• :
  • :

Để Đà Nẵng trở thành trung tâm về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm và là thành phố lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên, có nhiều thuận lợi để trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước với trọng tâm là vi mạch bán dẫn.

Để đạt được mục tiêu trên, TP Đà Nẵng đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Nhiều chính sách ưu đãi vượt trội

Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024, trong đó nhấn mạnh: Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khai thác hiệu quả các khu công nghiệp thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn. Công nghiệp vi mạch bán dẫn được xác định là một trong những động lực quan trọng mới, đặt nền tảng đột phá phát triển kinh tế-xã hội của TP Đà Nẵng trong thời gian tới.

Đồng chí Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: “TP Đà Nẵng là địa phương năng động, tiêu biểu cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo. Đây là những đặc trưng phù hợp để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đà Nẵng có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng CNTT phát triển, sự quan tâm và quyết tâm của chính quyền thành phố là những yếu tố quan trọng bảo đảm phát triển công nghiệp bán dẫn. Cùng với những lợi thế trên, ngày 26-6-2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, AI. Đây là động lực để thu hút nguồn lực nước ngoài đầu tư vào địa phương”.

Lớp đào tạo giảng viên nguồn về thiết kế vi mạch tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NGUYỄN HÒA 

Cụ thể, đối với nhà đầu tư chiến lược sẽ được Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; được lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế, được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới.

 Đối với đối tác chiến lược được Nhà nước cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; được Nhà nước chỉ định thầu mua sắm các trang thiết bị đặc thù; được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới; được hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao...

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại sự kiện “Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” do TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn... Phát biểu tại sự kiện, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam Lê Quang Đạm cho rằng: Để phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao cần phải có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Từ kinh nghiệm thực tiễn và hiểu biết về thị trường, các doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin cập nhật về nhu cầu nhân lực, qua đó giúp cơ sở đào tạo điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tạo cơ hội cho sinh viên được thực tập, làm việc...

PGS, TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học CNTT và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng), đề xuất: Cần có chính sách giữ chân, thu hút được người học giỏi theo học vi mạch bán dẫn (miễn học phí, cấp sinh hoạt phí, chỗ ở...); đầu tư lớn cho các trường đại học đào tạo vi mạch bán dẫn (thu hút giảng viên giỏi, chuyên gia, nhà khoa học, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất...); tăng cường hợp tác trường đại học-doanh nghiệp (xây dựng các mô hình đào tạo đặt hàng cho doanh nghiệp; thực tập, triển khai dự án doanh nghiệp tại trường); bảo đảm và cam kết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp...

Theo thống kê, trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT semiconductor, Viettel CNC... với khoảng 550 kỹ sư (chiếm gần 10% nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của Việt Nam). Đồng chí Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết: Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, như: Thành lập liên minh các trường đại học đào tạo vi mạch bán dẫn kết hợp AI; tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên về thiết kế vi mạch, lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên chuyên ngành gần sang thiết kế chip...

Để đạt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng ít nhất 5.000 nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói đến năm 2030, TP Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh quan hệ hợp tác, kết nối giữa các trường đại học trên địa bàn với các trường đại học ở các nước có thế mạnh đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, các doanh nghiệp nước ngoài có uy tín; thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình liên minh đào tạo hợp tác 3 nhà: Nhà nước-nhà trường-nhà doanh nghiệp.

Lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên năm cuối chuyên ngành gần sang thiết kế chip tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NGUYỄN HÒA 

Chuẩn bị hạ tầng thu hút đầu tư

Để chuẩn bị hạ tầng phục vụ thiết kế vi mạch bán dẫn trong ngắn hạn, đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết: Bên cạnh việc tập trung thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao và 3 khu CNTT tập trung hiện hữu, thành phố phấn đấu cuối năm 2024 tiếp tục đưa vào vận hành Khu công viên phần mềm số 2, với diện tích sàn hơn 90.000m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự. Đà Nẵng cũng nghiên cứu, đầu tư mở rộng giai đoạn 2 dự án Khu công viên phần mềm số 2 với diện tích 2,5ha, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu công viên phần mềm, khu CNTT tập trung mới trên địa bàn thành phố khoảng 22ha.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng đang xúc tiến tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ trong nước và những công ty bán dẫn hàng đầu thế giới hợp tác đầu tư xây dựng trung tâm tính toán hiệu năng cao, trung tâm dữ liệu phục vụ mô phỏng, ảo hóa thiết kế vi mạch bán dẫn; trung tâm nghiên cứu và phát triển đúc chip. Thành phố tập trung đẩy nhanh việc triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng các phân khu sản xuất bán dẫn chuyên biệt thuộc khu thương mại tự do để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực kiểm thử, đóng gói, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, linh kiện, thiết bị... trong chuỗi cung ứng bán dẫn.

 Cùng với đó, Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư phát triển mới ít nhất một trạm cáp quang biển cập bờ; mở rộng dung lượng truyền dẫn các tuyến cáp quang SMW3 và APG; nâng cấp hoàn thiện hạ tầng điện, giao thông, logistics đồng bộ với các khu vực đã được quy hoạch cho hoạt động công nghiệp vi mạch bán dẫn để tăng tính kết nối với các thị trường trong khu vực và thế giới.

NGUYỄN VĂN CHUNG