• :
  • :

Cải thiện chế độ dinh dưỡng cho người dân trên địa bàn thành phố

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TP Hà Nội, hiện nay, thành phố đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng, đó là tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn khá cao (11,8%) và tình trạng thừa cân, béo phì ở cả trẻ em và người trưởng thành đang gia tăng nhanh chóng.

Những vấn đề này cần được can thiệp đa dạng, đa chiều, đa ngành, đồng bộ, liên tục trong thời gian tới để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực, trí tuệ của người dân TP Hà Nội. Tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng và khác biệt giữa nội thành và ngoại thành. Đặc biệt là lứa tuổi học đường, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 18,6% năm 2017 lên 22,7% năm 2021 (nội thành 28,8%, ngoại thành 19,9%), trong đó tỷ lệ học sinh tiểu học bị thừa cân, béo phì cao và tăng nhanh từ 30% năm 2017 lên 37,8% năm 2021. Ở lứa tuổi trưởng thành, tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng tăng từ 14,1% năm 2016 lên 19,2% năm 2021. Bên cạnh đó, kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời của người dân còn hạn chế.

Cân bằng chế độ dinh dưỡng để bảo đảm sự phát triển tốt nhất cho trẻ. 

Trước tình hình đó, Sở Y tế TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 4785/KH-SYT về thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của ngành y tế trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2022-2030.

Tại kế hoạch, ngành y tế Hà Nội xác định 4 mục tiêu cụ thể gồm: Triển khai chế độ ăn đa dạng, hợp lý cho mọi lứa tuổi theo vòng đời của người dân TP Hà Nội; cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và góp phần nâng cao tầm vóc thanh thiếu niên tại TP Hà Nội; kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành; duy trì bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, đối với mục tiêu triển khai chế độ ăn đa dạng, hợp lý cho mọi lứa tuổi, các chỉ tiêu cụ thể như tỷ lệ trẻ 6-23 tháng tuổi có chế độ ăn đúng, đủ đạt 78% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030. Tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ số lượng rau quả hằng ngày đạt 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. 100% bệnh viện trong và ngoài công lập của TP Hà Nội tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý của người bệnh vào năm 2030. Tỷ lệ xã có triển khai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện đạt 80% vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.

Đối với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, chỉ tiêu phấn đấu giảm xuống 10% vào năm 2025 và duy trì dưới 10% đến năm 2030 đối với trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi. Duy trì dưới 3% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể gầy còm đến năm 2030. Giảm xuống 6,8% vào năm 2025 và dưới 6% vào năm 2030 đối với trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi theo giới đạt 169cm đối với nam và 158cm đối với nữ vào năm 2025; chiều cao này đạt 170,5cm đối với nam và 159cm đối với nữ vào năm 2030.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch, ngành y tế xây dựng một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đặc biệt là giải pháp về công tác chuyên môn kỹ thuật. Đó là nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý tiến tới thay đổi hành vi, tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý của người dân song song với nâng cao năng lực hệ thống y tế. Nâng cao năng lực của các đơn vị y tế dự phòng, nâng cao năng lực cho các cán bộ y tế làm công tác dinh dưỡng lâm sàng tại những bệnh viện tuyến thành phố và quận, huyện để bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ khám, tư vấn, điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý cho người bệnh...

Bài và ảnh: QUANG MINH