• :
  • :

Trầm lắng "Người lính ít lời"

“Người lính ít lời” là tập thơ và tạp văn mới nhất của Đại tá, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Hà, dày 328 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đây là tác phẩm thứ 10 của tác giả ra mắt bạn đọc, đánh dấu ngót nửa thế kỷ cầm bút.

Nhà thơ Nguyễn Hồng Hà, họ và tên khai sinh là Nguyễn Hữu Hà, sinh năm 1947, quê quán: Xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Hồng Hà được độc giả thơ biết đến từ năm 1971 trên Tuần báo Văn nghệ, trong mục “Giới thiệu một chùm thơ chiến sĩ”. Tiếp đó, anh liên tục được nhận giải thưởng thơ ở Báo Văn nghệ (năm 1975); Báo Nhân Dân (năm 1979); Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh (năm 1984); Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1986) và Báo Giáo dục và Thời đại (năm 1998).

Bìa sách "Người lính ít lời". Ảnh: vunhonb.blogspot.com

Cuốn sách “Người lính ít lời” được chia làm 3 phần. Phần thứ nhất là tuyển thơ chọn lọc Nguyễn Hồng Hà, gồm 60 bài thơ được sáng tác từ năm 1971 đến 2015, trong đó có những bài đã trở nên quen thuộc với người yêu thơ như các bài: “Chúng tôi đi bốc mộ ở Trường Sơn” (năm 1977), “Khấn động thổ” (năm 1995); “Thương nhớ” (năm 1997); “Chú Lục tâm thần” (năm 1975)...

Phần thứ hai là nhật ký chiến tranh, được viết chi tiết với nhiều cảm xúc mãnh liệt, song hành với những chiến công của quân và dân ta. Dù sau hơn 40 năm mới được công bố nhưng những trang nhật ký vẫn giữ nguyên giá trị hiện thực lịch sử. Ở phần thứ ba của cuốn sách, tác giả lưu lại những tình cảm tốt đẹp mà bạn bè và đồng nghiệp dành tặng cho các tác phẩm văn chương của mình.

Nhập ngũ năm 1966, Nguyễn Hồng Hà là chiến sĩ trước khi trở thành thi sĩ. Anh trực tiếp chiến đấu ở các chiến trường: Khe Sanh năm 1968, Đường 9-Nam Lào năm 1971, Quảng Trị năm 1972 và kinh qua nhiều cương vị trong các cơ quan, đơn vị của quân đội. Từ năm 1981, anh công tác tại Báo Quân đội nhân dân và nghỉ hưu với quân hàm đại tá (năm 2008).

Nặng lòng với đề tài chiến tranh và người lính nên thơ Nguyễn Hồng Hà là thơ trận mạc, nặng tình đồng chí, đồng đội. Anh gặt hái được nhiều thành công ở mảng thơ hậu chiến, bởi dù viết về thời hậu chiến nhưng vẫn làm lay động biết bao trái tim của người yêu thơ. Thơ Nguyễn Hồng Hà dung dị mà ý tưởng đẹp, là thơ của một “Người lính ít lời” nhưng giàu lòng trắc ẩn.

Chính từ vẻ đẹp của sự từng trải trong suốt cuộc đời quân ngũ cùng với những cố gắng tìm tòi, sáng tạo của riêng mình, nhà thơ Nguyễn Hồng Hà đã có những bài thơ, câu thơ mà đọc rồi không sao quên được: “Hành trang mang đến cho nhau/ Chiếc ba lô với dăm câu thơ buồn” (Từ em tới anh). Nó tựa như những vỉa đá trầm tích còn lắng đọng mãi với thời gian và trong tâm trí bạn đọc, nhất là độc giả đã đi qua chiến tranh.

LÊ AN KHÁNH

Tags: qdnd
Lượt xem: 126
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết