• :
  • :

Kết nối văn hóa đọc: Soi mặt trái cuộc đời bằng ánh sáng chân, thiện, mỹ

Không chỉ viết về cái tốt, cái đẹp, văn chương còn viết về cái ác, cái xấu để con người hiểu mà tránh xa, tiến tới tiêu diệt nó, góp phần làm lành mạnh, làm đẹp thêm cuộc sống.

Hiểu theo nghĩa ấy, tiểu thuyết “Sóng độc” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022) của nhà văn Trần Gia Thái đã thành công trong việc phanh phui cái ác núp bóng dưới những gương mặt người tưởng là tử tế mà lại ác hiểm, thâm độc, phi nhân tính. Với 17 chương, hơn 400 trang sách, “Sóng độc” là câu chuyện dài ở đài truyền hình Bắc Hà (tỉnh Nam Bình) trong những năm cuối thế kỷ trước. Đây chỉ là điểm cắm, như cái compa, không gian tiểu thuyết được mở rộng tối đa rồi “quét” vòng đến các cơ quan Tỉnh ủy Nam Bình, Bộ Giáo dục, các cơ quan báo chí... Qua câu chuyện về một nơi nhưng bạn đọc hiểu biết được nhiều nơi trong cái thời đấu tranh căng thẳng cũ mới, tốt xấu...

Nghệ thuật kể chuyện bắt đầu bằng cách tạo tình huống. Những tình huống căng thẳng, hồi hộp, dồn đẩy nhau lên đến cao trào đòi hỏi một sự giải quyết hợp lý, thuyết phục. Tài năng của nhà văn thể hiện tập trung ở đấy. Tác giả “Sóng độc” có vốn sống dày dặn về nghề cùng một năng lực kể chuyện sắc sảo đã tạo cho tác phẩm hơn một sự miêu tả những mâu thuẫn để vươn tới phân tích tâm lý nhân vật và phơi bày bản chất sự kiện. Hạt nhân của tình huống tiểu thuyết là câu chuyện nhân sự lãnh đạo. Giám đốc, tổng biên tập đài Văn Đức sắp nghỉ hưu. Người có khả năng thay thế là Quang Thiện, nhà báo trẻ yêu nghề, có tài, có tâm. Nhưng phó giám đốc Đỗ Thiết lại quyết bằng mọi giá tranh cho được “cái ghế” ấy. Thế là dần dần hiện ra cả một hệ thống mưu mô mà “phe” Đỗ Thiết “dàn trận” hòng “đánh úp” Quang Thiện.

Trang bìa cuốn sách. 

Câu hỏi đầu tiên đặt ra với nhà văn là kể về cái gì. Phải là người sống trong nghề, hiểu nghề tác giả mới kể ra được những âm mưu, toan tính thật khó tưởng tượng của những “anh hùng hảo hán” với những “cao thủ” Bạc phò, Mùi già, Hoàn toác, Đạt láu... thập thò “dưới trướng” Đỗ Thiết bàn nhau gây bè kéo cánh, “giăng lưới”, “thả câu” đủ mọi thủ đoạn nhằm triệt hạ đối thủ. Ở cơ quan nào cũng vậy, nhân sự bê bối sẽ kéo theo công việc bê bối mà cơ quan đài Bắc Hà là một ví dụ. Từ việc đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị đến đề án số hóa, từ việc xây dựng trụ sở đến trò “chạy dự án”, đấu thầu... như một guồng quay ảo, nếu nhìn bên ngoài thì trơn tru nhưng bản chất bên trong thì đầy bất minh. Có con người “ma quỷ” như Đỗ Thiết và tay chân tất sẽ có những trò “ma quỷ” tương ứng... Chúng chính là một thứ “sóng độc” để gây nhiễu dẫn đến đầu độc dư luận. Câu chuyện gián tiếp đưa ra lời cảnh báo: Con người quyết định công việc, nhất là với cương vị lãnh đạo nên việc quyết định là phải chọn lọc và giáo dục con người!

Tương phản trời vực với kẻ xấu Đỗ Thiết là Quang Thiện có phẩm chất trong sáng, có năng lực quản lý, biết tập hợp nhân tố tích cực đã tạo ra một thứ “sóng lành” lấn át rồi loại bỏ thứ “sóng độc”. Nhưng trong việc đấu tranh một mất một còn ấy, anh và người thân cũng phải trả giá không nhỏ. Bật ra một vấn đề mang tính phổ quát: Cái xấu, cái ác luôn ngoan cố ranh ma với những âm mưu, để loại trừ chúng phải tỉnh táo, công tâm, bản lĩnh và biết đoàn kết... Phải dùng ánh sáng của chân, thiện, mỹ mới có thể soi tỏ chỗ núp và tim gan đen tối của bọn ma quỷ!

Để có cách kể phù hợp, tác giả phải tạo ra một điểm nhìn trần thuật tối ưu, gần gũi hay xa vời, thân tình, suồng sã hay trang nghiêm, lịch lãm... Tiểu thuyết có điểm nhìn rất linh hoạt, khi thì khách quan, biết hết, khi lại trao điểm nhìn cho nhân vật tự phơi bày cái gan ruột bên trong. Thế nên ngôn ngữ tác phẩm cũng rất phong phú, đa dạng, có nhiều khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ, tiếng lóng, lại có nhiều thuật ngữ nghề nghiệp. Có nhiều ngôn ngữ đối thoại với những đoạn hội thoại sinh động, lớp lang, ẩn chìm trong đó là những mạch ý tứ xung đột với nhau của các quan niệm tạo ra tính đa thanh của tiểu thuyết nên hấp dẫn người đọc.

NGUYÊN THANH