• :
  • :

Phủ kiến thức pháp luật để nâng cao toàn diện giáo dục

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung phù hợp, thiết thực; từ đó góp phần xây dựng ý thức, rèn nếp sống văn minh cho học sinh, hạn chế các hành vi lệch chuẩn cũng như bạo lực học đường.

Sôi nổi các hoạt động

Cuối tháng 10 vừa qua, tại Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng), hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được cụ thể hóa bằng Chung khảo Hội thi “Chúng em tìm hiểu pháp luật” với sự tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và hơn 1.500 học sinh.

Qua ghi nhận, từ nhiều ngày trước đó, các giáo viên, học sinh đã chuẩn bị các tiết mục văn nghệ với những ca khúc liên quan đến một số bộ luật như: Luật Trẻ em, Luật Giao thông, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật An minh mạng… Điều này giúp “mềm hóa” kiến thức pháp luật và tạo sự sôi động, cuốn hút hơn với học sinh. Các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm đều mang nội dung định hướng hành vi cho học sinh, giúp các em tiếp cận với kiến thức pháp luật tự nhiên.

Phủ kiến thức pháp luật để nâng cao toàn diện giáo dục
Học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy tham gia buổi tuyên truyền phổ biến kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng chống tội phạm.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Sơn Nguyễn Thị Lệ Thủy, nhà trường tổ chức Hội thi với mong muốn xây dựng một sân chơi an toàn, bổ ích, ý nghĩa cho học sinh. Trước đó, vòng sơ khảo của Hội thi đã được tổ chức theo hình thức trả lời trắc nghiệm trên fanpage của trường trong nhiều tuần và nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo học sinh.

“Tôi mong rằng, sau hoạt động này, mỗi học sinh, dù ở lứa tuổi tiểu học vẫn có thể hiểu sâu sắc hơn về giá trị và ý nghĩa của pháp luật, từ đó rèn luyện kỷ luật, ý thức chấp hành, trở thành những chủ nhân tương lai của nước nhà, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, thịnh vượng và văn minh”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Sơn chia sẻ.

Với 3 phần thi Chào hỏi, Tìm hiểu pháp luật và Tài năng, các nghệ sĩ nhí đã khéo léo thể hiện các thông điệp ý nghĩa về Ngày Pháp luật Việt Nam bằng các hình thức sân khấu hóa, các hoạt cảnh, tiểu phẩm, kịch. Ban Giám khảo Hội thi nhiều lần bất ngờ về sự am hiểu về pháp luật của các học sinh qua các phần trả lời vừa nhanh vừa chính xác.

Hay như tại Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hà Đông), thầy và trò nhà trường lại hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bằng một buổi tuyên truyền tìm hiểu kiến thức pháp luật. Thông qua buổi tuyên truyền, học sinh trong nhà trường được nâng cao hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An ninh mạng, kiến thức phòng chống xâm hại trên không gian mạng... phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi các em, bước đầu giúp học sinh vận dụng vào cuộc sống, đồng thời tích cực tham gia vào đấu tranh, phòng chống tội phạm trong nhà trường và khu dân cư.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi Lê Minh Nguyệt cho biết, hàng năm, Trường Trung học cơ sở Lê Lợi luôn có các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà trường coi trọng việc phổ biến và tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh trong nhà trường, đó là những chủ nhân tương lai của đất nước với mong muốn các con trưởng thành không chỉ ở trí tuệ mà còn ở cốt cách con người.

Nhà trường mong muốn đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh hiểu biết thêm về vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật, nâng cao tinh thần chủ động tìm hiểu, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng kỷ cương, kỷ luật cũng như năng lực áp dụng pháp luật, trách nhiệm thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục trong các trường học.

Tại quận Hoàng Mai, thực hiện nhiệm vụ giáo dục pháp luật, thời gian qua, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được 100% các trường học trên địa bàn tích cực hưởng ứng, được tổ chức ngày càng nền nếp, thiết thực và hiệu quả với nhiều mô hình, cách làm mới. Các nhà trường đã hưởng ứng bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, sát với đối tượng học sinh, không phô trương hình thức, đã khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để tuyên truyền giáo dục pháp luật trong trường học, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các phần thi do các cấp tổ chức.

Sử dụng mạng Internet an toàn

Một trong những vấn đề cũng được các nhà trường tập trung quan tâm là cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp học sinh phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn khi sử dụng mạng Internet. Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi học sinh ngày càng tiếp cận nhiều hơn với máy tính, mạng Internet. Nếu không có định hướng kịp thời, học sinh sẽ dễ có nguy cơ bị lôi kéo vào những hành vi xấu.

Mới đây, một chuyên đề giáo dục pháp luật với chủ đề “Sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn” với sự giúp đỡ của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã được tổ chức tại Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy). Xác định rõ tâm lý, tư duy của học sinh cấp Trung học phổ thông phát triển mạnh, hoạt động trí tuệ linh hoạt và nhạy bén, các em có khả năng phán đoán và giải quyết vấn đề rất nhanh, tuy nhiên ở một số học sinh vẫn còn nhược điểm là chưa phát huy hết năng lực độc lập suy nghĩ của bản thân, còn kết luận vội vàng theo cảm tính; vì vậy chuyên đề đã được các luật sư triển khai bằng cách đưa ra các tình huống và yêu cầu học sinh nêu giải pháp dựa trên hiểu biết về pháp luật.

Trực tiếp chia sẻ với học sinh, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (Chuyên gia Tội phạm học) cho biết, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng, chống tội phạm trên không gian mạng có rất nhiều vấn đề, tiềm ẩn không ít nguy hiểm đối với lứa tuổi học sinh. Có nhiều học sinh trang bị khá tốt về các kiến thức này, song vẫn còn có những học sinh lại bất ngờ khi tiếp cận với những tình huống được nêu ra.

Em Lê Nguyễn Phương Thảo (học sinh lớp 12D2, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy) chia sẻ: “Nhiều bạn bè của em thường tự cho rằng mình thông thạo khi sử dụng mạng xã hội và không biết được về sự tinh vi của các tội phạm luôn biến hóa không ngừng. Do đó, những buổi hoạt động tuyên truyền về pháp luật của nhà trường tổ chức luôn cần thiết, giúp học sinh cập nhật các hình thức tội phạm để phòng tránh cho mình và cho cả người thân”.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không là chỉ hưởng ứng trong một ngày, mà là mỗi ngày mọi người dân Việt Nam phải thực hiện nghiêm hiến pháp và pháp luật. Để hoạt động không chỉ là phong trào, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật vì lợi ích của mình và của cộng đồng; thực hiện tốt bộ quy ứng xử nơi công cộng của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; bộ quy ước ứng xử của giáo viên nhà trường…/.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành kế hoạch hướng dẫn các nhà trường triển khai bằng các hoạt động thiết thực, phù hợp lứa tuổi; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khuyến khích các đơn vị, nhà trường tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách pháp luật, tư vấn luật cho người học, phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên, người lao động…

Phạm Thảo
Lượt xem: 55
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...