Nặng lòng với nón lá làng Chuông
Không còn hình ảnh làng Chuông tấp nập với nghề làm nón lá bởi tốc độ phát triển đô thị hóa, nhưng những nghệ nhân cuối cùng vẫn sống chết với nghề cổ truyền của ông cha, tạo ra hàng vạn chiếc nón lá làng Chuông làm đẹp cho đời.
Từ nội thành Hà Nội, đi theo Quốc lộ 6 vào Hà Đông, đến Ba La rẽ trái theo Quốc lộ 22B khoảng 15km, chúng tôi đến với làng Chuông - xứ sở nón lá miền Bắc vẫn trường tồn qua 4 thế kỷ.
Về với làng Chuông, nhìn quang cảnh nông thôn đổi mới tôi mới thực sự hiểu nỗi nặng lòng của những nghệ nhân nơi đây. Việc gìn giữ nghề thủ công truyền thống, nét đẹp văn hóa cổ truyền không phải là điều quá khó, vấn đề là phải tìm ra cách thức phù hợp để không bị mai một.
Nón Chuông nức tiếng cả nước về độ bền chắc và vẻ đẹp thanh thoát, duyên dáng. Xưa kia nón Chuông đã từng được làm quà cung tiến cho các hoàng hậu, công chúa, cung tần, mỹ nữ. |
Nón lá làng Chuông “nên duyên vợ chồng”
Đều đặn mỗi ngày, trong khoảng sân nhỏ của gia đình ông Phạm Văn Hùng (sinh năm 1953) vẫn đông các nghệ nhân đang miệt mài bên chiếc nón lá cùng những đường kim thoăn thoắt. Gần 70 năm gắn bó, ông Hùng được coi là một trong những nghệ nhân của làng Chuông đang gìn giữ nghề truyền thống.
Cũng chính nhờ chiếc nón lá làng Chuông mà ông được nên duyên vợ chồng cùng bà Hoàng Thị Việt (sinh năm 1956). Dù tuổi đã cao nhưng cả hai vẫn chẳng thể bỏ được nghề. Ông Hùng chia sẻ: “Duyên vợ chồng 48 năm gắn liền với nón lá của làng, bao kỷ niệm thăng trầm, nói bỏ là bỏ sao được. Thu nhập không đáng là bao nhưng cũng muốn giữ gìn nghề của cha ông để lại. Lớp trẻ bây giờ cũng không còn mặn mà với nghề nữa, nghề của làng sẽ bị mai một nếu không có người kế thừa”.
Vợ chồng ông Hùng và bà Việt bén duyên nhau cũng từ chiếc nón lá làng Chuông. |
Thấy chúng tôi về thăm làng Chuông, bà Việt vui lắm. Bà thủ thỉ với chúng tôi về các công đoạn để tạo ra một chiếc nón lá làng Chuông với 5 đặc điểm: Chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp cũng như cách chọn lá, uốn vòng… Nón lá làng Chuông có đến 16 lớp vòng, giúp cho nón có độ bền chắc đẹp mềm mại mà tròn đều. Mỗi chiếc nón thành phẩm phải trải qua 10 công đoạn: Vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và được lợp ba lớp lá.
Bà nói: “Lá nón được lấy từ lá lụi - một loại cây họ nhà cọ trên rừng xa của núi non Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Người ta phải lựa loại lá màu sáng và xanh đều thì lá sẽ đẹp. Công đoạn làm lá là công đoạn vất vả và khó khăn nhất vì phải làm thủ công để đảm bảo lá không bị dập, rách, nát.
Đôi chân của người nghệ nhân phải đảo qua đảo lại lá lụi trong cát khô có sỏi nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng lại tốn không biết bao mồ hôi công sức của người làm lá. Một bó lá lụi phải được vò liên tục trong 30 phút cho đến khi lá mềm, đầu lá xoăn lại mới đạt tiêu chuẩn. Dưới ánh nắng của mặt trời, lá sau khi vò sẽ được chuyển từ màu xanh thành màu trắng”.
Muốn làm được nón thì lá phải phẳng, người thợ khéo léo dùng khăn nhúng nước hơ trên lửa cho nóng trước khi là nhẹ lên lá. Để làm ra những chiếc nón đẹp, tròn và cân đối người thợ làm nón sử dụng những chiếc khung gỗ có 8 gọng, mỗi gọng có 16 khấc đều nhau để đặt các vòng nón.
Muốn làm một chiếc nón lá làng Chuông, việc đầu tiên là chọn tre để uốn vành nón. Tre cần thân nhỏ, độ già vừa phải để đảm bảo dẻo dai khi uốn vành. |
Theo bà Việt, vòng nón được làm từ những thanh tre được gót tròn, nhẵn và đều nhau. Các đường tròn nhỏ dần khi đến chóp thì tạo ra khung nón. Thường mỗi mối buộc được bện lại bằng mây rất chắc chắn và đẹp mắt. Công đoạn làm khung nón là khó nhất vì nó quyết định đến độ tròn và bền chắc của một chiếc nón. Nón làng Chuông tuy đơn giản nhưng đòi hỏi rất công phu và tỉ mỉ khi hoàn thiện.
Đến công đoạn quay nón và khâu nón, bà Việt chỉ: “Đây là công việc xếp lá lên khung, là khâu tạo hình cuối cùng cho chiếc nón, các tệp lá được xếp lại cắt vát một đầu rồi dùng kim cố định lại. Nhìn khâu nón thì đơn giản nhưng người nghệ nhân luôn phải làm việc tỉ mỉ không khác gì một người thợ thêu, đôi tay nhanh thoăn thoắt cố gắng luồn kim qua từng chiếc vòng”.
Gắn bó và mong muốn giữ nghề truyền thống của làng nhưng thu nhập từ sản phẩm nón không cao, trung bình mỗi chiếc nón phải mất đến 1 ngày để hoàn thiện và chỉ bán được từ 40.000 - 50.000 đồng. Sau khi trừ các chi phí mỗi người đan nón thu về được khoảng 30.000 đồng/ngày. Thời gian gần đây, khó khăn cho người dân làng nghề càng lớn khi giá nguyên liệu lá liên tục tăng và khan hiếm.
Với bà Việt cùng những nghệ nhân, nón lá làng Chuông là niềm tự hào của mỗi gia đình. Người làm nghề lúc nào cũng dành hết tâm huyết cho chiếc nón vì đó là cơ nghiệp và là huyết mạch của làng nghề. Làng Chuông hàng tháng có đến 6 phiên chợ; đến đúng ngày phiên chợ họp chúng tôi nghe thấy tiếng cười lao xao cùng những thùng nón trắng chất cao hơn người, đó cũng chính là hình ảnh không thể nào quên của những người con xa xứ.
Người thợ cầm kim cũng phải thật mềm mại, mỗi mũi kim phải thẳng, đều như thêu từ trong ra ngoài, khoảng cách giữa những mũi kim vừa phải và giấu đi được những mối chỉ nối thì mới tạo ra sản phẩm đẹp |
“Nếu mất chân, còn tay thì sẽ làm đẹp cho đời qua chiếc nón quai thao”
Đến xóm Liên Thành, chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Hoa (sinh năm 1960) - con gái của cố nghệ nhân Phạm Trần Canh, người đã tìm và khôi phục lại cách làm chiếc nón quai thao của làng Chuông.
Giữa cái nắng trưa oi ả của mùa hè, bà Hoa vẫn đang tỉ mỉ hoàn thiện những chiếc nón quai thao đã được đặt hàng từ trước. Tò mò về nghệ nhân Phạm Trần Canh, chúng tôi được bà kể lại: “Ông Canh sinh ra và lớn ở đất nghề làng Chuông, ông luôn đau đáu về một nỗi niềm về sự mai một của nghề truyền thống làm nón quai thao, trăn trở về những giá trị văn hóa tinh thần sẽ bị mất đi, ông đã quyết tâm sưu tầm và khôi phục lại để khâu nón quai thao mang thương hiệu làng Chuông”.
Theo lời bà Hoa, ông Canh phải lặn lội từ chợ Rồng (Nam Định) rồi quay về Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nội. Cả quãng đường cũng vô cùng vất vả, có ngày cũng chỉ uống vài cốc nước mía vì căng thẳng và lo lắng. Cuối cùng từ một chiếc nón quai thao rách nát được xin ở ngôi chùa tại Hà Nội, ông Canh vui mừng mang về để biết cách làm ra chiếc nón quai thao.
Cũng nhờ đó mà bà Hoa đã “phải lòng” cái nghề khâu nón quai thao từ bố lúc nào chẳng hay. Hàng đêm, bà vẫn miệt mài với từng đường kim mũi chỉ, bà tâm sự: “Dù đã ở tuổi 60, mái tóc cũng đã bạc nhưng đôi mắt thì còn tinh tường lắm. Nếu mất cái chân mà còn đôi tay thì mình vẫn làm cái nghề làm đẹp cho đời - khâu nón quai thao”. Đó cũng chính là lẽ sống của đời bà, sống và cống hiến. Làm nghề không hẳn vì cuộc sống mưu sinh, vì với bà Hoa làm nghề nón cổ như một thứ gia vị khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn.
Nón quai thao (hay còn gọi nón ba Tầm, Nón Thúng, Nón Dẹt) loại nón rộng vành đơn. |
Khi được hỏi về cấu tạo của chiếc nón quai thao, bà Hoa cho hay: “Chiếc nón quai thao thường có kích thước khá lớn, đường kính mặt nón ước chừng 70-80 cm, che rợp cả khuôn mặt người đội, tạo nên một không gian rộng, thoáng và mát. Mặt phẳng trên nón lợp lá gồi hoặc lá cọ, sát phía dưới là thành nón cao độ 10-12 cm. Giữa nón gắn một vành tròn như nắp tráp vừa đầu đội cao khoảng 8 cm, gọi là cái “khua”. Khua cần phải cứng để chịu đựng được nón nặng. Khua nón làm công phu: Nó là những sợi tre nhỏ chuốt bóng khâu lại với nhau bằng chỉ tơ nhiều màu sắc. Những sợi chỉ đan chéo nhau thành hình hoa lá, chim muông thật đẹp mắt.
Quai thao là bộ phận không thể thiếu của chiếc nón ba tầm, nó chẳng những làm cho nón cân bằng, vững chãi, mà còn làm cho người phụ nữ thêm duyên dáng, thướt tha… Quai thao làm bằng tơ, nhưng là loại tơ đặc biệt, vừa rẻ, vừa bền lại vừa có giá trị cao.
Thông thường các cô gái trẻ thì thích dùng quai thao màu trắng ngà gốc tơ tằm, còn quai thao màu tím, màu đen thì được dùng cho phụ nữ đã lập gia đình. Quai thao gồm từ 2 đến 3 sợi bện lại với nhau (gọi là quai kép), thả võng đến thắt lưng. Khi đội đầu, người phụ nữ lấy tay giữ quai ở trước ngực, nón không bị đung đưa lại tiện điều chỉnh khi đội thẳng hay lúc cần nghiêng nghiêng che nắng… Hai đầu quai thao có chừng mươi mười hai túm tua nho nhỏ, dài chừng 20-25 cm rủ xuống trông mềm mại, vui mắt”.
Bà Trần Thị Hoa (sinh năm 1960) - con gái của cố nghệ nhân Phạm Trần Canh. |
Ngoài nón quai thao truyền thống (2m, 1,4m và 0,8m) bà Hoa còn làm nón chóp giữ dành cho các vị chánh tổng, quan huyện ngày xưa; nón thúng; nón Thái. Nhưng có lẽ, cái nghề làm nón cổ của bà Hoa vì còn nặng lòng bởi một con người quá đỗi say nghề, muốn cống hiến cho đời những tinh hoa từ những đôi bàn tay. Bà nghĩ: “Tuổi mình cũng đã cao, ra đi cũng chẳng mang theo được nên hãy cứ làm những gì có ích cho đời”.
Những chiếc nón được coi là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình, để che nắng, che mưa khi ra đường. Nhưng người làng Chuông cũng chưa bao giờ làm giàu được bằng nghề nón của mình, bởi chiếc nón cho dù có được làm công phu tới đâu cũng chỉ là một sản phẩm bình dân nên không thể bán được với giá thành cao như những mặt hàng khác. Do đó, để nghề truyền thống của dân tộc không bị mai một theo năm tháng cần phải có những hướng đi cụ thể, định hướng rõ ràng để bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp.
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC