• :
  • :

Cấm hay quản?

Mấy ngày qua, vụ việc một phụ huynh mạt sát người khác trong hội nghị cha mẹ học sinh lại dấy lên những quan điểm đòi “tẩy chay” ban đại diện cha mẹ học sinh. Đây là hậu quả nhãn tiền do những bất cập đã và đang tồn tại trong hoạt động của chính ban này tại các nhà trường.

Theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn hiệu lực thi hành thì ban đại diện cha mẹ học sinh do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh cử ra để phối hợp với nhà trường, giáo viên thực hiện hoạt động giáo dục, như: Tổ chức các hoạt động ngoại khóa; tham gia giáo dục đạo đức học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Nhìn quy định và thực tế hoạt động tại các nhà trường thì ban đại diện cha mẹ học sinh là thực sự cần thiết để thực hiện trách nhiệm tổng thể của nhà trường, gia đình và xã hội đối với giáo dục trẻ em.

 Học sinh đến trường. Ảnh: Báo Tin tức.

Thế nhưng thực tế tại nhiều nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh đã hoạt động sai quy chế. Thậm chí, ban này trở thành “sân sau” cho nhà trường thực hiện những nội dung không chính đáng, thiếu minh bạch. Có nơi, ban đại diện cha mẹ học sinh "quên" trách nhiệm chung tay giáo dục học sinh mà chỉ tập trung vào vấn đề tài chính, "vẽ" ra nhiều khoản thu, chi sai quy định, vượt quá khả năng đóng góp của các gia đình học sinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự phân biệt giàu-nghèo, tạo nên sự bất bình đẳng trong giáo dục, bị dư luận gọi với cái tên thiếu thiện cảm như: “Hội phụ thu”, “hội phụ chi”...

Mặc dù có những vấn đề đang tồn tại với hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng vẫn phải khẳng định, đây là tổ chức thực sự cần thiết trong các trường học. Thế nên thay vì bàn chuyện bãi bỏ, ngành giáo dục cần có những quy định cụ thể hơn mang tính chế tài để quản lý và tổ chức hoạt động của ban này.

Trước hết, bên cạnh nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cần bổ sung quy định chi tiết xử phạt đối với các sai phạm trong hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Đây sẽ là hành lang pháp lý cho việc kiểm soát các hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tránh vi phạm đáng tiếc xảy ra. Cùng với tăng cường đầu tư ngân sách cho giáo dục hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy học, nâng cao đời sống của giáo viên thì cần phải công khai, minh bạch vấn đề thu-chi; tách bạch vai trò của phụ huynh học sinh đối với tài chính trong giáo dục; thực hiện công khai, dân chủ về hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trong mỗi nhà trường.

Để ban đại diện cha mẹ học sinh không trở thành “sân sau” của nhà trường, cần gắn hiệu quả hoạt động của tổ chức này với đánh giá trách nhiệm của nhà trường và giáo viên chủ nhiệm. Đặc biệt, nếu mỗi thành viên trong ban đại diện cha mẹ học sinh luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, sự công tâm thực hiện chức năng là cầu nối của nhà trường với gia đình học sinh thì sẽ phát huy được hiệu quả tích cực chung tay cùng sự nghiệp giáo dục; góp phần xây dựng môi trường học tập lành mạnh cho chính con em mình.

TRẦN ANH

Tags: học sinh
Lượt xem: 50
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết