• :
  • :

Lối sống xa hoa, vô cảm

Y phục xứng kỳ đức” là câu răn dạy của cổ nhân, hiểu theo nghĩa đen là ăn mặc sao cho tương xứng với tài năng, đạo đức. Nhưng “y phục” thường được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là trí tuệ, lối sống, cách ứng xử, danh hiệu, vị trí công tác...

“Chẳng hạn, có người đi đâu cũng khoe mình là nhà văn, nhưng kỳ thực chẳng sáng tác được tác phẩm văn học nào có giá trị. Thế là anh chỉ có cái danh hão, chỉ có cái vỏ thôi, tức là "y phục" không xứng với "kỳ đức"!

Dân gian có câu chuyện “Sự tích con thạch sùng”. Truyện kể Thạch Sùng vốn sống bằng nghề ăn xin, nhờ tằn tiện tích cóp dần dần có một số vốn rồi đi buôn. Từ đó cứ thế giàu có lên, lại thông đồng với bọn cướp làm những chuyện thất đức nên kiếm được rất nhiều của cải, tiền vàng, châu báu. Trở thành đại phú gia, có tiền, có danh, trong trướng phủ với hàng trăm kẻ hầu người hạ và thê thiếp ăn mặc toàn đồ lụa là, gấm vóc, ông ta có cuộc sống xa hoa nhất nhì trong thiên hạ. Nhưng vì ăn chơi đua đòi, Thạch Sùng sa vào cuộc khoe của, đọ của với một kẻ giàu có khác rồi mất hết cả gia sản. Đau đớn tột cùng vì thua cuộc, quá tiếc của, sau khi chết, ông ta biến thành con thạch sùng suốt ngày chặc lưỡi. Truyện giáo dục con người ta phải biết sống tiết kiệm, đúng mực, kể cả khi giàu có cũng không nên xa hoa, phung phí. Thạch Sùng không thế, khi giàu sang, ông ta quên quá khứ nghèo khổ, khoe tiền đến mức kệch cỡm, lố bịch nên phải trả giá đau đớn!.

Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Châm biếm những kẻ “y phục” không xứng với "kỳ đức", nhiều tiền của, vênh vang, học đòi nhưng lại dốt nát, keo kiệt, tiếng Việt có từ rất đắt là “trọc phú”. Truyện "Trạng Quỳnh" châm biếm sâu cay những hạng người này là “bọ hung”. Trọc phú Tú Cát hợm hĩnh ra vế đối: “Trời sinh ông Tú Cát”. Trạng Quỳnh “giết” chết hắn bằng vế đối: “Đất nứt con bọ hung”!

Loại người ấy thời nào, ở đâu cũng có. Bên nước Pháp thế kỷ 17, Molière đã viết hài kịch “Trưởng giả học làm sang”, nhất là trong đoạn trích “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” hạ bệ bằng tiếng cười kẻ ngu dốt, ngớ ngẩn nhưng cứ học đòi làm sang. Những danh từ mà ông Giuốc-đanh muốn người ta tôn xưng, nhất là đối với bộ lễ phục mà ông mặc, phải thật “kêu”, thật oai. Tiếng cười chua chát mà đau đớn bật ra để chôn vùi cái xấu, cái thảm hại đáng khinh xuống hố sâu của mảnh đất mỹ học...

Đấy là chuyện xưa, ở nơi xa. Còn hiện nay, ở ta đang xôn xao dư luận có cán bộ vừa rời chức giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) ở một tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tạm biệt công sở bằng cách mở những bữa tiệc đình đám, xa hoa với những cái tên mỹ miều như “Lễ chia tay”, “Đêm giao lưu”, “Tiệc tri ân”... với sự tham dự của hàng chục quan chức trong ngành và ở địa phương.       

Khi mà cả nước vừa thoát ra khỏi đại dịch, nguy cơ “dịch chồng dịch” lại đang hiện hữu; khi mà đồng bào ta nhiều nơi còn thiếu cái ăn, cái mặc; khi mà nhiều người lính ngoài đảo xa, nơi biên giới còn phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ, nhất là trong bối cảnh hàng loạt giám đốc CDC bị bắt vì tham nhũng, thì việc tổ chức những bữa tiệc hoành tráng kia trở nên phản cảm!

Căn nguyên sâu xa của những hiện tượng gây phản cảm chính là từ sự vô cảm của con người. Muốn khắc phục điều đó, chỉ có biện pháp giáo dục bồi đắp thêm nhân tính. Khi được hỏi điều gì góp phần làm nên thành công vĩ đại trong sự nghiệp, nhà văn Nga L.Tolstoy trả lời một phần là nhờ vào sự giáo dục của gia đình thời thơ ấu. Ông không bao giờ quên cha ông-một vị quý tộc-bắt đứa trẻ L.Tolstoy 5 tuổi khi cho tiền người ăn xin cũng phải đưa bằng hai tay và nhìn vào mắt họ. Trong nhiều tác phẩm luân lý của mình, nhà văn luôn kêu gọi người lớn phải làm gương cho trẻ em biết chia sẻ, giúp đỡ, cưu mang người khác, phải biết nhìn đời bằng con mắt tình người để thấu hiểu mà thấu cảm giúp đời!

Từ chuyện xưa, ngẫm chuyện nay. Khi cán bộ nào đó còn sa đà vào lối sống, sinh hoạt phô trương, lãng phí, xa hoa trong điều kiện đất nước chưa hết khó khăn và nhiều người dân còn gặp bao vất vả, thiếu thốn, đó không chỉ là thái độ bàng quan, vô cảm trước cộng đồng mà còn là biểu hiện của lối sống trọc phú, tự làm ô uế đạo đức, tư cách, thanh danh của chính mình.

NGUYÊN THANH

Lượt xem: 75
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết