Nguồn nhân lực của tương lai
(LĐTĐ) Để hướng tới sự kiện năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước có thu nhập trung bình cao; năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta cơ bản trở thành nước phát triển, có thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra, nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng.
Chất lượng và số lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển (Ảnh minh họa). |
Vừa rồi về quê, ông em trong họ mời đến nhà “ăn cỗ” với lý do chia tay cháu (con trai) đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Thấy vậy, tôi hỏi: “Cháu lấy vợ mới sinh con, con còn bé thế ở quê thiếu gì việc như làm công nhân nhà máy da giày, việc gì mà phải sang tận Hàn Quốc?”. Ông em trả lời: “Đàn ông họ có tuyển vào làm công nhân công ty da giày đâu; vả lại đi xuất khẩu mấy năm còn có chút tích lũy về lấy vốn làm ăn, ở quê biết làm gì bây giờ”.
Rồi ông em kể, con ông anh trai, đi Hàn Quốc lao động gần chục năm, gửi tiền về cho bố mua đất, giờ nếu tính ra số vốn cũng hơn chục tỷ đồng chứ chả ít. Từ câu chuyện của ông em họ, có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất, ở quê khó xin việc. Thứ hai, lương không cao bằng đi xuất khẩu lao động. Thế nên, tại các vùng quê, hàng năm, một số lượng lớn thanh niên đã ra nước ngoài làm việc và thực tế nhiều thôn, làng nhờ nguồn tiền từ con em gửi về đã xây dựng được nhà khang trang, thậm chí “làng biệt thự”.
Viết đến đây, lại nhớ lần họp Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng, ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy Hải Phòng đặt vấn đề rất hay, đại ý theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, Hải Phòng quyết tâm phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. Nhưng với quy mô dân số hiện tại, quy mô các trường đại học, cao đẳng… hiện có thì Hải Phòng giải bài toán nguồn nhân lực ra sao? Chưa nói đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Với cứ đà này chắc chắn nguồn nhân lực tại chỗ của Hải Phòng không thể đáp ứng được. Vậy, câu chuyện của tương lai là Hải Phòng cần làm gì để biến “thành phố Hoa Phượng đỏ” phải là đất lành, thành phố đáng sống cho lao động các địa phương tụ về như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội?
Cách đặt vấn đề của Bí thư Trần Lưu Quang dẫu là trong phạm vi thành phố Hải Phòng, nhưng nhìn ra lại là câu chuyện, bài toán nguồn nhân lực cho đất nước. Theo Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam đang ở trong giai đoạn của chu kỳ cuối dân số vàng (chuẩn bị bước sang ngưỡng dân số già) và mặc dù trên phạm vi cả nước đâu đâu cũng xuất hiện các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… đồng nghĩa với việc nhu cầu lao động rất lớn.
Đặc biệt, sau hậu Covid-19, khi cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới… nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp đang “khát” lao động, song thực tế, nhiều lao động lại vẫn chấp nhận đi làm việc ở nước ngoài. Lý do thật đơn giản, dù có “khổ” nhưng đồng lương tích góp được, gửi về quy đổi ra vẫn cao hơn làm trong nước, nên họ chọn con đường xuất khẩu lao động. Cạnh đó, nếu nói về năng suất lao động, yếu tố quan trọng quyết định sự cạnh tranh của nền kinh tế, thì hiện Việt Nam chỉ xếp ở tốp giữa khu vực Đông Nam Á, thấp hơn rất nhiều Singapore, Malaysia chứ chưa dám so sánh với Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Trong khi đó, khâu đào tạo, dù đã có chuyển biến đáng kể, song chúng ta vẫn đạo tạo theo mô hình hàng ngang. Hệ thống đại học, ngoại trừ một số trường có chất lượng đào tạo tốt, sinh viên ra trường có việc làm hoặc tự khởi nghiệp thì còn lại cũng chỉ bình bình. Trong khi đó, hệ thống trường nghề vẫn chưa có đột phá. Đôi khi giữa nhà trường (đào tạo) và thực tế (doanh nghiệp) còn có khoảng cách khá xa.
Thời gian để thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao không còn xa, trong khi cánh cửa thời kỳ dân số già sắp mở ra. Vấn đề mà các cơ quan hoạch định chính sách phải giải được, là làm thế nào tạo được nguồn nhân lực đủ và nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ quá trình hiện đại hóa đất nước. Làm thế nào để lao động không chọn con đường xuất khẩu mà chọn làm ở quê nhà, mà lương, thu nhập vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sống. Đây mới là những nội hàm quan trọng, trước khi chúng ta có thể tính tới việc nhập khẩu lao động!./.
L.Hà