• :
  • :

Người trẻ “hồi sinh” Việt phục

Những năm gần đây, trào lưu mặc và phục dựng trang phục cổ xưa đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới trẻ. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy thế hệ Gen Z ngày càng có ý thức tìm hiểu, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

Người trẻ “hồi sinh” Việt phục - ảnh 1

Trang phục nhân vật trong phim “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ nhận được nhiều lời khen ngợi

 Tương lai nối dài từ quá khứ

Việt Nam vẫn luôn được ví như một kho tàng văn hóa với nhiều di sản đậm đà bản sắc. Cũng giống như nhiều quốc gia khác, trang phục của người Việt luôn là nguồn cảm hứng bất tận, là niềm tự hào dân tộc qua từng thế hệ. Theo thời gian, trong quá trình hội nhập, ảnh hưởng cách ăn mặc từ nhiều nơi, những giá trị ấy tưởng chừng như sẽ dần chìm vào quên lãng thì những năm trở lại đây, với nỗ lực của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những người trẻ yêu lịch sử và văn hóa dân tộc, cổ phục Việt đã và đang dần “hồi sinh”.

Có thể kể đến các dự án, ý tưởng tiêu biểu như: Việt phục Hoàng thành kết hợp một số công ty du lịch để ra mắt tour trải nghiệm với cổ phục dành cho du khách nước ngoài, tạo thêm điểm nhấn quảng bá văn hóa Việt Nam; hay Vạn Thiên Y vinh dự được lựa chọn thực hiện triển lãm “Hành trình vàng son” trong chuỗi sự kiện ngoại giao văn hóa “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023”, mang cổ phục Việt đến ba quốc gia ở ba châu lục là Nam Phi, Pháp và Nhật Bản…

Nhắc đến nghiên cứu, phục dựng cổ phục, không thể không kể đến sự tiên phong của nhóm Ðại Việt Cổ Phong. Từ một diễn đàn trực tuyến ra đời năm 2014, những thành viên giàu đam mê đã sáng lập dự án “Hoa văn Ðại Việt” để thu thập, nghiên cứu, phục chế và bảo tồn các hoa văn cổ phổ biến, đặc trưng, đặc sắc của mỹ thuật Việt Nam qua các triều đại phong kiến (từ thời Lý đến thời Nguyễn). Bên cạnh đó, nhiều hội nhóm, thương hiệu cổ phục cũng nối tiếp ra đời như: Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, Thủ Phất Thanh Đài, Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Đại Nam Hội Quán, Ỷ Vân Hiên, Đại Việt Fancy, Nam Phong Viện, V’style - Việt Cổ Phục Cách Tân, Vietnam Centre, Phượng Điển...

Mới đây nhất, khi nhận thấy giới trẻ chưa thực sự phân biệt và hiểu về Việt phục, đặc biệt là khi đang có quá nhiều thay đổi, nhóm sinh viên năm 2 khoa Quan hệ công chúng - Truyền hình (Trường Đại học Văn Lang) đã đứng ra tổ chức chương trình “Sắc cổ viễn xưa”. Thông qua hình thức nhạc kịch, sự kiện đã mang tới những góc nhìn sinh động về trang phục của người Việt trong lịch sử, cũng như nêu ra hướng phát triển để bảo tồn Việt phục trong tương lai. Qua đây càng thấy được sự tâm huyết và mạnh dạn dám bày tỏ của người trẻ trong hành trình tìm về cội nguồn và lan tỏa những giá trị xưa.

Bạn Vương Minh Thư, Trưởng BTC “Sắc cổ viễn xưa” cho biết, khi tổ chức sự kiện, nhóm mong muốn có thể duy trì, xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc nước nhà. “Thông qua chương trình, các bạn sinh viên được giao lưu, cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp của Việt phục, có thêm góc nhìn về lịch sử dân tộc và hành trình tạo nên nét văn hóa trong trang phục xưa. Từ đó, mang Việt phục và lịch sử đến gần hơn tới trái tim người trẻ, với sự hiểu biết không chỉ là tái hiện hay đơn giản là một bản sao từ quá khứ. “Sắc cổ viễn xưa” là niềm tự hào dân tộc, mang trong chính bản thân từng thiết kế những giá trị văn hóa lâu đời, được chế tác từ những nghệ nhân với niềm đam mê tái sinh lịch sử bằng gấm vóc”, Minh Thư cho hay.

Người trẻ “hồi sinh” Việt phục - ảnh 2

Trình diễn cổ phục trong sự kiện “Sắc cổ viễn xưa”

Những người kết nối

Có thể thấy, song song với yêu thích của giới trẻ, cổ phục Việt những năm gần đây cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo người làm nghệ thuật. Các dự án phim cổ trang như Quỳnh hoa nhất dạ, Phượng Khấu; các MV ca nhạc như Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hòa Minzy); Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc); Anh ơi ở lại (Chi Pu)… đã nối tiếp nhau lên sóng và gây được tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý đông đảo của khán giả trong nước lẫn quốc tế. Mới đây nhất, phim điện ảnh Người vợ cuối cùng (đạo diễn Victor Vũ) cũng gây ấn tượng với hàng trăm bộ cổ phục lộng lẫy, khắc họa đời sống nhà quan lại thế kỷ XIX ở miền Bắc Việt Nam. Tạo hình nhân vật tóc búi bánh lái hoặc tóc vấn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng, đeo chuỗi hạt, kiềng cổ… Đặc biệt, các bộ cổ phục trong phim không chỉ “đúng” mà còn “đẹp”, góp phần lan tỏa những “vàng son một thuở” mà ông cha ta để lại.

Việc các bạn trẻ quan tâm đến cổ phục là tín hiệu cho thấy ý thức gìn giữ, trân trọng bản sắc văn hóa truyền thống đang được nâng cao. Bởi lẽ, những bạn trẻ tâm huyết, lan tỏa nét đẹp xưa cũ cũng chính là những gạch nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Khi xã hội phát triển, những nét đẹp của cổ phục và giá trị văn hóa mà nó truyền tải - ở hoàn cảnh phù hợp - cũng chính là cách gây dựng thương hiệu bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, con đường “hồi sinh” cổ phục nước ta vẫn còn rất nhiều hạn chế, khi những nghiên cứu, tư liệu về trang phục của “các cụ” không còn nhiều. Chính vì vậy, việc phục dựng lại sao cho gần nhất, giống với nguyên bản nhất cũng gặp không ít khó khăn. Công chúng từng chứng kiến những bộ phim lịch sử bị phản ứng gay gắt vì vấn đề phục trang “đúng nhưng không đẹp” hay “đẹp nhưng hàm lượng văn hóa, lịch sử thấp, thậm chí là sai lệch”... Vậy nên, khi bắt tay vào sáng tạo và phát triển cổ phục Việt, các bạn trẻ phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, từ đó dựa trên nguyên tắc bảo đảm đúng và giữ được bản sắc rồi mới làm cho nó đẹp hơn, tùy từng mục đích sử dụng hoặc ứng dụng trong đời sống

Có thể thấy, với nhiều cách làm khác nhau, nhưng “điểm chạm” cuối cùng mà những người trẻ đam mê cổ phục Việt đều mong muốn hướng đến, đó là gìn giữ và đưa đến gần hơn với tất cả mọi người, đây chính là cách để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Lượt xem: 12
Nguồn:baovanhoa.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...