• :
  • :

Độc đáo nét truyền thống và hiện đại đan xen trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Tối 30/6/2022, Lễ Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2022); 30 năm Ngày truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre (1/7/1992 -1/7/2022) đã được tổ chức. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ.

Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Dự buổi lễ còn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Bến Tre và một số địa phương; đại diện UNESCO, đại diện cơ quan ngoại giao, các vị khách quốc tế, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhà khoa học quốc tế và trong nước, các văn nghệ sỹ, đại diện các tầng lớp nhân dân.

Trước khi vào buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước đã đến dâng hương tại đền thờ chính cụ Nguyễn Đình Chiểu, viếng mộ cụ và thân tộc.

Độc đáo nét truyền thống và hiện đại đan xen trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 200 ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định tỉnh Bến Tre là vùng quê gắn bó với Nguyễn Đình Chiểu. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã thực hiện nhiều công việc có ý nghĩa sâu sắc nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà Nguyễn Đình Chiểu để lại cho thế hệ hiện tại và mai sau.

Tại buổi lễ, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đã trao Nghị quyết vinh danh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 - 2023.

Lễ kỷ niệm diễn ra với chương trình nghệ thuật “Đạo sáng mãi giữa đời” do kịch bản và đạo diễn Lê Quý Dương thực hiện. Chương trình kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống và di sản văn hóa của Nam Bộ với những sáng tạo hiện đại mới của các nghệ sỹ trong nước và quốc tế. Khán giả như được tham gia vào một hành trình theo bước chân cụ Đồ Chiểu năm xưa từ quê nội xứ Huế tới Sài Gòn Gia Định rồi Long An và cuối cùng về với quê hương Ba Tri, Bến Tre.

Độc đáo nét truyền thống và hiện đại đan xen trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ảnh 2

Hành trình theo bước chân cụ Đồ Chiểu năm xưa

Lễ kỷ niệm được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 và được tiếp sóng trên nhiều Đài Truyền hình địa phương. Đặc biệt chương trình được livestream trên nền tảng facebook để đảm bảo phục vụ lượng người theo dõi đông đảo, đặc biệt tại Pháp và các nước châu Âu, nơi các đại biểu và thành viên của UNESCO đón xem chương trình.

Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Trong thời lượng chương trình nghệ thuật hạn chế chỉ với 45 phút, tôi mong muốn tạo dựng nên chân dung Nguyễn Đình Chiểu vừa đồ sộ với tầm vóc của nhân cách và tư tưởng mang tính nhân loại, vừa mộc mạc gần gũi với đất nước và nhân dân như một người con hiếu thảo, người thầy giáo tận tụy, người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân, người chí sĩ một đời khát khao độc lập, tự do và hòa bình cho dân tộc.”

Độc đáo nét truyền thống và hiện đại đan xen trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ảnh 3

Màn biểu diễn ca cổ trích đoạn “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” cùng bộ sưu tập áo dài của NTK Yến Nhi

Điểm nhấn đặc biệt của chương trình nghệ thuật đó là màn biểu diễn ca cổ trích đoạn “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” do hai nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện: NSƯT Lê Tứ và NSƯT Mỹ Hằng cùng các nghệ sĩ cải lương của Đoàn cải lương Bến Tre qua phần trình bày tác phẩm vọng cổ “Trái tim Đồ Chiểu” của soạn giả Lê Long. NSND Thanh Hải, một trong những cây đại thụ của cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ được đạo diễn Lê Quý Dương mời tham gia tổ chức và biên tập toàn bộ phần cổ nhạc của chương trình.

Một sáng tạo thú vị của chương trình tôn vinh là bộ sưu tập áo dài Lục Vân Tiên- Kiều Nguyệt Nga của nhà thiết kế trẻ Yến Nhi. Sáng tác của cô lấy cảm hứng từ những bức tranh trong cuốn truyện “Lục Vân Tiên” mà Viện Viễn đông Bác cổ Pháp xuất bản. Lần đầu tiên, câu chuyện về Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga được kể bằng ngôn ngữ thời trang thông qua tà áo dài truyền thống. Ngoài ra, 20 người mẫu đã trình diễn các bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Yến Nhi mang tên: Cội nguồn xứ Huế Quê hương, Hương tình Bến Tre, Thế giới Hòa Bình thu hút nhiều khán giả.

Độc đáo nét truyền thống và hiện đại đan xen trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ảnh 4

Ca khúc “Đạo không xa Người” cùng bộ sưu tập áo dài Thế giới Hòa Bình

Nhạc sĩ Đỗ Bảo sáng tác một ca khúc hoàn toàn mang âm hưởng hiện đại độc đáo dành riêng cho chương trình mang tựa đề “Đạo không xa Người” với lời thơ của Lê Quý Dương là câu chuyện được nhóm tứ ca nam Lạc Việt thể hiện, như lời tâm tình của thế hệ trẻ Việt Nam kể với bạn bè thế giới câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, vị danh nhân được dân tộc Việt Nam tôn kính qua nhiều thế hệ.

Độc đáo nét truyền thống và hiện đại đan xen trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ảnh 5

Nét truyền thống và hiện đại trong Lễ Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Đặc biệt, tác giả Kịch bản – Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương đã kết nối với hai đồng nghiệp quốc tế, nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Thụy Điển Pamela Hedstroem và nhạc sĩ Dominique Probst người Pháp để sáng tác hai ca khúc mới dành riêng cho chương trình dựa trên cảm hứng từ tác phẩm Lục Vân Tiên của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Nhạc trưởng nổi tiếng Trần Vương Thạch chỉ huy và đích thân nhạc sĩ Pháp Dominique chơi bộ gõ.

Độc đáo nét truyền thống và hiện đại đan xen trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ảnh 6

Nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Thụy Điển Pamela Hedstroem sáng tác và biểu diễn ca khúc tôn vinh cụ Đồ Chiểu.

Đây là dấu ấn đột phá và sáng tạo đưa chương trình lên đúng qui mô và tầm vóc quốc tế. Điều này đã mở rộng bán kính ảnh hưởng và tính phổ cập của tác phẩm Lục Vân Tiên trên những chiều cảm nhận, đánh giá và phong cách sáng tạo khác nhau của các nghệ sĩ quốc tế.

Lượt xem: 133
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...