• :
  • :

Muôn kiểu khi ở chung trọ: Làm sao để tình bạn được giữ mãi

Nhiều bạn trẻ đã mường tượng ra khung cảnh ở chung trọ với bạn trước khi lên thành phố nhập học, làm việc. Tuy nhiên, mọi chuyện lại không như họ nghĩ.

Ở chung lâu và thói hư tật xấu

Ngay từ năm cuối lớp 12, Lý Thanh Thu, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền có ý định rủ ba người bạn học cùng cấp 3 thuê trọ ở cùng. Thu đã từng nghĩ đến việc 4 đứa thay phiên nhau giặt quần áo, đổ rác, quét nhà,... Nhưng sau hơn 4 tháng ở cùng, Thu quyết định chuyển trọ vì không thể chịu đựng được lối sống của các bạn cùng phòng.

“Ban đầu, bọn mình ở với nhau khá vui, mọi người cũng thoải mái trò chuyện vì đã hiểu tính cách của nhau từ trước. Nhưng dần dần, một số tật xấu của các bạn ấy khiến mình không thể chịu đựng nổi như là: không chịu đổ rác, bừa bộn, quần áo chất đống rồi mới giặt gây mùi rất khó chịu”, Thu kể lại.

Mặc dù có nhắc nhở nhẹ nhàng vài lần nhưng mọi thứ vẫn lặp lại, cũng vì thân thiết nên Thu không muốn nặng lời với các bạn. Đỉnh điểm là khi Thu nói với các bạn cùng phòng muốn ăn riêng, đáp lại là thái độ thờ ơ, không khí khác hẳn so với trước. Từ đó, Thu như bị cô lập trong chính căn phòng trọ bởi những người bạn từng chơi. Nhận thấy không thể ở cùng nhau nữa, Thu đề nghị rời đi.

Thiếu không gian riêng tư khi sống chung với nhiều người (Ảnh minh họa)

Với nhiều bạn sinh viên, ở chung phòng trọ rất thiếu không gian riêng tư (Ảnh minh họa)

Với Trần Thu Hà, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn “mất” bạn vì câu chuyện yêu đương tế nhị của bạn trọ cùng phòng.

“Cô ấy nhiều lần đưa bạn trai về phòng trọ và làm những chuyện tế nhị. Nếu chỉ là thể hiện tình yêu một cách bình thường thì mình cũng không nói làm gì. Có những hôm mình đi về muộn, vào nhà đã thấy bạn ấy đưa người yêu về và làm những chuyện như ở chỗ riêng tư của 2 người. Mình đã góp ý vài lần nhưng cô ấy vẫn không thay đổi. Không chịu đựng nổi, mình yêu cầu hoặc là bạn ấy, hoặc là mình phải đi tìm chỗ khác thì bạn ấy to tiếng mắng mình do ghen tị nên mới có thái độ đó. Cực chẳng đã mình đã im lặng và tìm phòng trọ khác để chuyển”.

Sống phải biết nhường nhịn nhau

Ở cùng bạn ngay từ khi lên đại học, Phùng Nguyên Anh, sinh viên năm thứ 4 Học viện Ngoại giao đã quá hiểu tính cách của bạn cùng phòng vì đây là người bạn thân mà Anh đã chơi cùng từ lúc 3 tuổi. Mặc dù hiểu rõ nhưng nhiều khi Anh cảm thấy khó chịu bởi bạn cùng phòng.

“Bạn cùng phòng hay bị tiêu cực, giận cá chém thớt nên không khí trong phòng lúc nào cũng nặng nề, mình cảm thấy không được vui vẻ và thoải mái. Hơn nữa, bạn ấy còn nhiều lần tự ý sử dụng đồ đạc khi chưa được sự cho phép của mình”, Nguyên Anh phàn nàn.

Mỗi lúc như vậy, Anh đều nhắc nhở bạn nhưng lần nào cũng chỉ được một thời gian, sau đó mọi chuyện lại lặp lại như cũ. Ở chung phòng trọ đã hơn 3 năm, bức xúc có, chán nản có nhưng cho đến nay, Anh vẫn tiếp tục ở chung với bạn thân. Anh cho rằng, nếu đã chơi với nhau suốt gần 20 năm, hiểu rõ những tính tốt, xấu của bạn thì vẫn có thể bỏ qua được.

Đừng vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt mà làm mất đi những tình bạn chân thành (Ảnh minh họa)

Đừng vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt mà làm mất đi những tình bạn chân thành (Ảnh minh họa)

Để không mất tình bạn, Phùng Nguyên Anh cho rằng, khi các bạn trẻ muốn tìm bạn cùng phòng không chọn bừa vì không hiểu rõ tính cách của họ và không biết con người họ, hoàn cảnh gia đình ra sao. Bên cạnh đó, để bảo toàn tình bạn thì cũng nên tránh ở cùng với bạn thân. Hãy hỏi ý kiến của người lớn trong gia đình khi muốn ở ghép với người lạ. Ngoài ra, ngay từ khi mới bắt đầu vào ở, phải có thoả thuận rõ ràng về giới hạn của từng người, về công việc và những điều được phép hay không được phép làm. Trong quá trình ở nên đưa ra ý kiến, góp ý của mình về những điều chưa hài lòng với đối phương để họ rút kinh nghiệm.

Theo Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thanh Nga, khi ở cùng với nhau sẽ bộc lộ ra những đặc điểm, tính cách không phù hợp ví dụ như quan điểm sống khác nhau, thói quen sinh hoạt khác nhau dẫn đến bất đồng.

“Các bạn trẻ muốn hòa hợp với nhau khi ở chung trọ nên lựa chọn những người có cùng quan điểm, thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, việc phân công rõ ràng trong các công việc hàng ngày là điều vô cùng cần thiết.

Trong cuộc sống, mỗi người một tính cách, không thể lúc nào cũng hòa hợp được, quan trọng khi sống cùng nhau phải biết tính của nhau, nhường nhịn lẫn nhau thì mới có thể sống với nhau lâu dài được”, TS Nga cho biết thêm.

Lượt xem: 38
Tác giả: Đình Trung