• :
  • :

Góp phần làm đẹp không gian công cộng

Với giới làm nghề đồ họa nghệ thuật, tên tuổi họa sĩ Phạm Khắc Quang nổi bật với nhiều tác phẩm ấn tượng, giành các giải thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội...

Trong đó, anh đã có một số tác phẩm nghệ thuật công cộng theo xu hướng tương tác địa hình, nhằm khơi dậy tình yêu văn hóa, lịch sử cho người dân bản địa.

Lợi ích nhiều mặt của nghệ thuật công cộng đã được giới chuyên môn khẳng định, song trên thực tế có rất ít dự án được triển khai. Họa sĩ Phạm Khắc Quang đã làm nghề hơn 20 năm, song cũng mới chỉ có 5 tác phẩm nghệ thuật công cộng, đáng chú ý là: “Phảng phất Cửa Đông” (mosaic gốm điểm ảnh) ở phố bích họa Phùng Hưng và “Xẩm tàu điện” (thép, nilon ép kính) ở dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội)... Lý do đơn giản là không có nhiều “đất dụng võ” cho họa sĩ thực hiện tác phẩm nghệ thuật công cộng.

Họa sĩ Phạm Khắc Quang giới thiệu những thử nghiệm đồ họa mới nhất. 

Các nghệ sĩ chỉ làm công việc sáng tác; còn kiến tạo dự án nghệ thuật công cộng, chuẩn bị điều kiện để dự án được triển khai (trong đó có kinh phí) phụ thuộc vào tài năng, nhiệt huyết, mối quan hệ xã hội của giám tuyển (curator). Cần nói thêm rằng, các dự án nghệ thuật công cộng mà họa sĩ Phạm Khắc Quang và các đồng nghiệp thực hiện, phía các nghệ sĩ rất vô tư, nhiệt tình tham gia, không tính tiền công sức sáng tác mà chỉ nhận tài trợ để thanh toán nguyên vật liệu thi công tác phẩm. Dù chấp nhận thiệt thòi, không đòi hỏi quyền lợi nhưng cũng không mấy khi có dự án nghệ thuật công cộng để nghệ sĩ cống hiến.

Đôi khi trở ngại còn nằm ở phía chính quyền và người dân đa phần chưa thấy sự cần thiết của nghệ thuật công cộng với đời sống nên không ủng hộ sự ra đời của các dự án. Họa sĩ Phạm Khắc Quang kể rằng, từ lâu anh ấp ủ thực hiện dự án công cộng ở quê nhà Hải Dương, nhưng rồi ước mong đó vẫn chưa thể thực hiện bởi chưa thuyết phục được cơ quan quản lý và người dân thụ hưởng không gian công cộng.

Qua một số tác phẩm đã thực hiện, họa sĩ Phạm Khắc Quang gây ấn tượng với công chúng khi gợi nhắc đến văn hóa, lịch sử địa phương. “Phảng phất Cửa Đông” là những miếng gốm được gắn trên bức tường ô vòm dưới chân cầu đường sắt Phùng Hưng. Ý tưởng của họa sĩ là những ô vòm bị bịt kín bằng bê tông sẽ được “đục thông” bằng tác phẩm nghệ thuật. Khu vực này vốn gần Cửa Đông thành Hà Nội dưới triều Nguyễn, do vậy họa sĩ Phạm Khắc Quang đã tái hiện hình ảnh cửa thành xưa. Ước mong của họa sĩ là người dân cũng như du khách khi chiêm ngưỡng tác phẩm tự hào và trân quý lịch sử lâu đời của Thủ đô. Cùng với hàng chục tác phẩm khác, “Phảng phất Cửa Đông” đã góp phần làm nên sự độc đáo của phố bích họa Phùng Hưng, trở thành một trong những địa chỉ tham quan nổi bật của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung.

Cũng với cảm hứng từ văn hóa, lịch sử, họa sĩ Phạm Khắc Quang đã tái hiện những người hát xẩm trên tàu điện ở dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Từ xưa đến nay, khu vực ngoài đê sông Hồng là nơi sinh sống của những người thu nhập không cao, phải nỗ lực lao động để mưu sinh. Những người hát xẩm từ Phúc Tân đi theo tàu điện để biểu diễn nhưng rồi tàu điện không còn, những người hát xẩm dân gian cũng biến mất. Tác phẩm "Xẩm tàu điện" tái hiện một loại hình nghệ thuật biểu diễn đường phố trong quá khứ để kích thích trí tưởng tượng của công chúng. Họa sĩ Phạm Khắc Quang tâm sự: “Tự thân cụm từ “tương tác địa hình” dịch từ thuật ngữ nước ngoài không thể bao hàm được đầy đủ ý nghĩa. Chữ “địa hình” không phải chỉ để nói vấn đề đặc thù địa lý vùng đất, mà phải bao gồm yếu tố văn hóa, lịch sử vùng đất, đặc trưng cá tính cư dân bản địa. Muốn tác phẩm nghệ thuật công cộng tương tác với địa hình, được người dân chấp nhận, đòi hỏi người nghệ sĩ phải nghiên cứu, lựa chọn hình ảnh, chất liệu, bút pháp,... chứ không thể tùy tiện sáng tác theo ý thích cá nhân”.

Dù chất liệu khác nhau nhưng nhờ kỹ thuật đồ họa điêu luyện, sử dụng các hình khối, độ đậm nhạt khác nhau nên tác phẩm đồ họa công cộng của Phạm Khắc Quang có thể chiêm ngưỡng gần xa, điều kiện sáng tối lúc mờ lúc tỏ, hệt như hình ảnh quá khứ không còn nhưng vẫn được lưu giữ ký ức tư liệu.

Bài và ảnh: VÂN HÀ

Tags: qdnd
Lượt xem: 123
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết