• :
  • :

Tâm huyết với đề tài lịch sử

Thượng tá Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội là nhà văn “đa di năng”, thể loại nào cũng viết được và viết khá hay. Song theo tôi, cái định hình nên bản sắc nhà văn của anh nằm ở tiểu thuyết, cụ thể là tiểu thuyết lịch sử.

Từ năm 2015 đến nay, nhà văn Phùng Văn Khai đã chuyển hóa niềm ham mê lịch sử của mình thành một serie tác phẩm đồ sộ bao gồm: “Phùng Vương” (2015), “Ngô Vương” (2018), “Nam Đế Vạn Xuân” (2020), “Triệu Vương phục quốc” (2020), “Lý Đào Lang Vương” và “Lý Phật Tử định quốc” cùng ra mắt bạn đọc năm 2021. Trong đó, “Ngô Vương” giành giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam (2016-2019) như một bảo đảm cho sự lựa chọn đúng đắn của Phùng Văn Khai khi theo đuổi thể loại “khó nhằn” và đặc 

    Hai cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Phùng Văn Khai. Ảnh: MINH NGỌC 

Nhìn vào tên các tác phẩm, dễ nhận thấy Phùng Văn Khai đã lựa cho mình một hướng đi riêng trong dòng tiểu thuyết lịch sử. Anh viết về các nhân vật trước thời khắc vĩ đại năm 938, xưa nay vốn là “khoảng trắng” chưa được nhiều nhà văn để ý, khai thác như: Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Nam Đế... Ngoài ra, khác với các tiểu thuyết “Hư thực”, “Hồ đồ”, ở “lục đầu giang” tiểu thuyết lịch sử này, Phùng Văn Khai đã có cú “lội ngược dòng” trên phương diện thi pháp thể loại. Việc trở lại với một trong những hình thức “nguyên thủy” của tiểu thuyết chương hồi là hướng tiếp cận khá thú vị và đầy bất ngờ của Phùng Văn Khai. Tiểu thuyết chương hồi với đặc trưng cơ bản là diễn tiến cốt truyện tuân theo thời gian tuyến tính, có đề mục “hé lộ” nội dung từng chương giúp bạn đọc tiếp thu tác phẩm dễ dàng hơn trong bối cảnh nhịp sống xã hội đang ngày càng hối hả, gấp gáp như hiện nay.

Để “dựng” tiểu thuyết lịch sử thành công, đòi hỏi nhà văn phải thực hiện tốt hai thao tác trái ngược nhau: Một mặt phải nỗ lực điền dã, thu thập tư liệu để bảo đảm tính chân xác, một mặt phải tưởng tượng, hư cấu “muôn mặt đời sống” trong thời đại mình viết sao cho sống động, hấp dẫn. Ở cả hai phương diện này, Phùng Văn Khai đều đạt được những thành công nhất định. Các nhân vật lịch sử, các không gian văn hóa-xã hội-tôn giáo-chính trị, các sự kiện, địa danh... trong 6 cuốn tiểu thuyết hiện lên vừa chân thực, chính xác như bước ra từ sử sách, vừa có nét tươi mới, lôi cuốn, quyến rũ nhờ khả năng tưởng tượng phong phú của tác giả.  

Sau cùng, lịch sử nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng không bao giờ chỉ là câu chuyện về quá khứ, mà chính là hiện tại. Dùng, mượn quá khứ để bàn luận giải quyết những vấn đề của ngày hôm nay là cái đích sau cùng mà mọi tiểu thuyết lịch sử hướng đến. Với ý nghĩa này, các tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai đều hướng đến một trong những vấn đề cơ bản nhất của dân tộc: Hòa hợp dân tộc. Phùng Văn Khai đặc biệt đề cao yếu tố này, coi đó là cái gốc, là tiền đề tạo nên mọi sự thắng lợi, phát triển của đất nước. Tư tưởng này hiển hiện xuyên suốt, nhất quán trong 6 tiểu thuyết. Khi lòng người tan rã, không hòa hợp là khi đất nước chịu cảnh xâm lăng, thống khổ. Còn khi nhân dân và người thủ lĩnh “bốn cõi một lòng” cũng là lúc dân tộc Việt vùng lên, đánh đuổi quân thù, giành lại độc lập, tự do. Điểm nhấn trọng tâm của tư tưởng này là câu chuyện rất đẹp (và đầy tính lãng mạn), từ bỏ quyền lực, dẹp qua những vướng mắc, xích mích, nhường ngôi cho nhau giữa Lý Phật Tử và Triệu Việt Vương nhằm ổn định nhân tâm, thống nhất giang sơn, đem lại hòa bình, thịnh vượng cho dân tộc trong “Lý Phật Tử định quốc”. Trong bối cảnh đất nước và thế giới hiện nay, niềm khát khao, mong ước chứng kiến sự “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” dân tộc của Phùng Văn Khai cũng chính là niềm khao khát, mong ước của những con người Việt Nam chân chính. Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai, vì vậy là thanh âm của “những người yêu đất nước mình”.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Tags: qdnd
Lượt xem: 90
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết