Đừng để "voi chui lọt lỗ kim"
Thời gian qua, tại các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ liên tục xảy ra các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Gần đây nhất là vụ việc căn biệt thự rộng hơn 300m2 xây trên diện tích 3.300m2 đất nuôi trồng thủy sản ở xã Tân Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau); 42 căn hộ xây dựng trên 6.800m2 đất nông nghiệp ở Vĩnh Long; công trình Nhà hàng sân bay có diện tích hơn 1.000m2, nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy (Cần Thơ)... Trước đó là 79 căn biệt thự xây trái phép trên 19ha đất công tại xã Dương Tơ, TP Phú Quốc (Kiên Giang).
79 căn biệt thự xây trái phép trên 19ha đất công tại xã Dương Tơ, TP Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: vtv.vn |
Một dự án, công trình xây có phép trên đất hợp pháp còn phải mất bao nhiêu thời gian, công sức từ xin giấy phép, trình báo chính quyền địa phương, ký thỏa thuận với hàng xóm... và chịu sự quản lý, kiểm tra thường xuyên của cơ quan chức năng... trong khi hàng loạt công trình sai phạm trên được xây dựng rầm rộ giữa các tuyến đường lớn, dân cư đông đúc nhưng chính quyền lại không phát hiện để ngăn chặn.
Đến khi báo chí vào cuộc thì sự việc mới được xử lý. Câu hỏi đặt ra là liệu có sự tiếp tay, bao che cho những vi phạm này? Cơ quan chức năng đã thực sự làm hết trách nhiệm của mình trong việc quản lý xây dựng?...
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Luật Đất đai năm 2013, đối với đất nông nghiệp, được phép xây dựng một số loại công trình, tuy nhiên các công trình này phải được dùng vào mục đích nông nghiệp như: Xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh...
Việc để xảy ra sai phạm xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp là biểu hiện buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, cụ thể là lực lượng quản lý trật tự xây dựng, dẫn đến “hàng đàn voi” đã “chui lọt lỗ kim”. Hậu quả là hàng loạt công trình bị nghiền nát dưới máy xúc và sự lãng phí xã hội là rất lớn.
Thực tế biện pháp phá dỡ để việc quản lý trật tự xây dựng không “nhờn luật” là đúng. Nhưng cùng với việc cưỡng chế, cần làm rõ trách nhiệm, có hướng xử lý phù hợp nhằm tăng cường răn đe và ngăn chặn kịp thời những sai phạm tương tự.
Để chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép, cần thực hiện kiên quyết, đầy đủ các quy định của pháp luật trong xử lý vi phạm như công tác cưỡng chế, xử lý hình sự với các cá nhân, tổ chức vì mục đích kinh doanh trục lợi, gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và quyền lợi của nhân dân.
Xử lý nghiêm những cán bộ thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu bao che, tham nhũng..., đồng thời phổ biến, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, đất đai và các quy định pháp luật liên quan khác để người dân biết và chấp hành.
Ngoài ra, cần phát huy kênh tiếp cận và phát hiện vi phạm từ các cán bộ chuyên trách, công an cấp phường, xã, đặc biệt là người dân thông qua các hệ thống tiếp nhận trực tuyến nhanh chóng, công khai và minh bạch như cổng thông tin điện tử, email, điện thoại đường dây nóng... để có biện pháp xử lý ngay từ đầu và tận gốc.
THÚY AN