• :
  • :

Theo dấu chân Bác đi tìm hình của nước

Khi tôi còn nhỏ, cha vẫn thường đọc thơ cho tôi nghe, nhất là vào những đêm vắng. Trong ký ức của một đứa trẻ, tôi không thể nhớ đầy đủ về những câu thơ ấy cũng như nội dung chính của nó, chỉ ẩn hiện trong những giấc mơ của tôi hình bóng Bác Hồ, nhất là bài “Người đi tìm hình của nước”.

Đó là bài thơ với những đoạn thơ và câu thơ đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, giúp tôi lớn lên và được làm người: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”; “Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê/ Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ”; “Lòng ta thành con rối/ Cho cuộc đời giật dây”... Đó là những câu thơ mà tôi tin có một sức sống mãnh liệt của riêng nó, dẫu ta có tách khỏi chỉnh thể bài thơ.

Lớn lên, đọc tập thơ “Ánh sáng và phù sa” của nhà thơ Chế Lan Viên xuất bản năm 1960, tôi mới có được nhận thức đầy đủ về thi phẩm đặc biệt này. Có thể nói, trong kho tàng thơ ca Việt Nam viết về lãnh tụ nói chung và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, tác phẩm “Người đi tìm hình của nước” là một bài thơ vượt ra khỏi mọi thử thách khắc nghiệt của thời gian. Tính triết lý, ẩn dụ-thế mạnh truyền thống của thơ Chế Lan Viên được kết hợp nhuần nhuyễn với cảm xúc trữ tình, giọng điệu tâm tình sâu lắng.

Bài thơ viết về Bác Hồ nhưng tính chất ngợi ca, tôn xưng, sử thi, huyền thoại hóa không hề chiếm ưu thế như những thi phẩm khác cùng thời, cùng chủ đề, thay vào đó, Chế Lan Viên nhập vai, hóa thân vào những xúc cảm đời thường, giản dị của người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành trên hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Cảm xúc chân thành, giản dị, hình tượng thơ sâu sắc nhưng không tráng lệ, nhịp thơ vừa phải, những liên hệ với đời sống riêng của cái tôi trữ tình... tất cả những điểm mạnh đó khiến "Người đi tìm hình của nước" xứng đáng là một trong những thi phẩm hay nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Đất nước đẹp vô cùng/ Nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”; “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới chân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng màu xanh xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”; “Có nhớ chăng, hỡi gió rét thành Ba Lê/ Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa đông băng giá”...

Bức tranh "Người đi tìm hình của nước" của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng. 

Một bài thơ chỉ độ 20 khổ, với xấp xỉ 80 dòng, chủ yếu là thơ 8 chữ tự do, có một vài câu kéo dài hay thu ngắn bất thường, nhưng gần như chuyển tải toàn bộ quá trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, kể từ thời điểm lịch sử ngày 5-6-1911, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng trên con tàu Amiral Latouche-Tréville. "Người đi tìm hình của nước" có giá trị đặc biệt bởi khả năng di chuyển điểm nhìn tự nhiên, giữa điểm nhìn của nhân vật trữ tình của bài thơ với điểm nhìn của Nguyễn Tất Thành. Cảm xúc, do đó, chân thành và sâu sắc vì nó là cảm xúc của nhân vật trữ tình đại diện cho nhà thơ Chế Lan Viên, nhưng nhiều chỗ bạn đọc cũng hiểu được cảm xúc, ý nghĩa khi Bác ra đi tìm đường cứu nước.

Sự phân vai, phân thân này trong thi phẩm “Người đi tìm hình của nước” có thể nói là thủ pháp đặc biệt nhất, tạo ra sự độc đáo, giá trị bền vững cho bài thơ. Bởi vì, nó vừa kết hợp điểm nhìn bên trong với bên ngoài, khách quan với chủ quan, giúp nhà thơ bộc lộ cảm xúc chân thành, nhưng cũng tái hiện quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.

Di sản thơ Chế Lan Viên sau giai đoạn Thơ mới thật đồ sộ, phức tạp và không dễ minh định giá trị rõ ràng. Song tôi tin, ở hành trình thơ này, nếu chỉ chọn dăm bài để tuyển vào các công trình lịch sử văn học, hay trong bản tường trình ký ức của bạn đọc, thì sẽ luôn có chỗ cho bài thơ “Người đi tìm hình của nước”.

TS PHAN TUẤN ANH

 

Tags: qdnd
Lượt xem: 146
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết