• :
  • :

Về nguồn Quân giới

Năm nào cũng vậy, trong điều kiện cho phép, Ban liên lạc truyền thống Quân giới-Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) khu vực Hà Nội đều tổ chức hành quân về nguồn, tri ân đồng đội.

Thành phần tham gia đoàn hầu như ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ai cũng hăng hái, nhiệt tình trong các hoạt động. Trong chuyến đi gần đây, chúng tôi được tham gia cùng đoàn về thăm khu căn cứ của ngành Quân giới những năm kháng chiến chống Pháp thuộc xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình). Đây là nơi mà ngay những ngày mới thành lập, Cục Quân giới (tiền thân của Tổng cục CNQP ngày nay) chọn làm “khu an toàn đỏ” để tổ chức các cơ sở sản xuất, cải tiến, sửa chữa vũ khí, đạn phục vụ chiến đấu ở các mặt trận.

Các cựu chiến binh ngành quân giới bên bia ghi danh, tưởng nhớ 9 liệt sĩ tại Đá Bàn, xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình). 

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng khi đến thăm căn cứ Đá Bàn-Thạch Bàn, trung tâm căn cứ của cụm kỹ nghệ quốc phòng Trần Phú, nơi đặt “đại bản doanh” của Công binh xưởng B4-Trần Phú (Xưởng B4). Cựu chiến binh, thương binh Phạm Hữu Quốc, 97 tuổi, nguyên Tổ trưởng phân xưởng đúc, hiện đang sinh sống tại thành phố Ninh Bình, cho biết: “Ban đầu Xưởng B4 hoạt động độc lập, sau đó nhập thêm các xưởng: Lương Khánh Thiện ở Thung Khống, Tràng An; Lửa Hồng ở núi Ba Cửa và Xưởng 316-Nguyễn Văn Tố ở Hang Binh thành cụm kỹ nghệ quốc phòng B4-Trần Phú nổi danh một thời. Anh Bùi Văn Mạo, một thương binh từ thời toàn quốc kháng chiến là quản đốc, anh Trần Văn Tước là phó quản đốc đã truyền thụ rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất vũ khí đạn cho chúng tôi”.

Qua lời kể của các cựu chiến binh và những tài liệu ghi chép trong cuốn “Lịch sử Quân giới Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, 1945-1954” (Nhà xuất bản Lao động, năm 1990), B4 là xưởng đầu đàn của quân giới Khu 2 với hàng chục máy công cụ, có máy phát lực chạy hơi nước cùng hơn 300 công nhân, trong đó có nhiều thợ giỏi. Sản phẩm chủ yếu của Xưởng B4 là lựu đạn mỏ vịt, lựu đạn đập, lựu phóng và súng phóng lựu. Đặc biệt, Xưởng B4 còn là nơi Cục Quân giới chọn thử nghiệm hoàn chỉnh đạn Bazoka 60mm, đạn cối 51mm vỏ thép...

Có một câu chuyện mà mỗi khi có khách đến thăm địa danh này, ông Bùi Xuân Phiều, Phó trưởng ban liên lạc truyền thống Quân giới-CNQP tỉnh Ninh Bình lại bồi hồi xúc động. Đó là sự kiện 9 công nhân Xưởng B4 hy sinh ngày 24-10-1948. Ông kể: “Hôm đó, Trung đoàn 34, Liên khu 3 tổ chức trận đánh tàu chiến của quân Pháp đi càn bằng địa thủy lôi tự tạo. Ngày ấy công cụ sản xuất của chúng tôi đều rất thô sơ, anh em lại không được đào tạo bài bản nên biết việc chủ yếu nhờ kinh nghiệm của lớp trước truyền thụ cho lớp sau. Hôm ấy, trong lúc tra kíp, một quả thủy lôi bị nổ khiến 9 công nhân, trong đó có hai người là anh em ruột, đã hy sinh ngay trong hang. Cố nén đau thương, quản đốc Bùi Văn Mạo phân công một bộ phận thực hiện công tác tử sĩ, một bộ phận thay thế lực lượng vừa hy sinh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ”.

Từ thành phố Nam Định, vợ chồng chị Lã Thị Hồng Nhung và anh Trần Ngọc Hoàng-là cháu của liệt sĩ Trần Hữu Định-cũng tham gia cùng đoàn. Anh Hoàng tâm sự: "Bác tôi hy sinh năm 21 tuổi. Sau nhiều năm mong mỏi, trong một dịp tình cờ chúng tôi được các bác từng hoạt động ở Ninh Bình giới thiệu đến đây tìm kiếm. Đối chiếu thông tin ghi trên giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công thấy trùng khớp với lưu trữ của các bác trong này, chúng tôi mừng quá. Khi biết phần mộ của các liệt sĩ đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Trường Yên, gia đình quyết định để người thân của mình nằm lại bên đồng đội”.

Năm 2003, ngành Quân giới và chính quyền địa phương đã dựng tấm bia tưởng nhớ các liệt sĩ ngay đầu đường vào hang Đá Bàn. Trên đó có ghi đầy đủ họ tên 9 liệt sĩ. Bà Nguyễn Thị Yến, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND xã Trường Yên, cho biết: "Thể hiện sự trân trọng của nhân dân địa phương đối với những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ quân giới Việt Nam, địa phương sẽ cố gắng hết sức cùng với các cơ quan chức năng hoàn thành việc đặt bia gắn biển di tích nơi các công binh xưởng quân giới từng đóng quân trong thời gian sớm nhất. Đây sẽ là "địa chỉ đỏ" trong hành trình du lịch truyền thống của du khách khi đến với Ninh Bình".

Bài và ảnh: BÍCH TRANG

Tags: qdnd
Lượt xem: 78
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết