• :
  • :

Hà Nội ơi, nhớ về mùa thu tháng Mười...

Nếu được hỏi, mùa nào là mùa bình yên nhất, tôi sẽ trả lời đó là mùa thu.Với hương hoa sữa thơm ngát, thềm lá mơ màng, bầu trời trong trẻo,... vạn vật đều tạo nên một mùa thu Hà Nội chan chứa thi vị. Có chăng, thiên nhiên đã phần nào ưu ái mà thả thêm chút tình vào lòng mùa thu nơi đây?

“Em đi, trăng sắp độ tròn/Mùa thu quá nửa, lá giòn khô cây/Tiễn em trong cảnh thu này/Lòng em muôn tiếng, sao đầy lặng im?” (Mùa thu tiễn em- Tế Hanh).

Hà Nội ơi, nhớ về mùa thu tháng Mười...
Ảnh minh họa: Lương Hằng

Mùa thu là nguồn cảm hứng lớn cho rất nhiều thi nhân, bởi lẽ, thu có điều gì đó thật đặc biệt, tạo ra không gian để thật nhiều những cảm xúc sâu thẳm, những cảnh tình tuyệt diệu và đẹp đẽ được phát lộ. Người ta thường nói: Mùa thu là chất thơ của cuộc đời. Khi nàng thu tới, trong không khí giấu đi một chút đượm buồn trong trẻo, khơi gợi trong lòng con người biết bao nhiêu cảm xúc. Nhất là vào khoảnh khắc đứng giữa đất trời thu Hà Nội, hít một ngụm không khí lớn cho căng tràn buồng phổi... tôi nghe mùa thu “cựa mình” trong lòng tôi.

Mùa thu kỳ lạ lắm. Qua đợt cuối hạ, nàng đến với vẻ dịu nhẹ, êm đềm nhưng phần nào lại rạng rỡ vô cùng, sắc thu làm bừng sáng cả không gian. Tóc nàng là làn mây trắng lang thang, mải miết chu du dưới tầm mắt nàng. Nắng hạ nơi Thủ đô nguội đi để nắng thu trong vắt diễm tình ngả xuống, khẽ chạm lên vạn vật. Từ những cái chạm thật khẽ, thật êm, nắng thu bao trùm, hòa tan cũng các phần tử trong không khí, quyện vào trong không gian mát mẻ, thanh bình của Hà Nội. Nàng thu như mỉm cười, nghiêng mình yêu kiều, tay đưa trao con người chút cảm hứng để mà suy tư, để mà mơ mộng.

Đến tháng 10, trời thu đổ mưa. Trời thu trong xanh biết mấy, không biết đã bao lần được những cơn mưa mỏng manh gột rửa để mang dáng vẻ như bây giờ, cảnh vật dưới bầu trời ấy lại như được phết qua một lớp màu bàng bạc buồn tênh. Mưa thu nhè nhẹ, lặng thầm rơi xuống từ khoảng không vô định trong lòng những đám mây trắng mềm mại. Tí tách trên mái nhà nghiêng nghiêng, vui thích nhảy nhót trên các kẽ lá rồi lăn xuống nền đất. Mưa dù ở mùa nào cũng đều tinh nghịch, khoái ngao du như vậy.

Còn gió thu thì hiền hòa nhưng lại dễ dàng chạm tới phần mỏng manh nhất nơi đáy lòng ta, khiến cho ta phải thổn thức, mở rộng bàn tay và để gió vấn vít quanh ta một hồi. Gió heo may đặc trưng của thu Hà Nội se lạnh và dịu dàng vô cùng. Từ trong cơn gió thoảng qua, mang theo cả mùi hoa sữa ngào ngạt nhẹ nhàng. Hoa sữa tinh khôi cho làn hương dìu dịu, hương hoa sữa tỏa ra từ trên nhành cây đi qua chiều thu khiến lòng người nao nao. Vài chùm hoa sữa với những nụ hoa trắng li ti cũng đủ để mùi thơm len lỏi khắp một con phố dài.

Rồi cơn gió ấy lại tiếp tục lướt ngang qua bao con đường. Mùa thu phả làn hơi se lạnh lên các nhành cây và làm rụng xuống những chiếc lá vàng đã úa màu. Một đời của cây trải qua bao cuộc thay lá thuận theo lẽ tự nhiên, một đời của lá thì chỉ có duy nhất thời khắc buông mình khỏi cây để kết thúc, song, nó góp mình vào thềm lá vàng ruộm, tô điểm cho những lát gạch vốn nhạt nhòa.

Hà Nội ơi, nhớ về mùa thu tháng Mười...
Thu Hà Nội luôn đẹp đến nao lòng (Ảnh: Lao động)

Ta ở Hà Nội trong mùa thu, ta đi qua những ngả đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Tri Phương... để ngắm nhìn những thềm lá như thế. Có người thấy cảnh tượng lá thu rơi thật nhẹ nhàng, dịu êm, cũng có người cảm thấy thật cô liêu, hiu quạnh. Lá thu rơi không có tiếng động, lá thu nằm trên nền đất cũng thế, chúng chỉ phát ra tiếng khi gót giày của con người đi qua và đạp lên xác lá. Đằng sau sự cô tịch của lá thu vàng là cả một khoảng không mênh mang bất tận…

Thời gian đi qua từng con phố, vết tích duy nhất chứng minh cho sự tồn tại của nó chính là bức màn rêu phong, lớp tường bê tông nhuốm màu trầm tích…trên những ngôi nhà của phố cổ Hà Nội. Thu đến, khu phố cổ lại được điểm xuyết thêm tán lá úa vàng. Có lẽ vì thu tới nên thời gian nơi đây mới đi chậm lại đôi phần, khiến cho nhịp sống con người lắng đọng trong những con ngách nhỏ của Hà Nội. Thi thoảng có những gánh hàng rong đi qua, chợt thoảng mùi hương cốm thơm ngát - thức quà đặc sản của mùa thu Hà Nội chất chứa sự bình dị, mộc mạc gây nhung nhớ. Những chiếc xe đạp rong ruổi còn chất đầy hoa tươi như cúc họa mi, dã quỳ, thạch thảo,... các khóm hoa lay nhẹ trong gió heo may khiến hồn người cũng “rung rinh” theo.

Rảo bước bên Hồ Gươm, ngước lên vòm trời xanh, mây trắng trên mái đầu, tôi lặng thầm nghe mùa thu bao bọc lấy tôi. Tiết trời lành lạnh để lòng tôi man mác một xúc cảm không tên. Nhìn xung quanh, con người của Hà Nội vẫn tấp nập, nhưng với một cách rất khác. Tôi thầm nghĩ, có chăng là mùa thu cũng giống như tôi, nàng lặng nhìn vạn vật và con người như tôi để chạm tới và làm dịu lòng họ. Nàng tới khiến cho nơi Thủ đô chẳng còn xô bồ, vội vã mà chỉ còn sự thong thả, thư thái.

Gắn với mùa thu Hà Nội không chỉ là không khí nên thơ, cảnh tượng lãng mạn, mà mùa thu Hà Nội còn gắn với Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954). Hồi ấy, mùa thu có lẽ cũng tới đầy vẻ mơ màng, chan hòa vốn có. Nhuốm lên sắc thái thâm trầm của Hà Nội ngày ấy là một vẻ tươi mới, lãng mạn với cờ đỏ sao vàng phấp phới, hoa nở rộ rực rỡ, tiếng reo hò vang tựa tiếng sóng - Thủ đô Hà Nội ăn mừng chiến thắng. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, đoàn quân chiến thắng trở về, thực dân Pháp rút khỏi Thủ đô và trả lại Hà Nội nghìn năm văn hiến sạch bóng quân thù. Đây không chỉ là niềm vui của riêng người dân Hà Nội mà còn là niềm vui của người dân cả nước, là một mốc sự kiện mùa thu lịch sử trọng đại.

Giờ đây, thu vẫn êm đềm, rạng rỡ và tươi mới. Nhìn lại Ngày Giải phóng Thủ đô năm ấy, rồi lại nhìn vào thực tại, tôi nhận ra, mùa thu không chỉ là mùa của tàn phai, mà còn là mùa ẩn chứa một sức sống mãnh liệt, mở ra một tương lai cho những ấp ủ và kế hoạch tiếp tục gây dựng Thủ đô, đất nước. Thu của năm 1954 cũng thật khác so với Thu của bây giờ. Nhưng thu vẫn là thu, nồng nàn và rạng rỡ, tiềm tàng nguồn năng lượng vĩnh viễn không nhạt phai.

Thu ơi, Hà Nội đã chứng kiến thực dân Pháp hạ xuống lá cờ và rút khỏi Thủ đô, chứng kiến nụ cười của người dân Hà Nội lấp đầy con phố từng vắng vẻ tiêu điều. Thu đi qua bao cuộc bể dâu và đắm mình vui sướng trong ngày 10/10 năm 1954 ấy. Và rồi mai sau, thu sẽ tiếp tục được nhìn thấy Thủ đô Hà Nội đắm mình trong ánh nắng chan hòa của với dáng vẻ tự tin về một tương lai phát triển, tươi đẹp và hội nhập. /.

Đinh Bảo Anh
Lượt xem: 65
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...