• :
  • :

Không nên “thích gì vẽ nấy”

“Buông tuồng, gợi dục, gợi tình”, “tranh dung tục, phản cảm như tranh khiêu dâm khiến hình ảnh nữ sĩ Hồ Xuân Hương trông giống kỹ nữ”, “sự phóng bút thái quá làm hỏng cả mục đích cuộc triển lãm”...

Đó là những nhận định của nhiều nhà chuyên môn về Triển lãm tranh "Cõi Hồ Xuân Hương" của hai họa sĩ. Đó cũng là lý do khiến triển lãm này vừa mở cửa được ít ngày nhưng phải khép lại trước sự phản ứng của dư luận xã hội.

Trước đó, vào dịp tháng 5-2022, một triển lãm hội họa về chủ đề Điện Biên Phủ cũng phải tạm dừng bởi nhân vật trung tâm của bức tranh là hình ảnh một chiến sĩ quân đội dáng vẻ gầy gò, tay cầm lá cờ đỏ sao vàng rách nát và đứng trên đống đổ nát của chiến trường. Hình ảnh này cũng khiến công chúng phiền lòng bởi không lột tả được tư thế hiên ngang, tinh thần phơi phới của người chiến sĩ Điện Biên Phủ trong giờ phút chiến thắng “chấn động địa cầu”.

"Phận bánh trôi" - một trong những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng ở triển lãm, không nằm trong số tranh bị yêu cầu gỡ.Ảnh: VnExpress. 

Đề cập về tính chất các triển lãm trên, đại diện lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, dù tôn trọng tự do sáng tạo, nhưng sự phóng bút của các họa sĩ cần có điểm dừng và tôn trọng những gì thuộc về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa đã được xã hội ghi nhận, tôn vinh.

Bấy lâu nay, khi nói đến sáng tạo văn học, nghệ thuật thì không thể không nói đến tự do. Mối quan hệ giữa sáng tạo và tự do của văn nghệ sĩ được ví như con người với không khí. Con người không thể tồn tại nếu không có không khí để hít thở. Tự do là điều kiện, là bệ phóng để văn nghệ sĩ thăng hoa sáng tạo. Nhờ tự do mà văn nghệ mới có nguồn cảm hứng bất tận để cùng sống trong tâm trạng “hỉ nộ ái ố” của nhân vật hay tự hóa thân và gửi gắm tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, khát vọng của mình vào các tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa, phim, ảnh.

Có người ví von, con chim muốn hót hay thì cần không gian trong lành, khí trời tươi mát; hoa nở thì cần nguồn dưỡng chất tự nhiên và ánh sáng ấm áp. Quả đúng như vậy! Không ai có thể bắt buộc văn nghệ sĩ phải gồng mình lên để sáng tạo trong khi tâm hồn, suy nghĩ, tư tưởng của họ không được thoải mái, tự do. Tuy vậy, mọi sự sáng tạo nào cũng không nên vượt quá giới hạn của phạm trù chân-thiện-mỹ. Vì suy cho cùng, sự sáng tạo mà không vì mục đích làm cho cái đúng (chân) lan tỏa thông điệp tích cực, làm cho cái tốt (thiện) nảy nở như hoa và làm cho cái đẹp (mỹ) phát huy để góp phần xây dựng nhân cách con người tiến bộ và môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, thì sự sáng tạo đó trái với thiên chức/sứ mệnh của văn chương, nghệ thuật.

Thời nay, không khí xã hội cởi mở, môi trường sáng tạo thông thoáng, cơ chế khích lệ phát triển văn học, nghệ thuật lành mạnh chính là không gian tự do để tạo động lực và cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩ. Vấn đề ở chỗ, mỗi người cầm bút, cầm cọ nên nhận thức thấu đáo về mối quan hệ giữa tự do công dân và tự do nghệ sĩ. Tự do công dân là công dân có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm. Nhưng thực hiện quyền công dân phải gắn liền trách nhiệm, bổn phận của người làm chủ xã hội, tức là hiểu được địa vị, vai trò của mình để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, chứ không làm bất cứ việc gì phương hại đến văn minh xã hội. Tự do của văn nghệ sĩ cũng vậy. Đó là tự do sáng tạo trong trạng thái tinh thần-tư tưởng lành mạnh để tạo ra những tác phẩm văn chương, nghệ thuật góp phần “tưới mát” tâm hồn con người và làm giàu đời sống văn hóa xã hội.

Ai đó vẫn cho rằng, nói về tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ là nhạy cảm, là vấn đề không nên đề cập, thậm chí là câu chuyện mang yếu tố chính trị; nhưng suy nghĩ như vậy chưa thấu đáo. Khi nghĩ về tự do sáng tạo là thích viết gì viết nấy, muốn gì vẽ nấy, hoặc viết vẽ không vì ai, không vì mục đích gì thì đó là thứ tự do lợi bất cập hại. Và đương nhiên, thứ tự do ấy không thể tồn tại, đồng hành với xã hội vì nó cản trở, phương hại đến xu hướng phát triển văn minh của nhân loại.

DƯƠNG LAN

Tags: qdnd
Lượt xem: 63
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết