• :
  • :

Bản hợp âm thi ca trong “Tình núi”

Nông Thị Hưng là nữ thi sĩ, người con của dân tộc Tày, sinh ra ở núi rừng Yên Thế, Bắc Giang. Mươi năm trước, Nông Thị Hưng quyết định rời rừng xuống phố là chị đánh cược cuộc đời mình với thi ca.

Ở chốn phồn hoa ồn ã, Nông Thị Hưng không nề hà bất cứ việc gì, miễn là công việc ấy thiện lương và cho chị những khoảng lặng nhất định để say đắm với thơ. Trong khoảng 6 năm, Nông Thị Hưng công bố 3 tập thơ: “Mười bài”, (NXB Hội Nhà văn-2014), “Men rừng” (NXB Văn hóa dân tộc-2018) và “Tình núi”, (NXB Văn học-2020). Ngay từ những ngày đầu bén duyên nghiệp chữ, thơ Nông Thị Hưng đã chọn một miền riêng say nồng, trong trẻo, chân mộc như tâm hồn người thơ và mang vẻ đẹp khác lạ của đóa hoa giữa thâm sơn: “Xa Lý đây mà ta đã xa/ Không nghe thấy con gà gáy sáng/ Không nghe thấy câu sli bập bùng vách liếp/ Con dao quăng của em cùn quăn, cũ kỹ/ Em quăng suốt đời không bén rừng anh” (Nhớ con dao quăng). Những câu thơ này được nhiều bạn văn, độc giả nhớ, là dấu mốc ghi danh Nông Thị Hưng với thi đàn.

Bìa tập thơ. 

“Tình núi”, tập thơ nhỏ xinh 126 trang với 72 bài thơ kiệm lời, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của “người đồng rừng”. Giọng điệu thi ca của “Tình núi” là mạch nước thấm xuyên những tầng đá, chảy tràn ra từ rừng, nơi những con người ăn trong gió, ngủ trong mây, yêu thương nhau như lá hoa quấn quýt. Mạch nước ấy hòa vào phố phường xô bồ, nghiệt ngã nhưng vẫn tự thanh tẩy để tinh khiết. “Tình núi”, bản hợp âm được dệt từ nỗi nhớ mẹ cha, nhớ thôn xóm với điệu sli, điệu sloong hao nồng nàn, nhớ núi thẳm, nhớ rừng xanh: “Người Yên Thế như những búp măng non/ Mọc trên đất địa linh nhân kiệt/ Tiếng đàn tính khơi nguồn trong tinh khiết/ Mẹ hát bao lần thức gọi mùa lên” và “Mỗi chiều về nghe gió rừng chuyển lá/ Lại nhớ quê mình Yên Thế khúc sloong hao...” (Yên Thế khúc sloong hao).

Có lẽ đắm say nhất, tha thiết, nhiều cung bậc nhất ở tập thơ này chính là lời hát của một con tim khát khao yêu đôi lứa, mơ nguyện về một tình yêu suối nguồn và một mái ấm yên vui. Có khoảng 20/72 bài thơ có tựa đề liên gợi đến tình yêu lứa đôi, đến “đối tác”- người thương của chủ thể trữ tình (Phải lòng, Đường tình yêu, Người thương, Tình đầu, Tình yêu biển cả, Mùa thu tình yêu, Có những chiều không anh, Em ước có anh, Gọi anh, Điệu Sli dành cho anh, Em là của riêng anh,...). Tình yêu trong thơ Nông Thị Hưng e ấp, trong sáng, nồng nàn, đôi lúc lại mãnh liệt, dữ dội như tiếng thét của rừng, tiếng gầm của núi: “Yêu em xin chớ lặng thinh/ Rừng kia sẽ thét/ Núi kia sẽ gầm/ Đá sẽ nổi giận như con ngựa hoang tung bờm bạt gió” (Gọi anh).

Và một nốt nhạc nữa trong bản hợp âm thi ca mà “Tình núi” ngân lên làm người đọc vừa đồng cảm, yêu mến vừa khâm phục người thơ chính là khát vọng bay tới khung trời sáng tạo-khung trời ấy có tên “thi ca”! Đó chính là nơi bao dung, trọn vẹn nhất cho một tâm hồn yêu cái đẹp, yêu đời, yêu người, được đắm say, được yêu-sống, được là chính mình. Với Nông Thị Hưng dường như “Những câu thơ tạc số phận con người”(Thế chấp 1). Và dù phải chịu mất mát, khổ đau để đến và được say đắm với thơ, dù“cuối đường chết gục xuống thi ca” chị vẫn cứ lựa chọn. Có lẽ đấy là số phận, song đấy cũng là hạnh phúc của một tâm hồn luôn mơ khát được sống đẹp, được sáng tạo.

QUANG MINH

 

Tags: thi ca
Lượt xem: 61
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết