• :
  • :

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi trạng thái và cắt giảm tối đa thủ tục hành chính

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về phát triển kinh tế - xã hội, một số dự án luật, nghị quyết đang được cho...

Chú thích ảnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thúc đẩy động lực mới và làm mới các động lực truyền thống

Phát biểu tại thảo luận tổ về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực và 4 “trụ cột” gồm: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

“Bên cạnh những động lực tăng trưởng mới, chúng ta cần làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống” - Thủ tướng nêu rõ về xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư; trong đó, thúc đẩy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, thúc đẩy đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài.

Về động lực xuất khẩu hiện gặp khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chúng ta phải bình tĩnh, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, tích cực đàm phán với các đối tác, trong đó có Hoa Kỳ, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đồng thời, trong bối cảnh này, cần mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.

Về động lực tiêu dùng, Thủ tướng cho rằng, cần chính sách tài khóa, giảm thuế, phí, lệ phí; tăng thu, giảm chi, nhất là chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có chi phí đầu vào...

Đối với những động lực mới cho tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Đảng, Nhà nước, Quốc hội vừa qua đã ban hành các Nghị quyết về vấn đề này, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung việc triển khai, thực hiện.

Quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái

Về triển khai mô hình chính quyền 2 cấp, Thủ tướng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái, từ thụ động tiếp nhận các nhu cầu của người dân để xử lý thì cần chuyển đổi sang trạng thái chủ động, tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp; giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian, tăng cường kết nối dữ liệu...

“Về cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, Chính phủ đang quyết liệt vấn đề này” - Thủ tướng nêu rõ, để làm được, cần làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các điều kiện cần thiết khác, từ đó công bố công khai để người dân thực hiện, được làm những gì pháp luật không cấm; chuyển từ tiền kiểm sang tăng cường công tác hậu kiểm... Để triển khai chính quyền 2 cấp, thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính thì cần tăng cường kết nối dữ liệu, trong đó có dữ liệu về dân cư, đất đai...

"Chính quyền địa phương thay vì tiền kiểm, cấp phép thì tăng cường hậu kiểm, tiến hành kiểm tra, giám sát, kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, bỏ cơ chế xin - cho", Thủ tướng nhấn mạnh. Tinh thần là thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cấp nào gần dân nhất, làm tốt nhất thì phân cấp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề cập chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, vì “phân cấp, phân quyền mà không có nguồn lực thì không làm được”.

Về chuyển đổi trạng thái trong lĩnh vực y tế, giáo dục, Thủ tướng cho rằng, cần chuyển từ khám, chữa bệnh là chính, sang chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là chính... Về giáo dục, con người là chủ thể, là trung tâm, cần hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, chuyển từ đào tạo kiến thức sang đào tạo kỹ năng sống toàn diện cho người dân; đồng thời, quan tâm đến chính sách bình đẳng trong tiếp cận giáo dục với các đối tượng, vùng miền...

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xây dựng dự thảo 2 Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo và về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Thủ tướng, chúng ta đã "bắt được bệnh" và đang hoàn thiện thể chế để "chữa bệnh".

Thủ tướng cho biết, đầu kỳ họp thứ chín, Chính phủ đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có thống kê những dự án tồn đọng, kéo dài nhiều nhiệm kỳ gây lãng phí. Bên cạnh đó, theo thống kê các địa phương gửi, Thủ tướng cho biết có hơn 2.200 dự án tồn đọng.

"Nếu tháo gỡ những dự án này sẽ giải phóng được hơn 230 tỷ USD, bằng 50% tổng GDP của cả nước. Chúng tôi đang xây dựng chính sách, không hợp thức hóa cái sai nhưng phải có cách xử lý về thể chế, về tổ chức", Thủ tướng nhấn mạnh.

 
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...