóa vốn đầu tư nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và phổ biến tác phẩm điện ảnh? Kể từ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được kết hợp thí điểm giữa đầu tư của Nhà nước và tạo thêm nguồn vốn xã hội hóa để sản xuất, cho đến nay cơ chế chưa cho phép sự kết hợp công-tư như vậy. Đơn cử, sau hơn 10 năm ấp ủ, kịch bản bộ phim truyện điện ảnh “Địa đạo” về cuộc chiến đấu anh dũng trong lòng đất của du kích Củ Chi, do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện đã được Nhà nước quyết định đầu tư vốn sản xuất. Tuy nhiên, số tiền mà Nhà nước dự kiến đầu tư chỉ bằng ½ tổng dự toán làm phim cần có. Đơn vị sản xuất đưa ra đề nghị được huy động thêm vốn từ nguồn xã hội hóa, để đủ điều kiện dàn dựng bộ phim về chiến tranh quy mô rất lớn như “Địa đạo”, nhưng đã không được chấp nhận do Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư không quy nạp lĩnh vực hoạt động văn hóa vào đối tượng điều chỉnh. Cuối cùng đạo diễn đã buộc phải khước từ nguồn tài trợ của Nhà nước để huy động toàn bộ kinh phí sản xuất phim từ nguồn vốn bên ngoài. Hiện nay, bộ phim đang được quay và hướng đến phát hành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày đất nước thống nhất (30-4-2025). Vì thế, đã đến lúc các bộ, ngành có liên quan cần bàn bạc, thay đổi phương thức đầu tư để nâng cao hiệu quả khai thác tài sản có vốn đầu tư công. Nếu thực sự coi điện ảnh là mũi nhọn của công nghiệp văn hóa, rất cần có sự thống nhất về quan điểm và tìm ra giải pháp khả thi để tối ưu hóa vốn đầu tư nhà nước cho sản xuất và phổ biến phim.

Việc kết hợp nguồn công-tư cho sản xuất phim sẽ có nhiều cái lợi. Trong trường hợp khi các bên đối tác cùng đồng lòng góp vốn, nếu có rủi ro (lỗ vốn) sẽ cùng chia sẻ. Khi có lợi nhuận, các bên cùng được hưởng thành quả theo tỷ lệ góp vốn ban đầu.

Đổi mới cơ chế, cải tiến thủ tục để hoàn thiện hóa phương thức đầu tư đồng bộ cho cả hoạt động sản xuất, quảng cáo và phát hành phổ biến các phim sử dụng ngân sách. Không chỉ đầu tư (cắt khúc) riêng cho hoạt động sản xuất, mà còn phải đầu tư đồng bộ cho các khâu quảng cáo, phát hành khi đưa phim sử dụng ngân sách vào hệ thống rạp chiếu thương mại mà đa phần thuộc sở hữu tư nhân và có yếu tố đầu tư nước ngoài hiện nay. Nhà nước cần ủy quyền cho cơ quan, đơn vị, tổ chức cụ thể được quyền và chịu trách nhiệm phát hành thương mại các phim sử dụng ngân sách. Đây chính là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa mà điện ảnh được xác định là ngành mũi nhọn.

Cần quan tâm đặc biệt đến chiến lược quảng cáo, tuyên truyền, lan tỏa thông tin về bộ phim đang chuẩn bị phát hành một cách bài bản để gợi lên sự quan tâm và chờ đợi của khán giả. Thực tế, trong dự toán sản xuất phim sử dụng ngân sách hiện nay, ngoài 100 triệu đồng cho một buổi họp báo duy nhất, không hề có chi phí làm poster, tờ rơi, trailler quảng cáo... Cùng với đó, nhà làm phim cũng cần có chi phí để nâng cao tiêu chuẩn hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo theo chuẩn quốc tế và làm phụ đề để có thể đưa phim nhập được vào mạng lưới chiếu thương mại quốc tế, tham gia giao lưu với điện ảnh thế giới như các nhà sản xuất phim “Bẫy rồng”, “Dòng máu anh hùng”... đầu tư thực hiện.

Hiện nay, những nền tảng chiếu phim trực tuyến đang phát triển rầm rộ khiến đông đảo khán giả hình thành thói quen xem phim trực tuyến vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm chi phí. Do đó, sau thời gian phát hành thương mại tại hệ thống rạp hay ở các địa điểm, phương tiện công cộng vẫn có thể nhượng bản quyền phim cho các nền tảng chiếu trực tuyến như Netflix, Disney... Việc này không chỉ làm tăng doanh thu phát hành mà còn góp phần quảng bá nhanh chóng phim Việt ra thế giới.

NGUYỄN VĂN TÂN, Phó chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...