• :
  • :

Ngăn chặn, xử lý hành vi bói toán, mê tín dị đoan

Dịp cuối tuần, gia đình chị Vân tổ chức chuyến vãn cảnh đền. Đây là một di tích nổi tiếng nên người người nô nức kéo về. Hàng quán ven đường mọc lên san sát, tiếng mời chào xôn xao. Đoàn gia đình chị Vân xuống xe, tản ra mỗi người một chỗ.

Khi vào sân đền, mọi người mới bấm điện thoại gọi nhau tập hợp. Riêng chị Vân phải một lúc sau mới hớt hải chạy tới. Lễ xong, cả đoàn trở ra xe tham quan địa điểm khác. Trên xe, mọi người nói cười rôm rả, chỉ có chị Vân ngồi lặng thinh. Thấy vậy, người bác của chị liền hỏi: “Cháu gái sao mà mặt mày ủ rũ thế?”. Chị Vân liền trình bày: “Dạ, lúc nãy cháu vừa đến đầu đường thì có một chị gọi giật lại, cứ ngỡ người quen nhưng không phải. Họ khẩn thiết mời qua uống nước có việc quan trọng. Cháu chưa hiểu sự tình gì thì chị ta đã kéo đến trước mặt một ông mặc áo nâu dáng vẻ như thầy xem tướng số. Thế rồi ông ngắm nghía mặt mũi, cầm nắn bàn tay phán đoán tài lộc, số mệnh”.

Minh họa: Báo Pháp luật Việt Nam 

Nghe vậy, bác tôi nói ngay: “Trông mặt cháu thế kia kiểu gì chả bảo phúc hậu, may mắn, sung sướng về sau. Còn vận hạn kiêng kỵ tránh mất của tháng này, tai nạn tháng nọ”. Chị thành thực: “Vâng ạ, thầy nói cũng đại khái như vậy. À, thầy bảo chỉ xem làm phúc thôi, bồi dưỡng bao nhiêu thì tùy. Còn vận hạn thì cầm lấy mảnh vải đỏ với tờ giấy này về để lên ban thờ đến tuần, rằm làm lễ cho mọi sự nhẹ đi. Cháu nghĩ thế là xong, ai ngờ khi bước ra thì cái chị dẫn vào lúc nãy bảo xin 1 triệu đồng tiền mảnh vải đỏ. Cháu phàn nàn đắt quá thì cô ta bảo đây là vải tài lộc, giải trừ vận hạn vô giá. Cháu đã trót cầm rồi đành ngậm ngùi trả tiền họ”.

Nghe kể vậy, cả đoàn mới biết chị Vân bị lừa. Vốn là cán bộ văn hóa công tác trên huyện, bác tôi hiểu rất rõ quy định xử phạt các hành vi trong lĩnh vực văn hóa, tổ chức lễ hội. Thấy cháu gái còn lơ mơ, bác giải thích: “Nếu mình thấy có sai phạm thì phải báo để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Đây này, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, tại khoản 2 Điều 15 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi nêu trên. Tiếp đó, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo tại điểm đ, khoản 7, Điều 14 có quy định phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín, dị đoan. Ngoài ra, hành vi hoạt động mê tín, dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hình phạt đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với trường hợp dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Nghe bác thông tin, chị Vân mới phân trần: “Giá như lúc đó cháu tỉnh táo báo cho bác biết thì chuyện sẽ ổn hơn”. “Đúng rồi cháu. Đây là số điện thoại của ban quản lý di tích lễ hội, bác sẽ phản ánh lại để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không làm ảnh hưởng đến di tích, giúp du khách đến đây yên tâm vãn cảnh, lễ đền, không còn bị lừa bởi những hoạt động bói toán, mê tín phản cảm”.  

ĐỨC NAM

Tags: qdnd
Lượt xem: 91
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết