• :
  • :

Khuyến khích con trẻ

Chiều thứ sáu, đón con gái 5 tuổi ở trường mầm non về thấy con không tươi cười như mọi hôm, tôi mới gặng hỏi. Cháu lặng im hồi lâu rồi trả lời: “Hôm nay con không được nhận phiếu bé ngoan ạ!”. “Con có biết vì sao lại không được phiếu bé ngoan không?”.

Cháu phụng phịu: “Vì cái mũi con bị tắc nên trưa không ngủ được. Con cứ xoay đi xoay lại nên bị cô nhắc ạ!”. “Thế con phải nói với cô chứ”. Con tôi thắc mắc: “Nhưng trong lớp có bạn cũng chưa ngoan mà, như bạn Bon không cất đồ chơi, bạn Kem hay chạy lung tung. Thế mà các bạn vẫn được tặng phiếu bé ngoan bố ạ”. Tôi xoa dịu: “Là cô động viên các bạn thôi, con cố gắng tuần sau cô giáo sẽ tặng phiếu bé ngoan nhé!”.

Nghe xong, con có vẻ xuôi xuôi. Ánh mắt nhìn lên tấm bảng treo trên tường dán đầy phiếu bé ngoan. Nơi đó bé có niềm vui hằng tuần là được tự tay dán lên những phiếu bé ngoan với nhiều hình thù ngộ nghĩnh.

Niềm vui của con trẻ khi nhận phiếu bé ngoan. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản. 

Tặng phiếu bé ngoan tưởng là chuyện nhỏ nhưng với con trẻ lại rất ý nghĩa. Đó là sự ghi nhận một tuần đến lớp, động viên các con cố gắng hơn nữa trong học tập, tạo thêm niềm vui để con về khoe với gia đình. Phiếu bé ngoan là phần thưởng ý nghĩa mà trẻ đợi trông sau mỗi tuần đến trường. Để có được phiếu bé ngoan, bản thân trẻ cũng phải cố gắng chăm ngoan hơn.

Thế nhưng là trẻ con cũng không thể tránh được những khi sơ sẩy, vui đùa quá mức, thậm chí có khi làm ngược lại lời cô giáo. Với tinh thần dạy dỗ hướng con trẻ đến những điều tích cực ngày càng chăm ngoan hơn, bên cạnh việc nhắc nhở nhẹ nhàng cần có sự động viên và khuyến khích của cô giáo.

Trẻ con vốn vô tư, trong sáng nên thưởng, phạt phải công tâm. Với những khuyết điểm của trẻ, giáo viên nên tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân nhắc nhở kịp thời, còn khi bé ngoan làm được việc tốt thì cần động viên, khuyến khích. Nếu khen thưởng, phê bình không công tâm sẽ gây ra những băn khoăn, thắc mắc rất dễ làm tổn thương con trẻ. Tâm hồn trẻ thơ vốn non nớt, thế nên cần sự động viên, khuyến khích nhiều hơn là phê bình và xử phạt. Bởi một lời động viên kịp thời, đúng lúc sẽ có tác dụng khuyến khích trẻ làm nhiều việc tốt, phát huy khả năng sáng tạo.

Với trẻ con, động viên không phải là những việc gì lớn lao, mà chỉ đơn giản là những lời khen trong cuộc sống hằng ngày như: “Con làm tốt lắm!”, “Cô chào con, mình cùng cố gắng lần nữa nhé!”, “Cô biết con sẽ làm được, cố lên nào!”.

Những lời động viên nhẹ nhàng như vậy sẽ tạo động lực cho các con phấn đấu, năng động, tự tin hơn, tích cực làm nhiều việc tốt, đồng thời khắc phục  tâm lý tự ty về bản thân. Muốn vậy, giáo viên phải thực sự gần gũi, chia sẻ để có cách ứng xử phù hợp, tuyệt đối tránh việc phê bình, nhắc nhở không đúng thời điểm sẽ gây ra sự so sánh, suy bỳ, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ.

Động viên trẻ cũng là hình thức xây dựng mối quan hệ gắn bó, tình yêu thương giữa cô với trò để trường lớp thực sự là mái nhà chung, là nơi chăm sóc, nâng niu những “búp trên cành”.

THƯ NGỌC

Tags: con trẻ
Lượt xem: 49
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết