• :
  • :

Bài 2: Sinh kế từ kho tàng văn hóa của cha ông

Chỉ khi nào người dân sống được bằng văn hóa, khi đó văn hóa mới được gìn giữ tốt nhất. Giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế nằm ở các cá nhân, dòng tộc, cộng đồng cùng đau đáu gìn giữ và trao truyền văn hóa dân tộc với khả năng dẫn dắt, tạo ra những sản phẩm, hành trình đáng nhớ để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của chính người dân địa phương và du khách.

Trao truyền tri thức

Nếu như trước đây, người dân làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chỉ quen với công việc đồng áng, lên nương rẫy thì vài năm trở lại đây, họ đã tiếp cận và làm quen với công việc khá mới mẻ: Làm du lịch ngay tại buôn làng mình. Mô hình du lịch cộng đồng này không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn khiến họ hiểu rằng có thể kiếm sống bằng chính văn hóa của cha ông truyền lại. Theo giới thiệu của anh Nguyễn Xuân Tập, chuyên viên Phòng Xúc tiến du lịch, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Gia Lai, chúng tôi vượt quãng đường gần 100km tìm về làng Mơ Hra. Đây là một trong hai làng nhận tài trợ từ Dự án “Di sản kết nối” của Hội đồng Anh (Vương quốc Anh). Với nhiều nét văn hóa còn lưu giữ, làng Mơ Hra đã ghi tên mình vào bản đồ du lịch cộng đồng, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, cuộc sống cũng như văn hóa địa phương tại Gia Lai.

 Già làng Đinh H’Mưnh, làng Mơ Hra vừa đàn vừa trao truyền tri thức văn hóa người Bahnar cho cán bộ văn hóa xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Men theo Quốc lộ 19, chiếc xe máy đưa chúng tôi xuyên qua những vạt rừng thông uốn lượn, mát rượi và đẹp như một bức tranh. Nằm trên vùng thảo nguyên rộng lớn, đường vào làng dù được trải bê tông mới nhưng những nếp nhà gần như còn được giữ nguyên bản. Như bước qua cỗ máy thời gian, ngược về quá khứ, tiếng đàn ting ning đắm say, cùng giọng hát như tiếng suối róc rách trong khe của già làng Đinh H'Mưnh dẫn dắt chúng tôi vào ngôi nhà rông truyền thống còn nguyên vẹn của người Ba Na. Già làng Đinh H'Mưnh gương mặt đã nhăn nheo, vóc người nhỏ nhắn nhưng săn chắc, đậm dấu ấn của một lão nông chăm chỉ, đang ngâm nga bài “Thanh niên thích ngủ rẫy”. Bài hát nói về những thanh niên siêng năng, suốt ngày làm nương rẫy, không về nhà, ngủ lại ở rẫy.

Như bao già làng Ba Na khác, già làng Đinh H'Mưnh là người được dân làng bầu lên để quyết định những vấn đề quan trọng trong làng. Ngoài ra, già còn là một trong những nghệ nhân đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng của làng. Với niềm mong mỏi lưu giữ tiếng cồng chiêng để con cháu còn giữ được truyền thống văn hóa của người Ba Na, già đã vận động thành lập Đội cồng chiêng. Già cho biết, ở làng chỉ còn 5-6 người biết làm và chơi đàn ting ning, biết chơi đàn này mới giữ được nhịp của chiêng, cồng.

“Bây giờ khác rồi, mọi thứ đều đẹp nên người già ngồi với nhau bàn cách giữ bản sắc dân tộc mình. Thanh niên giờ biếng quá, lo đi chơi không chịu học đàn, phải động viên họ rất nhiều”, già than! Thoáng chút tâm tư, rồi giọng già lại phấn khởi, kể: “Mình già rồi, giao việc truyền dạy cho Đinh Văn Phớt (60 tuổi) và Đinh Văn Xuôn (38 tuổi). Dân làng đều ưng cái bụng, thành lập 3 Đội cồng chiêng từ thiếu nhi, thanh niên đến phụ nữ, tập luyện luân phiên bài chiêng các lễ hội: Ăn trâu, mừng lúa mới, đóng cửa kho, bỏ mả... tại sân nhà rông. Ngoài ra, dân làng còn vận động nhau bảo tồn nghề dệt, đẽo tượng...”.

 Sinh hoạt văn hóa cộng đồng trở thành sản phẩm đặc trưng thu hút du khách khi đến với Tây Nguyên.

Già vẫn thường nói với bà con trong làng, dù khó khăn đến mấy cũng phải duy trì việc tổ chức Lễ hội Mừng lúa mới, vừa để tạ ơn ông trời, các vị thần và ông bà tổ tiên đã phù hộ cho bà con dân làng, vừa là để mọi người đoàn kết, cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hằng năm, đến ngày sinh hoạt các cụ, già làng nghiên cứu việc cúng trỉa lúa, cúng trâu. Hết tháng 10 thì cúng ăn mừng lúa mới, giờ trâu đắt thì đổi bằng cúng heo, cúng gà. Mọi người đều vui vẻ đóng góp, vui say với rượu cần trong tiếng chiêng; trẻ con được vui chơi, ai cũng thích.

Chia sẻ với chúng tôi về đặc thù nơi đây, chị Trần Thị Bích Ngọc, cán bộ văn hóa-thông tin xã Kông Lơng Khơng cho biết, làng Mơ Hra có 117 hộ dân, 98% là người Ba Na, chủ yếu làm nghề trồng mía và hoa màu. Với bản sắc văn hóa truyền thống và có sự đầu tư từ năm 2019, giờ làng Mơ Hra phát triển thêm du lịch cộng đồng. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, đợt cao điểm, mỗi tháng, trung bình làng đón 200-300 khách tới tham quan. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã kết nối gần 70 doanh nghiệp lữ hành thuộc Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tham gia khảo sát du lịch cộng đồng tại làng Mơ Hra để gắn kết, trong Chương trình kết nối “Đường Trường Sơn huyền thoại” gồm các điểm: A Lưới (Huế)-Tây Giang (Quảng Nam)-Kon Kơ Tu (Kon Tum)-Kbang (Gia Lai).

Di sản âm nhạc cồng chiêng, nghề đan lát, đẽo tượng gỗ và dệt thổ cẩm được duy trì trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của dân làng Mơ Hra từ bao đời nay. Dự án “Di sản kết nối” thực sự giúp người dân có những hướng đi rõ ràng cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, ngay cạnh ngôi nhà rông truyền thống là ngôi nhà rông hiện đại xây theo mô hình nhà văn hóa nông thôn mới án ngữ, phá hỏng không gian thiêng liêng của dân làng Ba Na. Một cảm giác khá hụt hẫng, như ngắm một bức tranh đẹp bỗng có giọt mực rớt ở chính giữa. Điều đó khiến người xem còn nhiều suy tư, liệu cứ được đầu tư là có thể giữ được văn hóa hay cần thêm điều gì khác?

Cách Mơ Hra tầm 5km, ngôi làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày ngày đón khách tới thăm. Anh Đinh Mỡi, quản lý Nhà tưởng niệm Anh hùng Núp chia sẻ, du khách có nhu cầu trải nghiệm cuộc sống của người dân như nó vốn có bao đời nay nên xã hướng dẫn người dân trong làng cách làm du lịch dựa vào chính gia đình họ. Khi lựa chọn được các hộ gia đình đáp ứng tiêu chí, như: Có nhà truyền thống, ăn ở sạch sẽ, có nghề truyền thống, bảo tồn được phong tục tập quán... họ sẽ biến chính ngôi nhà của gia đình thành nơi lưu trú,  trải nghiệm cho du khách.

Tuy vậy, dù người dân háo hức được biểu diễn cồng chiêng cho du khách nhưng tiền công không đáng bao nhiêu, họ không thể bỏ công việc nương rẫy cả ngày để ở nhà đợi khách. Ban quản lý nhiều lúc phải tổ chức những Đội cồng chiêng phần nhiều mang tính “biểu diễn”.

Làm sống dậy báu vật đại ngàn

Dùng văn hóa dân tộc mình để phát triển kinh tế-xã hội rất cần những cá nhân điển hình phát huy tri thức bản địa. Với sự tiên phong và khả năng dẫn dắt, họ sẽ thúc đẩy đồng bào mình tạo ra những sản phẩm, hành trình đáng nhớ để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách. K’Vâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những điển hình mà chúng tôi gặp gỡ trong chuyến điền dã Tây Nguyên.

"Khi học môn “Truy tìm báu vật địa phương để phát triển du lịch sinh thái”, tôi thấy mình được khai mở biết bao điều lý thú. Những gì thầy giáo nói về "báu vật địa phương" là toàn bộ những gì về văn hóa, đặc sắc nhất của dân tộc, của buôn làng mình cứ hiện lên trong đầu. Lúc đó tôi như bừng tỉnh. Trời ơi, sao mình lãng phí quá vậy! Trời ơi, sao trước giờ mình không để ý! Và từ đó, tôi khao khát những "báu vật cộng đồng" được khôi phục, gìn giữ và tạo ra giá trị", K’Vâng chia sẻ.

Cách làm của K’Vâng là để khách thật sự hòa mình vào đời sống người dân địa phương. Trong tất cả các tour K’Vâng dẫn khách đều thấm đẫm văn hóa đặc trưng của người Cơ Ho, Ra Glay, Cil, Ê Đê... trên đất Nam Tây Nguyên. Trong các câu chuyện, chia sẻ của anh luôn đầy ắp về những cung đường, ngọn núi, buôn làng, con người có thật được kể mộc mạc, tình cảm bằng tiếng Cơ Ho, tiếng Anh, tiếng Việt. Từ đó những đam mê được chia sẻ, giới thiệu đến bạn bè, đến những người theo dấu chân K’Vâng đi tìm “tâm hồn” Tây Nguyên.

Theo chân K’Vâng tổ chức cho nhóm khách gia đình thưởng thức ẩm thực Lạch tại nhà sàn của Cil Mom Blui ở bon Đông 1, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, một du khách đã hào hứng học và hát những bài dân ca của người Lạch, chúng tôi nhận thấy cách làm của chàng trai này khá hấp dẫn, khác lạ. Ngồi bên bếp lửa bập bùng uống rượu cần, nghe mọi người ngân nga hát, tâm hồn của họ lập tức đồng điệu.

Người dân cũng nhận ra rằng, không chỉ có cồng chiêng, rượu cần mà ngay cả những thứ đơn giản khác cũng mang lại cho họ giá trị kinh tế đáng kể và bền vững. Nếu họ trồng trọt theo phương pháp canh tác thuận tự nhiên như của ông bà tổ tiên, sẽ có rất nhiều người tới tìm học và trải nghiệm lối sống đó. Dần dần, du khách hiểu và trân trọng tâm hồn, văn hóa của người dân địa phương.

 Ở Tây Nguyên, mỗi người dân đều là linh hồn của mỗi vùng đất. Ngoài những hiểu biết về rừng, họ còn lưu giữ những câu chuyện về phong tục, văn hóa, tri thức của dân tộc mình. Khi người dân giữ được sinh cảnh thì văn hóa được giữ. Khi người dân được sống trong môi trường tri thức dân gian kết hợp hiệu quả với tri thức khoa học, cuộc sống của họ lạc quan, vui vẻ hơn. Đó chính là cách họ giữ "kho báu" của cha ông (còn nữa)

Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Thông tư số 01/2022/TT-UBDT ngày 26-5-2022 của Ủy ban Dân tộc đề ra 19 chỉ số thành phần, với nhiều nội dung cụ thể, như: Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; hỗ trợ xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu của vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch. 

Phóng sự của VƯƠNG HÀ - THU HÀ

Tags: qdnd
Lượt xem: 146
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết