• :
  • :

Hội nhập quốc tế về giáo dục là không nói suông!

“Cần gì đi đâu xa, sang Việt Nam học đi, bằng cấp quốc tế. Tìm đâu ra chi phí đào tạo, mức sống tốt thế này với giá rất phải chăng”, câu nói của anh bạn tôi đăng trên mạng xã hội ngay lập tức nhận được nhiều chia sẻ. Có người lạc quan, phấn khởi nhưng cũng không ít người còn nghi ngại.

Là Hiệu trưởng của Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông-Đại học Bách khoa Hà Nội, bạn tôi bảo: “Hội nhập quốc tế về giáo dục là không nói suông được đâu, phải chứng minh bằng những chương trình, những con số cụ thể thì người học mới tin”. Suốt một năm qua, bạn tôi cùng các đồng nghiệp đã có một năm “lăn lộn” liên tục với các đoàn kiểm định chất lượng của các tổ chức uy tín quốc tế. "Quả ngọt" của những đổi mới mà nhà trường căng mình thực hiện ở tất cả các “mặt trận” là sự chứng nhận các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Đó cũng là niềm vui của không ít trường tại Việt Nam khi ngày 9-11 vừa qua, tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố kết quả xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất châu Á năm 2022. Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng. So với năm ngoái, nhiều trường đại học Việt Nam đã tăng hạng. Trong giai đoạn 2016-2021, Việt Nam đã thu hút hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài từ 102 quốc gia, vùng lãnh thổ đến học tập. Con số này cho thấy Việt Nam đã dần trở thành điểm đến học tập đáng tin cậy.

Điều đó càng thể hiện rõ trong toàn hệ thống giáo dục Việt Nam khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực vào năm 2020. Quốc tế hóa và hội nhập gần như là chính sách xuyên suốt của nhiều trường trong lộ trình phát triển của mình. Quốc tế hóa không chỉ là những kế hoạch trên giấy mà cần nhiều hành động, cụ thể bằng những con số, chính sách rõ ràng, vị trí trên bảng xếp hạng giáo dục quốc tế. Với tinh thần ấy, nhiều trường tham gia kiểm định quốc tế đều xác định có sao nói vậy, không tô hồng, không che đậy. Những điều còn chưa tốt sẽ được tiếp tục hoàn thiện. Có như vậy, chất lượng giáo dục mới thực chất, mới đủ năng lực cạnh tranh quốc tế, thu hút người học tới Việt Nam và giữ chân người học trong nước.

Thời gian qua, các hoạt động quốc tế hóa giáo dục tại hệ thống giáo dục đại học đã và đang diễn ra hết sức mạnh mẽ khi hàng loạt trường mạnh dạn thay đổi toàn diện trong công tác quản trị, đào tạo. Từ việc mở rộng cơ chế tự chủ toàn diện từ thượng tầng đến hạ tầng, nhập khẩu giáo trình, chuyển đổi phương thức đào tạo, đánh giá đến việc chuyển chuẩn hóa các chương trình đào tạo, chuyên ngành theo khung kiểm định quốc tế... Tuy nhiên, đây là một hành trình dài, có những việc nằm ở phạm vi đại học, nhưng cũng không ít việc ở tầm mức xa hơn. Vì vậy cần có một chính sách mang tính tổng thể, đồng bộ và quyết liệt hơn. Nhà nước cần có những hoạch định chiến lược đầu tư mang tính đột phá và thực sự hiệu quả cho hệ thống giáo dục đại học. Cần thiết kế chính sách khuyến khích hệ thống giáo dục Việt Nam tham gia các kiểm định khu vực và quốc tế; định hướng hệ thống đại học tham gia xếp hạng trong nước và quốc tế phù hợp; tăng cường sự di chuyển của sinh viên, giảng viên và học giả quốc tế. Cùng với đó là xây dựng các đại học tầm cỡ thế giới, cũng như bộ tiêu chí xếp hạng đại học trong nước gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng tiếp cận của người học theo hướng học tập suốt đời...

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các trường đại học không thể chỉ cố gắng hoạt động hiệu quả ở môi trường trong nước mà đòi hỏi phải vươn ra thế giới, kết nối toàn cầu và cùng tạo ra một thế hệ công dân quốc tế mới.

THÁI AN

Tags: giáo dục