• :
  • :

Háo quyền, tự đánh mất thanh danh

Cuối cùng ông Thâm cũng phải “khăn gói” trở về với cuộc sống đời thường. Ông đâu ngờ cái ngày chia tay sao nó tẻ nhạt và hững hờ đến vậy. Cũng phải lẽ thôi, vì ngót nghét bốn chục năm công tác, địa phương và cơ quan đã ưu đãi cho ông nhiều chế độ, chính sách thỏa đáng, nhưng mấy năm về sau, ông đã để lại không ít điều không hay về chính bản thân mình.

Là người từng xông pha trận mạc, vào sinh ra tử, ông rất thấm thía những giá trị về quyền sống, quyền tự do, hạnh phúc của mỗi con người. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được cấp trên cho đi học văn hóa và đào tạo mấy năm ở nước ngoài. Về nước, ông cần mẫn, chăm chỉ làm việc và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Những năm bao cấp, đời sống còn khó khăn, ông vẫn giữ được những đức tính giản dị, liêm khiết của người cán bộ. Đất nước đổi mới, ông dần dà thích nghi với môi trường làm ăn, sinh hoạt năng động của xã hội, nhất là biết “nắm thời cơ” trong các mối quan hệ, nên con đường tiến thân của ông diễn ra thuận lợi. Từng nắm giữ cương vị chủ chốt một ngành quan trọng của tỉnh, ông có những đóng góp đáng quý cho sự phát triển của địa phương. Chỉ có điều, càng về sau, ông càng bộc lộ tư tưởng công thần.

Không chỉ “chủ động, tích cực” đưa con em trong gia đình, họ hàng thân thích vào ngành mình phụ trách, ông còn tạo ra một ê kíp làm việc “tuyệt đối trung thành, tận tụy” với ông. Từ đó, cơ quan nảy sinh những mâu thuẫn ngầm, cán bộ, nhân viên trong cơ quan “bằng mặt mà không bằng lòng”. Vì là người đứng đầu cơ quan nên cán bộ, nhân viên cấp dưới, kể cả các cấp phó rất ngại phê bình những việc làm đó của ông. Được thông báo nghỉ hưu cách đây một năm, ông chần chừ, do dự và “xin ở lại công tác thêm một năm nữa”. Cấp ủy địa phương nể nang cho ông công tác thêm một năm nữa. Tuy nhiên, ngày chấp nhận về hưu thì ông lại sinh ra chuyện rắc rối. Ông không chủ động giao quyền cho một vị cấp phó vốn không “hợp gu” với ông lúc đương chức theo đề nghị của tập thể cấp ủy cơ quan và theo ý định của cấp trên, mà lại muốn “nhường chức” cho người cấp phó đồng hương của mình. Đến khi cấp trên phải nhắc nhở, chấn chỉnh nghiêm khắc, ông mới “ngậm ngùi”... chấp thuận! 

Có công lao, thành tích với Tổ quốc, với nhân dân, ông luôn được Nhà nước ghi nhận, ưu đãi xứng đáng. Nhưng khi quá ham quyền, háo danh, không tự giác rời vị trí đúng lúc, lại còn dây dưa kéo dài “cái ghế” của mình, nhất là thiếu thiện tâm khi bàn giao chức vụ cho người kế nhiệm, ông đã tự đánh mất những phẩm chất đạo đức trong sáng, vô tư vốn có một thời của mình. Rồi đây, khi trở về cuộc sống thường nhật, ông đâu có những giờ phút thanh thản lương tâm vì tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ của bản thân.

Sống đàng hoàng, tư cách, nhân nghĩa, thủy chung với đồng nghiệp, cơ quan và mọi người để khi về hưu và tuổi già không khỏi hối hận-đó chính là một phong cách sống ý nghĩa để con người luôn được vui, khỏe và thảnh thơi tâm hồn trong những năm tháng còn lại của đời mình.

TÂN SƠN

 

Tags: Háo quyền
Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết