• :
  • :

Trách nhiệm và đạo lý

Những ngày này, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) - ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam.

Cách đây 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, các cơ quan chức năng đã nhất trí chọn ngày 27-7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư, ngày 27-7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh-Liệt sĩ” của cả nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Người thường căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.

Nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ diễn ra khắp cả nước trong tháng 7. Ảnh: hanoimoi.com.vn

75 năm, thực hiện lời căn dặn của Người, tiếp nối, phát huy truyền thống đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công với cách mạng được ban hành; công tác thương binh, liệt sĩ, công tác đền ơn đáp nghĩa đạt kết quả tích cực. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện toàn diện, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tích cực huy động nhiều nguồn lực tham gia Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đến nay, nước ta có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi.  

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách người có công với cách mạng ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, sâu rộng. Việc chỉ đạo xác lập hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng, nhất là hồ sơ thương binh, liệt sĩ diện tồn đọng ở một số nơi thực hiện chưa chặt chẽ; tiến độ còn chậm.

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình "đền ơn đáp nghĩa". Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư về "Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng" chỉ rõ: “Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công với cách mạng và Phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa".

Thực hiện chủ trương của Đảng, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác chính sách, chăm lo người có công với cách mạng và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng. Kịp thời tôn vinh, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến có nhiều thành tích đóng góp trong Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, được nhân dân tin yêu, đùm bọc và nuôi dưỡng. Với tình nghĩa quân dân bền chặt, toàn quân luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thương binh, liệt sĩ, công tác chính sách đối với người có công với cách mạng. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và hậu phương quân đội; đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chính sách, Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2012 đến nay, toàn quân vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động các nguồn đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được gần 498 tỷ đồng; phụng dưỡng 2.879 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trao hơn 5.600 sổ tiết kiệm tặng đối tượng chính sách, thăm hỏi, tặng quà đối với hàng vạn đối tượng chính sách nhân các ngày lễ, tết; xây tặng hơn 6.800 nhà tình nghĩa... Những việc làm đó vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý, góp phần làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tổ chức tốt hoạt động tri ân, quan tâm chăm lo người có công với cách mạng có ý nghĩa quan trọng để tiếp nối, tô thắm truyền thống của dân tộc; thể hiện tình cảm, nghĩa tri ân sâu sắc, sự biết ơn của Đảng, Nhà nước, quân đội và toàn dân ta đối với những người con sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

QĐND

Tags: qdnd
Lượt xem: 66
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết