• :
  • :

“Kích hoạt” lại những giá trị truyền thống của gia đình

Trước những biến đổi của đời sống xã hội, gia đình Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại. Trong quá trình ấy, không tránh khỏi những va vấp cần điều chỉnh. Giáo dục và truyền thống trở thành nhân tố quan trọng giúp các gia đình đứng vững và phát triển.

Gia đình Việt đứng trước nhiều thách thức

Điểm du lịch cộng đồng hồ Cấm Sơn (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) những ngày tháng 6 thu hút du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên mát lành. Nhiều du khách tới đây còn tò mò về nơi mang đến nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác nên bài hát “Hồ trên núi”.

Không chỉ vậy, điều khiến nhiều du khách thích thú là được nghe một nhân chứng đặc biệt kể về lịch sử chống Mỹ, cứu nước của nhân dân vùng đất này. Đó là ông Giáp Trọng Kiên, người từng là xã đội trưởng chỉ huy bắt giặc Mỹ rồi lấy xe bò chở giặc đưa về trụ sở xã. Ông Giáp Trọng Kiên năm nay đã 93 tuổi, là người già nhất khu vực hồ.

Về lịch sử vùng đất, ông hào hứng kể: “Gia đình tôi đã nhiều đời ở đây. Trước khi trở thành đập thủy lợi với lòng hồ rộng lớn, nơi đây hoang vu, là chỗ sinh sống của hổ, hươu, nai, cày, cáo... Những năm 60 của thế kỷ trước, nhờ du kích xã bắt được 7 tên giặc mà xã được phong anh hùng”. Những câu chuyện kể cho khách cũng chính là điều ông Giáp Trọng Kiên đã kể cho các con rồi các cháu nghe để cùng tự hào về truyền thống lịch sử của vùng đất, của gia đình.

Giờ đây, các con cháu của ông cũng như nhiều bà con quanh khu vực lòng hồ lại theo gương cha anh, quây quần, bảo ban nhau cùng làm du lịch cộng đồng, trồng cây gây rừng, bảo vệ nguồn nước sạch. Giá trị truyền thống gia đình, lịch sử vùng đất đã trở thành “tài sản vô giá” kết nối họ với nhau, tạo nên sức mạnh đoàn kết để cùng nhau gây dựng và phát triển kinh tế. 

Biểu diễn nghệ thuật dân tộc tại Điểm du lịch cộng đồng hồ Cấm Sơn.

Tiếc là bên cạnh những gia đình như gia đình ông Giáp Trọng Kiên, một bộ phận gia đình Việt Nam lại đang gặp khó khăn với việc duy trì, thực hiện các chức năng cơ bản, nhất là chức năng giáo dục, bồi đắp nhân cách, văn hóa ứng xử cho các thành viên gia đình. Các gia đình cha mẹ không làm gương, không chú trọng giáo dục con cái đang tạo ra những yếu tố tiêu cực tác động ngược trở lại đến các gia đình Việt như xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội...

Những yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng và duy trì hạnh phúc gia đình. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam năm 2009 là 1%, năm 2019 tăng gần gấp đôi, lên 1,8%. Bên cạnh đó, bạo lực gia đình cũng diễn biến phức tạp. Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2009-2021, tổng số vụ bạo lực gia đình trên cả nước là 324.641 vụ.

Trong giai đoạn này, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm. Theo đó, năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 19.274 vụ trong năm 2015 và 4.967 vụ trong năm 2021. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành tòa án, từ ngày 1-7-2008 đến 31-7-2018 tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 1.384.660 vụ án ly hôn, trong đó 1.060.767 vụ có nguyên nhân từ bạo lực gia đình hoặc liên quan đến bạo lực gia đình (chiếm 76,6%).

Gia đình gắn kết với cộng đồng

Quay lại câu chuyện gia đình ông Giáp Trọng Kiên để thấy rằng, việc đoàn kết cùng làm du lịch ở đây không phải chỉ ngày một ngày hai. Nhiều năm qua, vợ chồng ông đã luôn chú trọng dạy dỗ con cháu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, dạy họ gắn kết với quê hương, làng bản. Bản thân ông cũng luôn là tấm gương được con cháu tin yêu, cộng đồng kính phục. Con trai ông, Giáp Hồng Đăng, là Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, giờ đây vẫn theo gương cha chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc và giúp đỡ nhân dân quanh vùng cùng nhau phát triển kinh tế.

Duy trì giá trị gia đình bằng giáo dục truyền thống, cha mẹ nêu gương là biện pháp đúng đắn, được triển khai thực tế thành công ở nhiều gia đình. Các chuyên gia xã hội học cũng cho rằng, đây là giải pháp giúp giải quyết tận gốc nhiều vấn đề liên quan đến gia đình Việt Nam hiện nay, “kích hoạt” lại chức năng cũng như giá trị của gia đình.

Theo bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): “Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, gia đình luôn giữ vững được vai trò hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách cho con người Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh nào, gia đình Việt Nam vẫn duy trì được sự gắn kết với các thành viên dựa trên nền tảng tình cảm, sự thủy chung, đức hy sinh và tinh thần trách nhiệm. Các thành viên cùng giữ gìn và chia sẻ các giá trị tốt đẹp về tình yêu thương, sự hiếu thuận, hòa hợp, tôn trọng, cần cù, sáng tạo. Gia đình Việt Nam còn là nơi lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa, nhân văn, tri thức quý báu của dân tộc. Chính vì vậy, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trước hết phải bắt đầu từ quá trình giáo dục trong gia đình, đặc biệt là văn hóa ứng xử giữa các thành viên gia đình”.

Bài và ảnh: NGỌC THẢO

Tags: qdnd
Lượt xem: 138
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết