• :
  • :

Vâng lời Bác, sống chí nghĩa vẹn tình

Thăm “Vườn hoa ơn Bác” tại làng Mỹ Lương, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), mọi người thầm cảm ơn gia đình ông Trần Minh Tâm (thường gọi Sáu Tâm) đã xây dựng công trình ý nghĩa này giữa miền quê ven biển.

Từ trảng cát trắng, ông bà Sáu Tâm đầu tư xây dựng “Vườn hoa ơn Bác” quy mô hơn 4.000m2. Sau 5 tháng xây dựng, công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu. 

Sau khi hoàn thành công trình, ông bà Sáu Tâm mời các hội của phường cùng tham gia tổ chức, quản lý các dịch vụ phục vụ cộng đồng. Nơi đây có nhà sinh hoạt giải trí dành cho người cao tuổi; có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng với các phòng khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi và bà con gặp hoàn cảnh khó khăn. Kế đó là khu vui chơi giải trí (cờ tướng, hát karaoke, xem phim tự chọn có máy chiếu màn hình rộng) và khu vực ăn sáng, uống cà phê miễn phí... Ông bà Sáu Tâm còn trang bị hai xe điện đưa đón người cao tuổi đi tham quan miễn phí.

Ông Sáu Tâm (ngoài cùng, bên trái) gặp gỡ cựu chiến binh, người cao tuổi đến khám bệnh tại “Vườn hoa ơn Bác”

Đặc biệt, trong “Vườn hoa ơn Bác” còn có một thư viện khá phong phú về đầu sách và thể loại, với nhiều loại sách khoa học xã hội nhân văn, văn học nghệ thuật, pháp luật, lịch sử truyền thống kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc và quê hương Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Khu vực trung tâm của vườn hoa có các cụm tượng và mô hình, gắn với lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một...”. Đặc biệt, 4 câu thơ Bác viết trong những năm ở nhà tù Tưởng Giới Thạch được khắc bên cạnh hình ảnh cối giã gạo, tạo được ấn tượng đặc biệt với người xem: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời, người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công.

Phía trước cổng vào có tượng đá 3 thiếu nữ Bắc-Trung-Nam, vừa thể hiện sự thống nhất đất nước; vừa tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam. Bên khối đá san hô 12 tấn được chuyển về từ Trường Sa, là hồ sen Đồng Tháp khiến mọi người nhớ đến câu thơ: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Trong “Vườn hoa ơn Bác” còn có một xe hơi loại 4 chỗ đa năng. Bình thường, xe dùng để tưới cây dọc đường đi và chở nước ngọt cho người dân. Khi có dịch bệnh thì xe đi phun thuốc khử khuẩn, gặp tình huống hỏa hoạn thì chữa cháy. Anh chị Sáu Tâm còn mua một ca nô cao tốc 850 mã lực và 3 chiếc mô tô chạy được dưới nước phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Ngày thường những phương tiện này giúp các cựu chiến binh dùng làm phương tiện đánh bắt hải sản gần bờ, cải thiện đời sống.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lam (vợ ông Sáu Tâm), chia sẻ: “Nơi đây là quê hương của tôi. Tôi gắn bó suốt một thời tuổi trẻ, có nhiều kỷ niệm sâu sắc với bà con nghèo khó, vất vả vùng ven biển này. Bởi vậy để tri ân quê hương và giúp đỡ người cao tuổi trong xã, chúng tôi quyết định dành hơn 6 tỷ đồng thực hiện phần việc ý nghĩa này”.

Đến với “Vườn hoa ơn Bác”, có lẽ nhiều người sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của cái tên do ông bà Sáu Tâm chủ ý đặt. Thực ra, cái tên ấy có ngọn nguồn từ câu chuyện cách đây 53 năm. Tháng 3-1969, dũng sĩ Trần Minh Tâm mới 15 tuổi, cùng anh hùng Núp và một số đồng chí được ra Hà Nội thăm Bác Hồ. “Hôm ấy, chúng tôi xúc động khi thấy Bác yếu nhiều mà vẫn quan tâm đến đoàn anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Bác thăm hỏi chúng tôi như người ông, người cha chăm lo đến con cháu nơi xa về.

Bác dặn: “Các chú phải lo học tập. Có học mới biết, mới làm được cán bộ, mới phục vụ được cách mạng, phục vụ nhân dân tốt hơn”. Vâng lời Bác, sau này ông Tâm đã tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Hơn 20 năm làm Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Giáo dục nhân đạo thuộc Hội Khuyến học Việt Nam, ông Sáu Tâm đã góp phần xây dựng xã hội giáo dục, khuyến học, khuyến tài.

Sinh ra trên quê hương Bến Tre, Trần Minh Tâm sớm được giác ngộ cách mạng. Trước ngày TP Hồ Chí Minh giải phóng, ông là cán bộ cụm tình báo chiến lược H67, sau này làm cán bộ chỉ huy Trung đoàn 271 và trong Ban giám đốc Công ty Miền Đông (Quân khu 7). Ngoài 70 tuổi, ông còn khỏe, đang đảm nhiệm cương vị Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC.

Giữa tháng 5 này, nhân ngày Trọng lão Việt Nam, chúng tôi được thấy gần 100 người cao tuổi trong xã đến thăm “Vườn hoa ơn Bác” và được các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Ninh Hòa khám, tư vấn sức khỏe miễn phí. Theo đồng chí Tống Lâm, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ninh Thủy thì công trình “Vườn hoa ơn Bác” của gia đình ông Sáu Tâm có ý nghĩa thiêng liêng và thiết thực với quê hương, nhất là với các cựu chiến binh và người cao tuổi.

Hai năm vừa qua, khi đồng hành với ông bà Sáu Tâm phòng, chống dịch Covid-19 ở vùng biên giới Tây Ninh, chúng tôi biết ông bà đã chi hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ các đồn biên phòng củng cố doanh trại và góp quỹ khuyến học, tặng trang thiết bị bảo hộ, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn... giúp bà con vùng biên giới.

Năm trước, ông Sáu Tâm quyết định dành một phần quán cà phê (số 13/5 Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) làm nơi sinh hoạt văn hóa-báo chí, giáo dục truyền thống cách mạng. Từ đó đến nay, nhiều cán bộ, phóng viên đến đây giao lưu, trao đổi, hoạt động nghiệp vụ và được phục vụ cà phê miễn phí.

Nhân kỷ niệm 47 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, cuối tháng 4-2022, ông Trần Minh Tâm thay mặt Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC trao một căn nhà tình nghĩa tặng con em Đội du kích xã Nhuận Đức (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Ông bảo: “Đó là chút quà ghi ơn du kích Củ Chi năm xưa dẫn đường cho bộ đội ta vào giải phóng Sài Gòn”.

Kinh phí làm từ thiện của ông bà Sáu Tâm đều trích từ nguồn thu từ đồng tôm ven biển Cần Giờ và các hoạt động kinh tế khác của các con cháu góp sức. Và đặc biệt, hầu hết những người chăm nuôi, bảo vệ đồng tôm của gia đình ông Sáu Tâm đều là các cựu chiến binh.

Bài và ảnh: ĐÀO VĂN SỬ

Tags: qdnd
Lượt xem: 176
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết