Trận đánh “huyền thoại” của K631 trên Đồi Không Tên
Nơi an nghỉ của những chiến sĩ Tiểu đoàn 631 thuộc Mặt trận Tây Nguyên nằm ở độ cao 1.000 mét trong lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (thuộc địa phận xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Ở đây, có những người nằm xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi.
Bia tưởng niệm chiến sĩ Tiểu đoàn 631 đã hy sinh
Lịch sử một vùng đất
Để lên tới nơi các anh an nghỉ, mặc dù được sự hỗ trợ của Ban Quản lý rừng, chúng tôi vẫn phải mất gần 8 tiếng đi bộ. Không khỏi bồi hồi xúc động khi chạm ngõ vùng đất linh thiêng, nơi oai hùng của một thời khói lửa. Nơi các anh nằm là một mảnh đất bằng phẳng trên đỉnh của một ngọn núi. Lên tới nơi, cả đoàn đều đi trong im lặng. Có những giọt nước mắt đã rơi khi nhìn những bia mộ và tuổi đời còn rất trẻ của các chiến sĩ.
Bụi thời gian phủ kín tấm bia tưởng niệm được đặt tại khoảnh đất bằng phẳng dưới tán rừng dày trên đỉnh núi được gọi là Đồi Không Tên. Trên mặt bia bằng đá granite có khắc mấy dòng chữ: “Tại đây, ngày 30-10-1969, Tiểu đoàn 631, Quân giải phóng Mặt trận Tây Nguyên đã tấn công, tiêu diệt một đại đội lính Mỹ. Đồng chí Phạm Viết Liêm - Đại đội phó C11-K631-B3, dũng sĩ diệt Mỹ, chiến sĩ thi đua mặt trận B3; quê ở xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cùng một số đồng đội khác đã anh dũng hy sinh và được an táng tại nơi này. Gia đình liệt sĩ Phạm Viết Liêm và các đồng đội lập bia tháng 4-2013”.
Nơi đây vẫn còn nhiều mảnh đạn, vỏ bom như một chứng tích của chiến tranh |
Vừa nhanh tay nhổ sạch rong rêu và vốc nước rửa lớp bụi bám trên bia tưởng niệm, anh Võ Anh Tuấn, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai-kể: “Năm đó, thấy một nhóm người lạ men theo con đường đất độc đạo lên đây, chúng tôi cứ nghĩ là lâm tặc cải trang. Đến khi hỏi chuyện mới biết, các bác ấy lên xây bia tưởng niệm cho đồng đội đã hy sinh ở đây nhưng chưa tìm được hài cốt. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ các điều kiện để việc xây dựng được diễn ra nhanh chóng. Từ đó đến nay, mỗi lần tuần tra qua đây, anh em cơ quan đều dọn vệ sinh, phát quang cây cối và nhang khói tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ”.
Cựu chiến binh Hà Huy Thuấn hiện đang sinh sống tại xã Ia Tô là người trực tiếp tham gia trận đánh ngày 30/10/1969 và gánh vật liệu xây bia cho đồng đội. Ông hồi tưởng: Khi đó, ông là bộ đội của Tiểu đoàn Đặc công 631 với 3 đại đội là C9, C11 và C12 được giao nhiệm vụ trinh sát để bên ta chuẩn bị đánh chiếm kho đạn tại Pleiku. Đơn vị trú ẩn ở Đồi Không Tên, còn phía dưới dãy núi thấp hơn có tên Grăng Thu ở gần đó là sân bay dã chiến của Mỹ. Sân bay này rất lớn, chiều dài đường băng đủ cho máy bay C130 cất, hạ cánh và có nhiều trực thăng lên xuống đêm ngày vận tải vũ khí, lương thực, lực lượng.
Sáng sớm 30/10/1969, có lẽ do bị lộ, 1 đại đội địch từ Grăng Thu ngược núi lên. Súng đạn nổ chát chúa, máy bay địch quần thảo trên đầu thả bom khiến mặt đất bị cày xới, cây cối ngã như đổ rạp. Hai bên quần nhau hơn 1 buổi thì địch rút lui. Đơn vị được lệnh rút quân về phía bên kia sông Pô Kô, còn quân địch lui xuống núi Grăng Thu. Trong trận đó, 1 đại đội địch bị tiêu diệt, bên ta cũng bị hy sinh.
Rừng đã phủ xanh mảnh đất một thời khói lửa |
“Các anh em đều được chôn cất tại Đồi Không Tên ngay trong hôm đó. Chúng tôi đã 8 lần lên tìm để cất bốc hài cốt mà tìm chưa ra vì địa hình thay đổi nhiều quá. Hố bom, hang đá và hầm hào trú ẩn còn nhưng nơi các anh nằm lại thì không thể xác định chính xác. Riêng bia tưởng niệm thì do đồng đội và con cái anh Liêm đóng góp. Anh em trong đơn vị biết tôi định cư ở gần trận địa cũ đã liên lạc, cùng lên khảo sát, vận động ủng hộ kinh phí xây bia. Hồi đó, để xây bia, chúng tôi mất 2 ngày tập kết vật liệu từ ngoài thị trấn Ia Kha vào chân núi gần xã Ia Grăng. Tiếp đó, phải thuê nhân công cõng lên đỉnh núi. Toàn thanh niên trai tráng cõng 4 ngày mới xong do đường khó đi, toàn dốc dựng đứng. Riêng tôi được giao phụ trách chính nên ăn ngủ trong núi cả 10 ngày. Vất vả là vậy nhưng xây xong bia cho đồng đội, chúng tôi thấy lòng thật thanh thản. Chúng tôi đã hẹn nhau sang năm sẽ lên tìm hài cốt 1 lần nữa bởi ai cũng nhớ nơi các anh được chôn cách vị trí đặt bia bây giờ chừng 30-50m. Không tìm được nơi đồng đội an nghỉ, chúng tôi chưa một ngày thôi day dứt”, ông Thuấn tâm sự.
Tái sinh
Đạn bom của chiến tranh đã không còn. Một màu xanh thăm thẳm của rừng đã hồi sinh. Rừng còn xanh thẳm với nhiều loại cây gỗ có thân cao 40-50m như một mũi tên chĩa vào trời xanh, nhất là tại đỉnh Đồi Không Tên. Ở khoảnh đất thưa tán cây to, cây lau, đót nở hoa trắng xóa. Ấn tượng nhất là rừng Grăng Thu thuộc tiểu khu 289. Đó là một bãi đất bằng phẳng khoảng vài trăm ha. Các loại cây chủ yếu ở rừng này là co ke, ngành ngạnh, dẻ… Vì là cây tái sinh nên mọc thưa và thân chưa lớn nhưng có chiều cao ngang nhau. Tầng thấp hơn là cỏ đuôi chồn. Dưới ánh nắng chói chang đầu mùa khô, lớp cỏ ánh màu vàng võ; khi gió thổi qua, chúng tạo thành lớp sóng gợi nhiều thích thú.
Từng nhiều năm tận thu lâm sản dưới tán rừng, ông Rơ Lan Luyn (làng Luh, xã Ia Grăng) khá rành rõ lối đi trong tiểu khu 287 và 289. Giải thích tên gọi Grăng Thu, ông Luyn bảo: “Đại ý theo cách hiểu của người Jrai thì Grăng Thu là bãi đất khô vào mùa nắng và ngập nước mùa mưa. Có điều là lâu nay mọi người hay đọc trại thành Trăng Thu hay Giăng Thu. Hồi còn nhỏ, tôi hay vào đấy săn thỏ, sóc, gà rừng. Sau này, chúng tôi vào Grăng Thu nhổ cây nhân trần về bán hoặc làm nơi tập kết lâm sản như ươi, đót. Chỗ đó bằng phẳng nên dựng lều ở lại tiện lắm”.
Rừng đã phủ xanh mảnh đất một thời khói lửa |
Nhá nhem tối, từ đỉnh Đồi Không Tên, chúng tôi xuống đến rừng Grăng Thu. Quyết định ở lại một đêm vì đã muộn mà đường khó đi, chúng tôi ghé vào khoảnh rừng cạnh suối Mai nơi cuối rừng. Ở đây có một nhóm cán bộ, công chức xã Ia Grăng xả stress sau một tuần làm việc. Cùng đi trong nhóm có ông Trần Vũ Hùng. Họ dựng lán, mắc võng ngủ dưới những tán cây cao lớn cạnh thác Mai. Ông Hùng chia sẻ: “Từ nhỏ, chúng tôi đã vào rừng chơi. Trong rừng, khí hậu mát mẻ, thoáng đãng, yên tĩnh lại được nghe chim muông hót vui tai. Mỗi năm, tôi có 3-4 lần vào rừng ở lại 1 hôm rồi mới về. Năm nay, do dịch COVID-19 nên đây là đợt thứ 2, nhớ rừng nên lập nhóm đi trải nghiệm cho vui”.
Giữa đại ngàn, ngắm trăng qua kẽ lá, lắng nghe tiếng nước suối ầm ào tràn ghềnh đá lao mình xuống hạ lưu, tiếng thú gọi nhau ăn đêm, mỗi người đều tự nhắc nhớ về huyền sử đất này.