• :
  • :

Âm hưởng Điện Biên còn vang mãi

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi năm đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, những âm vang Điện Biên lại ngân lên trong lòng người Hà Nội cũng như khắp đất nước Việt Nam ta. Dường như, âm hưởng chiến thắng ấy vẫn còn đây, để chúng ta luôn nhắc nhở mình sống sao cho xứng đáng với công sức, trí tuệ, bản lĩnh mà những thế hệ đi trước đã tạo dựng.

Khúc khải hoàn miền Tây Bắc

Mỗi tháng 5 về, cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”, mốc son chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Thời gian có thể qua đi, nhưng âm hưởng về Điện Biên vẫn còn sống mãi trong ký ức người Việt qua những bài ca cổ vũ bước chân người chiến sĩ để làm nên cột mốc quan trọng: Giải phóng Điện Biên.

Âm hưởng Điện Biên còn vang mãi

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" tung bay trên nóc hầm De Castres, đánh dấu thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Về bài hát “Hò kéo pháo”, nhạc sĩ Hoàng Vân tâm sự: "Nó là những giây phút đẹp nhất, xúc động nhất trước thiên anh hùng ca bất tử của chiến thắng Điện Biên Phủ, mà không dễ gì có được trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của tôi...". Bài hát mang khí thế của những dòng người tập trung hết sức lực và tình cảm kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn từ thung lũng lên đỉnh đồi để chiến đấu. Bởi vậy, bài hát này đã góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh để làm nên những chiến thắng ngày ấy.

Vào thời điểm quân ta đang chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, thì ông được cử đi quan sát chiến trường để sau đó đưa "gánh hát" tới phục vụ các đơn vị tham gia chiến đấu.

Một hôm, Hoàng Vân được tận mắt nhìn thấy cảnh tượng hào hùng của các chiến sĩ pháo binh gò lưng kéo pháo vượt dốc núi cao hàng nghìn mét. Hàng trăm con người lưng cúi rạp, chân xoạc, tay bám vai ghì cùng hỗ trợ dây tời kéo khẩu trọng pháo nhích dần, nhích dần từng tấc một ngược lên đỉnh dốc theo một nhịp thống nhất: "Hò dô ta... nào! Hai... ba nào!".

Giờ nghỉ, các chiến sĩ còn kể cho Hoàng Vân nghe biết bao tấm gương dũng cảm hy sinh của pháo thủ trong khi làm nhiệm vụ: pháo thủ Mận bị pháo đè lên chân vẫn một mực kiên trung, chiến sĩ Nguyễn Văn Chức quên mình ôm chèn lao vào giữ pháo, anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo… đã khiến nhạc sĩ xúc động mạnh mẽ.

Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao

Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao

Ông đã thức thâu đêm để viết cho xong bài hát này. Sau này, mặc dù nhạc sĩ Hoàng Vân đã có thêm nhiều kiến thức âm nhạc đủ sức sáng tác đại hợp xướng “Bài ca Điện Biên Phủ”, nhưng ca khúc “Hò kéo pháo” vẫn là ca khúc đi vào lòng người sâu đậm nhất, góp phần tái hiện lại không khí chiến đấu hăng say quên mình của bộ đội và Nhân dân ta những tháng ngày hào hùng, gian khổ ấy.

“Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận từ lâu đã trở thành “tượng đài Điện Biên bằng âm nhạc”, một bản hùng ca bất hủ rộn ràng trong tâm hồn mỗi người Việt, khơi dậy trong lòng người những tình cảm xúc động, bồi hồi, như đang được tham gia vào đoàn quân thắng trận trở về năm ấy, cho dù người đó đã đi qua những giờ phút sinh tử của cuộc chiến “56 ngày đêm mưa dầm cơm vắt” hay đang sống trong những năm tháng thanh bình, no ấm.

Mùa xuân 1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đoàn lên Tây Bắc tham gia "Chiến dịch Trần Đình" (mật danh của chiến dịch Biện Biên Phủ).

Cuộc chiến kéo dài tới ngày thứ 50. Sáng hôm ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng anh chị em văn công đang san lấp hố bom dọc đường, gặp một cán bộ tuyên huấn mặt trận tìm đến. Với giọng nói đầy lạc quan, anh nói với nhạc sĩ Đỗ Nhuận như để mọi người cùng nghe: "Thắng đến nơi rồi. Đỗ Nhuận phải sáng tác một ca khúc mừng chiến thắng, kẻo không đuổi kịp cánh lính bộ binh xung kích đó...".

Ruộng bậc thang Tây Bắc

Ruộng bậc thang Tây Bắc

Đêm hôm ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận ôm cây đàn ghi-ta bập bùng tìm giai điệu, tiết tấu và ca từ và rồi bỗng nhiên anh nẩy ra ca từ: "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui...". Từ ấy hình ảnh và cảnh quan Tây Bắc cứ như một cuốn phim hiện lên trong ca từ của Đỗ Nhuận: "Bản mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đoàn em bé giữa đồng nắm tay xoè hoa”.

Bài hát được nhạc sĩ Đỗ Nhuận vận dụng một cách sáng tạo âm hưởng, làn điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo của Đồng bằng Bắc bộ với những tiếng kèn thắng trận hùng tráng, nhịp chân múa xòe hoa xen lẫn với bước quân hành. Bài hát đã trở thành nhạc hiệu chương trình Thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam suốt những năm qua.

Những con đường gợi nhớ Điện Biên Phủ

Cùng với những địa danh nổi tiếng như Ba Đình, Yên Thế… Hà Nội cũng có con đường mang tên Điện Biên Phủ để gợi nhớ về chiến trường làm nên tên tuổi Việt Nam trên bản đồ thế giới. Chạy ngang Cột cờ Hà Nội, nối đến đường Hoàng Diệu nơi có căn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở 60 năm cho đến tận khi đi xa, quanh Điện Biên Phủ luôn có một không gian quy tụ khiến chúng ta luôn nhớ về chiến tích của cha ông mình.

9 năm nay, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, trong niềm vui lại pha chút nghẹn ngào. Vị tướng huyền thoại, linh hồn của chiến công đó đã ra đi. Vì thế, những ngày này, ai đi qua đây đều muốn cúi đầu, thắp nên nén tâm nhang tưởng nhớ Đại tướng.

Đường Hoàng Diệu

Đường Hoàng Diệu

Con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trải dài 10,5km, chiều rộng 70-100m. Khi có việc đi về phía Bắc thành phố, hầu hết mọi người đều muốn đi trên con đường này. Vừa là để tưởng nhớ đến vị đại tướng huyền thoại, cũng vừa để chiêm ngưỡng thêm một tuyến đường thông thoáng, hiện đại vào bậc nhất của Thủ đô.

Đi trên con đường thênh thang như thế, ta mới thấy hết được việc chọn con đường này mang tên Đại tướng là hết sức đắc địa. Nó phản ánh hết tầm vóc, công lao của Đại tướng với dân tộc ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tuổi đến trường, sớm thấm nhuần lòng yêu nước, Võ Giáp hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, rồi ra Hà Nội học trường Albert Sarraut, sau đó nhận bằng cử nhân Luật.

Tháng 9/1935, khóa học đầu tiên của trường Tư thục Thăng Long khai giảng. Võ Nguyên Giáp đứng trên bục giảng dạy các môn Pháp văn, lịch sử, địa lý từ lớp đệ nhất niên cho đến đệ tứ niên. Ở bậc tú tài, Võ Nguyên Giáp dạy môn lịch sử. Mỗi giờ đứng lớp của thầy giáo Võ Nguyên Giáp đều có sức truyền cảm rất lớn, đã thắp lên ngọn lửa yêu nước trong lòng mỗi học sinh. Nếu như không có chiến tranh, chắc chắn ông sẽ là một nhà giáo như ông đã từng nói.

Song, dù đi theo binh nghiệp, làm nên sự nghiệp lừng lẫy, ghi tên tuổi mình vào lịch sử của đất nước và thế giới, dù nhiều năm lăn lộn chiến trường rồi sống ở Hà Nội nhưng cuối đời ông vẫn chỉ muốn nằm lại với quê nhà. Vì thế, ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, thể theo ý nguyện của Người và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng Đại tướng sẽ được tổ chức tại quê hương.

Vietnam Airlines đã sử dụng máy bay ATR72 để chở thi hài của Đại tướng và máy bay Airbus 321 để chở thân quyến cùng Ban tang lễ về quê (sân bay Đồng Hới, Quảng Bình) vào ngày 13/10/2013. Từ ý nghĩa tuổi thọ của Đại tướng, chuyến bay ATR 72 mang số hiệu là VN103 còn chuyến bay A321 phục vụ tang lễ mang số hiệu là VN1911.

Đoạn cuối của con đường Võ Nguyên Giáp chính là sân bay Nội Bài. Nhà ga quốc tế này đã từng đón đưa không biết bao nhiêu lượt khách. Người đến người đi đều vội vã, nhiều tâm trạng song chắc hẳn khi đến đây, nhiều người đều nhớ đến nơi này từng có một chuyến bay đặc biệt, đó là chuyến bay chở đại tướng về quê mẹ.

Đây cũng là cửa ngõ đón các đoàn khách quốc tế đến với Hà Nội nên càng trở thành niềm tự hào của người Hà Nội muốn giới thiệu đến bạn bè của mình. Bởi không chỉ là thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà văn hóa uyên bác. Ông là một đại diện xuất sắc cho con người Việt Nam, yêu chuộng hòa bình, nồng hậu mến khách, thấm đẫm văn hóa nhưng cũng vô cùng cứng rắn trước bất kì kẻ thù nào.

Lượt xem: 261
Tác giả: Hương Thu
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...