• :
  • :

“Rác văn hóa” trên TikTok

Nói đến rác, ta thường nghĩ đến những thứ rách rưới, nhếch nhác, gây ô nhiễm môi trường. Thời nay, người ta còn có cụm từ “rác văn hóa” nhằm chỉ những sản phẩm văn hóa có hình thức và nội dung nhảm nhí trôi nổi trên mạng xã hội.

Sau những trào lưu phản cảm tràn lan trên YouTube như giang hồ mạng, ăn sống nuốt tươi hải sản, nấu cháo gà cả lông, hài nhảm nhí miệt thị người dân tộc thiểu số... thời gian gần đây, trên nền tảng mạng xã hội TikTok lại xuất hiện không ít hành vi nông nổi, phản văn hóa mà vẫn thu hút hàng nghìn, hàng vạn lượt xem.

Tranh minh họa: Báo Người lao động

Tự do nhảy múa trong khu vực sân đỗ máy bay; thản nhiên ngồi lên băng chuyền hành lý tại sân bay với dòng trạng thái “bất kệ đời, lạc trôi”; tùy tiện cắt ghép clip nhảm nhí để nói xấu người dân miền Trung... để "câu view", "câu like" khiến nhiều người không khỏi ngán ngẩm bởi trào lưu sáng tạo nội dung thiếu văn hóa trên TikTok.

So với các nền tảng xã hội như Facebook, YouTube, mỗi video clip trên nền tảng TikTok chỉ khoảng vài ba chục giây kèm theo hình ảnh bắt mắt, nhạc nền với đủ cung bậc “hỷ nộ ái ố” cũng đủ sức cám dỗ ghê gớm với nhiều người, nhất là giới trẻ. Phía sau sự hấp dẫn, vui nhộn, giải trí mà TikTok mang lại nhất thời là không ít hình ảnh, âm thanh, thông tin liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như tình dục, phát ngôn thù ghét, miệt thị văn hóa, miệt thị vùng miền.

Việt Nam hiện có khoảng 40 triệu người dùng TikTok. Trong năm 2021 vừa qua, đối tượng người trẻ thường được gọi là "gen Z" (thế hệ Z-sinh từ năm 1997 đến 2012) chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng mạng xã hội này với con số tăng trưởng tới gần 40%. Có thể nói, đây chính là thị trường "béo bở" để không ít TikToker (người dùng TikTok) có cơ hội cho ra đời những nội dung vô bổ trên mạng xã hội này. Có người ví TikTok như một chất kích thích gây nghiện, khiến lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đắm chìm vào nền tảng mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn nhất hiện nay.

Có một công thức chung mà nhiều TikToker đã khai thác triệt để, đó là: “Sự nổi tiếng = chiêu trò phản cảm + hành vi gây sốc + hình ảnh độc lạ + bất chấp tai tiếng + chấp nhận thị phi”. Đáng nói là một số TikToker “nổi tiếng sau một đêm” bỗng dưng lại được chào đón, tung hô ở không ít sự kiện văn hóa giải trí, thảm đỏ, thời trang... Việc này giống như anh chàng Lệ Rơi năm nào được trau chuốt hình ảnh rồi ung dung có trong thành phần ra mắt một dự án phim đình đám khiến dư luận không khỏi “ngạc nhiên chưa”?!

Buồn cho những thứ “rác văn hóa” trôi nổi tràn lan trên mạng xã hội có thể làm băng hoại đạo đức, mọt ruỗng tâm hồn giới trẻ bao nhiêu, chúng ta lại càng buồn cho một bộ phận người Việt có thái độ nông nổi, hời hợt bấy nhiêu. Vì a dua, chạy theo tâm lý đám đông nên không ít người thấy những TikToker làm nội dung nhảm nhí như vậy mà vẫn like (thích), share (chia sẻ) một cách vô tội vạ. Sự thiếu đắn đo, cân nhắc và không biết gạn đục khơi trong của người dùng TikTok vô hình trung biến nền tảng mạng xã hội này ngày càng trở nên bát nháo, lợi bất cập hại! Ví như tài khoản TikTok của một cô gái, dù hầu hết là những clip nhún nhảy khoe thân, khoe các bộ phận nhạy cảm mà vẫn có hơn nửa triệu người theo dõi với gần chục triệu lượt thích!

Lại nhớ nhà văn Thạch Lam, một trong những cây viết tên tuổi của văn đàn Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, trong cuốn tiểu luận phê bình “Theo dòng” xuất bản năm 1941 từng phê phán, đại ý: Nhiều trào lưu ở nước ta có một tính chung là nông nổi, hời hợt. Cái mà nhiều người Việt thiếu nhất là sự sâu sắc. Bởi họ không chịu phân tích và suy xét kỹ nên không biết được sự rõ ràng, chu đáo, thấu suốt. Khi đó, họ dễ a dua chạy theo trào lưu một cách nông nổi, thiển cận, thậm chí mù quáng!

Có lẽ thông điệp mà nhà văn Thạch Lam đưa ra cách nay hơn 8 thập niên vẫn nguyên giá trị và là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh đối với những ai đang quá sa đà, mải mê đắm chìm vào những trang TikTok thiếu hụt những giá trị chân-thiện-mỹ nhưng lại quá dư thừa “rác văn hóa”!

CHÍNH NGÔN

Tags: văn hóa
Lượt xem: 91
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết