• :
  • :

Tai ương nhãn tiền khi "khẩu nghiệp"

Đức Phật dạy phải rèn luyện “khẩu đức” (ăn nói đức độ), con người mới có thể làm nên sự nghiệp. Ngôn từ ngày càng trở thành một công cụ tối quan trọng, một mã văn hóa hàng đầu để thế giới giao tiếp, gắn kết mà cùng nhau phát triển. Giao tiếp luôn hai chiều nên “khẩu đức” vừa là nghe (tiếp nhận), vừa là nói (phát ngôn).

Thực ra, điều này đã được ca dao Việt nói rất hay: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ngày nay, nói văn hóa là sự lựa chọn thì lựa chọn ngôn từ ("lựa lời") là lối văn hóa ứng xử tinh tế, hiệu quả nhất. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nêu bật được bản chất của giao tiếp trong quá trình hình thành nhân cách: “Em sẽ là mùa xuân của mẹ/ Em sẽ là màu nắng của cha/ Em đến trường học bao điều lạ/ Môi hé cười nở những nụ hoa”. Là hy vọng của mẹ, là lý tưởng của cha, nhờ được học bao điều mới mẻ ở trường học, trường đời mà em “nở những nụ hoa” ngôn từ trong sáng, đẹp đẽ. Những “nụ hoa” ấy chính là “khẩu đức”!

Tranh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo. 

Người Việt coi lời nói là phẩm chất văn hóa hàng đầu: “Vàng thì thử lửa thử than/ Chim khôn thử tiếng, người ngoan thử lời”. Ngôn ngữ học hiện đại gọi “lời” là “diễn ngôn” không chỉ là sự kết tinh văn hóa mà còn là biểu hiện của quyền lực, địa vị, lối ứng xử. Ngược lại với “khẩu đức” là “khẩu nghiệp”, tức lời nói dối, nói điêu, vu khống... Nói lời “khẩu nghiệp” sẽ phải chịu nghiệp “quả báo”!

Một khi “hòn bấc ném đi” còn nhẹ thì “hòn chì ném lại” nặng nề hơn nhiều. Các cụ ta sâu sắc vô cùng khi dạy: “Lời nói đọi máu”. Lời nói là thiêng liêng, quý như máu vậy. Nhưng cũng tận cùng oan trái, vì nó mà có khi đổ máu. Lời nói có thể giết người. Trong “Tam quốc diễn nghĩa” hồi 93, Khổng Minh Gia Cát Lượng chỉ bằng lời mắng nhiếc, xỉ vả mà tướng Ngụy là Vương Lãng tức tối, uất ức hộc máu mà chết.

Trong thời buổi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, phổ cập, vì là “cuộc sống ảo” khó kiểm duyệt, kiểm chứng nên ở bất cứ đâu “khẩu nghiệp” đang có nguy cơ lấn át “khẩu đức”. Hậu quả ngoài đời của nó lại là thật. Một nữ doanh nhân có tiếng từng lên mạng nói xấu, vu cáo, xúc phạm, thóa mạ người khác một cách có tổ chức nên đã bị truy tố hình sự. Đó là điển hình cho “khẩu nghiệp”. Tưởng đó là bài học nhãn tiền. Nhưng vừa mới đây, khi cơ quan chức trách công bố vụ việc bán dâm đáng xấu hổ của một vài cá nhân trong giới showbiz cùng các tên viết tắt của đối tượng (theo luật) thì một số trang mạng (Facebook) lấy đó làm cớ để gán ghép, bịa đặt, nói xấu một số hoa hậu nhằm thỏa nỗi đố kỵ hẹp hòi của mình. Hành vi nông nổi này cũng không loại trừ động cơ "câu like". Đến khi cơ quan chức năng khẳng định sự thật không đúng với lời đồn thổi, mới rõ ra đó cũng là những lời “khẩu nghiệp”. Mà đã là những người dính “khẩu nghiệp”, theo luật nhân quả cũng là công lý nói chung sẽ bị trừng phạt, không pháp luật thì dư luận hoặc chính "tòa án lương tâm" kết tội!

Người xưa có câu: “Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy”, “cửu đỉnh” là biểu tượng cho sự vững bền, quý giá. Lời nói cũng tương tự nên khi phát ra thì bốn ngựa không kéo lại được. Ngôn từ là biểu hiện rõ nhất của nhân cách. Trân quý, trách nhiệm với lời nói tức là trân quý, trách nhiệm với chính bản thân mình. Người nào nói xấu, nói điêu, vu khống người khác cũng chính là sự phơi bày một nhân cách đồng nhất với “diễn ngôn” của họ!

Bản lĩnh sinh ra trong bão tố. Trí tuệ chỉ có từ tĩnh lặng. Cổ nhân phương Đông dạy, con gà trống chỉ gáy khi trời gần sáng nên làm thức tỉnh cả nhân quần. Vì thế, người ta nên nói ít, nói phải, nói đúng lúc, đúng chỗ mới có tác dụng. Ngụ ngôn Aesop có truyện “Chú bé chăn cừu” kể  về đứa bé nọ trêu mọi người bằng cách la lên có sói bắt cừu. Mọi người chưng hửng khi đổ xô đến cứu. Đến khi sói bắt cừu thật, đứa bé la lên thì chẳng ai tới vì cho đó là lời nói dối. Hậu quả, cả đàn cừu bị sói ăn thịt!

Cổ kim Đông Tây răn dạy đã nhiều, nếu ai không bền bỉ làm theo "khẩu đức" mà lại sa đà vào "khẩu nghiệp" thì hậu quả nhãn tiền là khó tránh khỏi!

NGUYÊN THANH

Tags: khẩu
Lượt xem: 47
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết